Thứ ba, 19/03/2024, 17:25 [GMT+7]

Sở Y tế Lai Châu hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Thứ sáu, 07/01/2022 - 22:27'
(BLC) - Ngày 7/1/2021, Sở Y tế Lai Châu đã ban hành hướng dẫn số 36/HĐ-SYT về việc hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

I. ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG; ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ; ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÁCH LY TẠI NHÀ

1. Đối tượng sử dụng

1.1. Bệnh viện tuyến tỉnh; Trung tâm Y tế huyện, thành phố; Cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm vận chuyển cấp cứu và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà (sau đây gọi tắt là Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà).

1.2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã.

1.3. Nhân viên tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
2. Đối tượng quản lý tại nhà

Người nhiễm COVID-19 đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19

a) Là người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi…

b) Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

c) Đáp ứng thêm, tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí sau:

- Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày; 

Hoặc:

- Có đủ 02 yếu tố sau: (1) Tuổi: từ 1 đến 50 tuổi; (2) Không có bệnh nền. Nếu là phụ nữ thì không đang mang thai.

(Danh mục các bệnh nền tại Phụ lục 1)

2.2. Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc

a) Có thể tự chăm sóc bản thân như: ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…

b) Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính, …

c) Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí của mục a, b nêu trên.

3. Yêu cầu, điều kiện khi thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà:

3.1. Yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế, quản lý F0 tại nhà

a) Là nhà ở riêng lẻ;

b) Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”; có thùng rác màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2” để đựng chất thải y tế cơ nguy cơ lây nhiễm;

c) Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình;

d) Khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly; 

đ) Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng;
- Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có màu vàng, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng để đựng chất thải của F0 có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2” (sau đây được gọi tắt là thùng đựng chất thải lây nhiễm);

- Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ;

- Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt hoặc thiết bị, vật dụng giặt giũ riêng;

- Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.

e) Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly;

g) Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

3.2. Yêu cầu với F0 cách ly y tế tại nhà

a) Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà; có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 3.

b) Không ra khỏi phòng/nhà cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi.

c) Luôn thực hiện Thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

d) Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng “Khai báo y tế điện tử PC COVID” trong suốt thời gian thực hiện cách ly. Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày theo hướng dẫn; đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng “Khai báo y tế điện tử PC COVID” và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.

đ) Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người trong cùng gia đình.

e) Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày và phân loại chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục 8.

g) Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
h) Được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

3.3. Yêu cầu với người ở cùng nhà

a) Có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu tại Phụ lục 3 và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly, người ở cùng nhà theo mẫu tại Phụ lục 4.

b) Không tiếp xúc với F0 khi không cần thiết, thực hiện Thông điệp 5K và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian cách ly tại nhà.

c) Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho F0 hàng ngày.

d) Báo ngay cho cán bộ y tế khi F0 tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.

đ) Vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày và phân loại chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục 8.

e) Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế).

g) Tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Tuyệt đối không đi ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly y tế tại nhà.

h) Tất cả người đang ở cùng nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARSCoV- 2 cùng thời điểm với F0. Sắp xếp một khu vực trong nhà để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế khi có yêu cầu.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đông Phong, thành phố Lai Châu kiểm tra thân nhiệt công dân cách ly tại nhà.

Cán bộ Trạm Y tế phường Đông Phong, thành phố Lai Châu kiểm tra thân nhiệt công dân cách ly tại nhà.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO F0 CÁCH LY TẠI NHÀ

1. Hoạt động 1. Xác định, lập danh sách F0 cách ly điều trị tại nhà

a) UBND cấp xã và các đơn vị liên quan (Trạm Y tế, đại diện tổ dân phố/thôn/xóm/bản…) kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly F0 tại nhà theo biên bản đánh giá đủ điều kiện cách ly F0 tại nhà; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà theo mẫu tại Phụ lục 2A, 2B. Thực hiện ký cam kết với F0 và người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; người ở cùng nhà (nếu có) theo Phụ lục 3, Phụ lục 4. Lập và quản lý danh sách người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo Phụ lục 5. Ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà theo Phụ lục 6.

- Trạm y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 được chăm sóc, quản lý trên địa bàn vào file excel để theo dõi và báo cáo. Trong vòng 4-6 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin F0, chuyển thông tin F0 (họ tên, số điện thoại của F0, số điện thoại của người nhà F0, địa chỉ cư trú, tình trạng hiện tại, tiền sử tiêm vắc xin, bệnh nền nếu có) cho các tổ chức (Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng; Tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng) hoặc nhân viên y tế của trạm được phân công quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
b) UBND cấp xã phân công các bộ phận liên quan thực hiện giám sát cách ly tại nhà, cụ thể:

- Lực lượng dân quân, công an: Thực hiện dán biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19” tại nhà của người cách ly. Phân công nhân sự tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, giám sát sự tuân thủ của người cách ly.

- Trạm Y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm COVID- 19 tại cộng đồng: thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về y tế tại các hoạt động ở mục 2; 3; 4 và 5.

- Phân công lực lượng hỗ trợ cung cấp thực phẩm, các nhu yếu phẩm và các yêu cầu cần thiết khác đến tận nhà ở/hộ gia đình của người cách ly.

* Khuyến khích các địa phương có thể cho F0 đeo vòng đeo tay giám sát cách ly COVID-19 và bắt buộc đeo suốt thời gian cách ly điều trị tại nhà.

2. Hoạt động 2. Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và tự theo dõi sức khỏe tại nhà

Trong vòng 12 giờ sau khi nhận được danh sách F0, tổ chức/cá nhân được phân công quản lý F0 phải tiếp cận F0 hoặc gia đình F0 để hướng dẫn những điều cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.

a) Chuẩn bị các vật dụng cần thiết khi cách ly tại nhà gồm: Nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp; khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi; vật dụng cá nhân, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

- Hướng dẫn F0 tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà:

+ Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay trước khi loại bỏ khẩu trang.

+ Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo...

+ Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở.

+ Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 01 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử PC COVID” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe (nhịp thở, thân nhiệt, SpO2) tại Phụ lục 7.

+ Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả...và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

+ Có số điện thoại, có thể kết nối qua mạng xã hội với nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ; số điện thoại của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng của xã, phường, thị trấn.
+ Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khoẻ qua ứng

dụng khai báo y tế điện tử PC COVID mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.

+ Người nhiễm COVID-19 cần thực hiện đầy đủ các nội dung theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà và Hướng dẫn Chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 tại nhà ban hành kèm theo Quyết định số 4156/QĐ- BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế.

b) Chuẩn bị thuốc điều trị tại nhà gồm: Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà do cơ sở y tế cấp phát, thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản...) đủ sử dụng trong 01 tháng.

c) Các dấu hiệu cần báo ngay cho Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà: Người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà nếu người F0 có MỘT trong các dấu hiệu sau đây:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 - 5 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 6 - 14 tuổi.

- Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 96% (nếu đo được).

- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút.

- Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu đo được).

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, có giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống.

- Nếu là trẻ em khi có các biểu hiện: Sốt trên 38ºC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96%, ăn/bú kém…

3. Hoạt động 3. Theo dõi sức khỏe và khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà

Gồm các hoạt động sau:

a) Theo dõi sức khỏe F0

Trạm y tế lưu động và/hoặc trạm y tế cấp xã:

- Quản lý danh sách các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách (Trung tâm Y tế cấp huyện căn cứ vào số trường hợp F0 mới phát hiện phân công cho các trạm y tế/trạm y tế lưu động trên địa bàn xã, phường, thị trấn).
- Tổ chức thăm khám; phát hoặc hướng dẫn sử dụng gói thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0 và một số trang thiết bị theo dõi sức khỏe như nhiệt kế, máy đo SpO2 (nếu có); theo dõi sức khỏe tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng chuyển nặng để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.

- Hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử PC COVID, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với Đội đáp ứng nhanh của huyện, thành phố vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện/TTYT huyện để điều trị.

- Luôn sẵn sàng tiếp nhận điện thoại của người F0 để tư vấn hoặc khám chữa bệnh tại nhà trong trường hợp cần can thiệp y tế hoặc không liên hệ được.

b) Khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà (Phụ lục 10)

- Các thuốc điều trị tại nhà gồm 03 gói (A, B, C): Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông; Gói thuốc C là thuốc kháng vi rút.

Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng vi rút (Favipiravir hoặc Molnupiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất, phiên bản 7 kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 06/10/2021.

- Khi F0 có triệu chứng nhẹ, nhân viên y tế của Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Trong trường hợp F0 có chỉ định dùng thuốc, nhân viên của Cơ sở quản lý người nhiễm COVID- 19 tại nhà cho người bệnh ký cam kết và cấp phát thuốc tại nhà cho F0 (gói C).

- Khi F0 cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với Cơ sở đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 01 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.

4. Hoạt động 4. Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Trạm Y tế lưu động/Trạm y tế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người F0, hoặc hướng dẫn người bệnh tự thực hiện và giám sát bằng hình thức trực tiếp/gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Tần suất xét nghiệm: Lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR tại nhà cho F0 vào ngày thứ 10 để xác định tiêu chuẩn kết thúc thời gian cách ly điều trị tại nhà, xét nghiệm ngày thứ 14 nếu ngày thứ 10 vẫn chưa đủ tiêu chuẩn kết thúc điều trị.

Kết quả xét nghiệm âm tính hoặc CT ≥ 30 (khi Trạm Y tế lưu động/Trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh, báo cáo UBND cấp xã cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, yêu cầu F0 tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 7 ngày.
Đối với người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0: hướng dẫn và khuyến khích tự xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày bắt đầu cách ly cùng F0 tại nhà.

5. Hoạt động 5. Xử trí cấp cứu, chuyển viện

Khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Đội phản ứng nhanh của bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện kịp thời.

Dấu hiệu chuyển nặng:

- Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%.

- Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (1 -5 tuổi: ≥40 lần/phút, 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có đo).

Xem chi tiết các Phụ lục đính kèm tại đây.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...