Chủ nhật, 12/05/2024, 11:01 [GMT+7]

Sắp xếp ổn định dân cư, tạo đà phát triển kinh tế

Thứ sáu, 24/07/2015 - 09:09'
(BLC) - Mường Tè là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh. Nhằm thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên dòng sông Đà, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình Thuỷ điện Lai Châu - một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nước cho vùng châu thổ sông Hồng và cung ứng điện cho mạng lưới điện quốc gia. Với vị trí địa lý của huyện, hàng nghìn hộ dân đã phải di chuyển để phục vụ cho việc thi công công trình thủy điện quan trọng này.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề tiếp tục thực hiện quy hoạch dân cư, định canh, định cư của huyện giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo công tác TĐC Thuỷ điện Lai Châu; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện; UBND huyện Mường Tè xây dựng Kế hoạch về tiến độ di chuyển dân đến các điểm TĐC thuộc các khu TĐC các xã: Mường Tè, Nậm Khao, thị trấn Mường Tè. Chỉ đạo các xã, thị trấn nằm trong vùng TĐC thành lập Ban Chỉ đạo TĐC xã do Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện công tác di dân TĐC công trình Thủy điện Lai Châu, ổn định dân cư cho 1.129 hộ, 4.494 nhân khẩu đến nơi ở mới. Ngoài ra, huyện đã thực hiện bố trí sắp xếp được 13 điểm dân cư thuộc 9 xã nằm trong vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn cho 217 hộ, 1.083  nhân khẩu; di dãn dân ra khu vực biên giới và sắp xếp cho 70 hộ, 286 nhân khẩu bằng hình thức: di dân xen ghép, ổn định tại chỗ và bố trí, sắp xếp dân cư tập trung. Các hộ di chuyển đều được bố trí đảm bảo về đất ở từ 200 - 400m2/hộ tùy thuộc vào quỹ đất, sắp xếp đất sản xuất, đất rừng để các hộ di dân TĐC, định canh định cư có đất sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời phát triển thêm những hình thức sản xuất mới như: canh tác trên vùng đất bán ngập (trồng ngô, lạc..), phát triển trồng cây cao su (Nậm Khao), trồng xen canh khoai sọ trong rừng trồng cây cao su...

Đồng chí Mai Văn Thạch - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè thăm hỏi, động viên người dân bản A Chè (xã Thu Lũm). Ảnh: Bùi Chiến

Đời sống Nhân dân sau khi được bố trí, sắp xếp, TĐC từng bước ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, mức hưởng thụ về văn hóa, giáo dục, y tế của người dân ngày càng được nâng lên. Các điểm TĐC, định canh định cư được đầu tư các công trình cơ sở thiết yếu như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt. Các hộ di chuyển đến nơi ở mới được hỗ trợ kinh phí di chuyển, làm nhà, lương thực, dụng cụ sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí. Các điểm được bố trí sắp xếp định canh, định cư từng bước ổn định về đời sống, phát triển sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp Nhân dân yên tâm định cư lâu dài ở nơi ở mới. Bình quân lương thực đạt 390kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt 15,2 triệu đồng/người/năm... 

Đặc biệt, địa bàn huyện còn là nơi tập trung sinh sống của các dân tộc La Hủ, Mảng, Cống, là ba trong nhóm 5 dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển của tỉnh và cả nước. Do tập quán sinh hoạt, sản xuất, 3 dân tộc: La Hủ, Mảng, Cống sống biệt lập, ít có sự giao lưu với các dân tộc khác. Địa bàn cư trú ở khu vực khó khăn, cách xa khu vực trung tâm và khu vực có điều kiện phát triển. Tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống ở mức thấp. Tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên. Các tệ nạn xã hội còn tồn tại. Đây là những yếu tố đặt 3 dân tộc này đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ đồng hoá, sự suy giảm dân số và chất lượng dân số, mà ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội và quá trình hôn nhân cận huyết, sự tụt hậu, tự ty... là rào cản không nhỏ cho sự hoà nhập và phát triển của người dân, đồng thời cũng là thách thức trong việc hoạch định những chính sách phát triển cho nhóm dân tộc này.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh xây dựng và thực hiện đề án 3 dân tộc để đưa các dân tộc La Hủ, Mảng, Cống vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Huyện thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ bà con các dân tộc, cụ thể như: mở lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất; giúp Nhân dân khai hoang cải tạo đất sản xuất, làm lúa nước, trồng rừng...; hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư sản xuất cho các hộ với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ/năm; hỗ trợ trẻ học mầm non thuộc hộ nghèo tại các xã, bản với mức bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng. Đối với học sinh tiểu học, hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng nếu không học bán trú và 60% lương tối thiểu chung/học sinh/tháng nếu học và ở bán trú. Đối với học sinh cấp trung học cơ sở, mức hỗ trợ bằng 60% lương tối thiểu chung/học sinh/tháng. Vận dụng các nguồn vốn như 30a, 135... hỗ trợ bà con xóa nhà tạm.

Việc sắp xếp ổn định dân cư có ý nghĩa quan trọng, tác động tới mọi mặt đời sống, quyết định tới công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Mường Tè; góp phần quy hoạch lại dân cư, vùng sản xuất; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thay đổi phương thức sản xuất cũ, lạc hậu bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và tiến tới phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá gắn với thị trường. Đồng thời, tăng cường giao lưu kinh tế giữa vùng 3 dân tộc với các khu vực xung quanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ những tập tục lạc hậu; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng dân số, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em. Xoá bỏ tư tưởng tự ty dân tộc để hoà nhập vào sự phát triển chung; tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng; củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Đóng góp có hiệu quả trong bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà; cải thiện tích cực điều kiện môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai, chống xói mòn đất và hạn hán.

Những việc làm cụ thể là tiền đề tạo đà để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới: phấn đấu thu ngân sách đạt 47 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 32,5 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực trên 18.500 tấn, lương thực bình quân đạt trên 397kg/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64%; giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu có 20 trường đạt chuẩn quốc gia; 66,7% số xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế...

Mai Văn Thạch - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...