Thứ hai, 06/05/2024, 00:35 [GMT+7]

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư, 27/09/2023 - 11:02'
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Than Uyên có các đợt mưa lớn, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển gây bệnh sốt xuất huyết (SXH). Cùng với xây dựng kế hoạch, chủ động nhân, vật lực, Trung tâm Y tế huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện biện pháp phòng bệnh.

Bác sỹ chuyên khoa I. Vũ Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Nhiều năm nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp mắc SXH, song số ca mắc bệnh đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là Thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 10 nghìn ca mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong (tính từ đầu năm đến nay). Nguyên nhân do vi-rút Dengue gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti đốt. Người mắc bệnh sốt cao đột ngột từ 38 - 390c, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa kèm theo đau họng, buồn nôn… Bệnh này có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt vi-rút thông thường, nhiều người chủ quan không đến các cơ sở y tế khám bệnh. SXH không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm não, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, xuất huyết, sốc do giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến tử vong.
Theo đó, Trung tâm Y tế huyện chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa từ sớm. Trong đó, chủ động giám sát tác nhân gây bệnh như: điều tra ổ bọ gây nguồn, chuẩn bị sẵn thuốc vật tư, phương tiện, hóa chất, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ tình hình trên địa bàn, điều tra các trường hợp có biểu hiện nghi mắc bệnh. Phối hợp với các phòng, ban, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện truyền thông phòng, chống bệnh SXH. Lồng ghép tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống SXH tại khu vực có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh truyền thông tại cơ sở qua hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu… nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Mường Cang (huyện Than Uyên) tuyên truyền người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Hằng năm vào đầu mùa mưa, cán bộ Trạm Y tế xã Mường Cang phối hợp với Ban quản lý các bản tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy trong các bể, thùng chứa nước; khơi thông dòng chảy, phun thuốc diệt muỗi, mắc màn khi ngủ để phòng chống bệnh SXH. Các gia đình chủ động dọn vệ sinh trong và xung quanh nhà sạch sẽ, đổ các chum, chậu nước, dọn rác, rửa bể nước thường xuyên, phát quang bụi rậm để muỗi không có nơi trú ẩn và phát triển.
Anh Lò Văn Thân ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) chia sẻ: Khi mưa xuống, nước đọng thành vũng quanh nhà, tạo điều kiện cho bọ gậy sinh sôi và phát triển thành muỗi. Nhờ thường xuyên được tuyên truyền về tác hại, dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống bệnh SXH nên dân bản chủ động biện pháp phòng chống. Mấy năm nay, bản không có người mắc bệnh SXH”.
Sau kỳ nghỉ hè, học sinh quay trở lại lớp học, các nhà trường trên địa bàn huyện lồng ghép triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH nhằm đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Thầy giáo Phan Bá Đại - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Than (xã Phúc Than) chia sẻ: Vào đầu các năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ, lồng ghép trong các tiết học. Phối hợp với Trạm Y tế xã phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên trường, lớp học. Vận động giáo viên, học sinh vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại, xử rác theo quy định. Ngoài ra, hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng, tham gia hoạt động trồng cây xanh, loại trừ loăng quăng, bọ gậy tại trường học. Nhờ đó, nhà trường không có học sinh mắc bệnh SXH.
Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, các cơ sở y tế huyện khuyến cáo người dân ngủ mắc màn và mặc quần áo dài phòng, chống muỗi đốt. Những hộ gia đình sống gần sông, suối, ao tù phun thuốc diệt muỗi, sử dụng thuốc bôi, xịt chống muỗi. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, thu gom rác thải; tập thể dục hàng ngày và bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng. Khi có biểu hiện của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...