Thứ ba, 08/10/2024, 19:34 [GMT+7]

Tết Trung thu trong mùa mưa lũ

Thứ hai, 16/09/2024 - 16:47'
Khi tết Trung thu đang cận kề thì các tỉnh phía Bắc lại chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Mặc dù không tổ chức các hoạt động rộn ràng như mọi năm nhưng các cấp, các ngành, địa phương, tổ dân phố, bản và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn quan tâm tặng quà động viên thiếu niên, nhi đồng để các em cảm nhận được ý nghĩa của ngày tết Trung thu.

Vào dịp tết Trung thu hàng năm, thiếu nhi tỉnh Lai Châu nói riêng, các tỉnh/thành phố trong cả nước nói chung thường được vui phá cỗ trông trăng, rước đèn ông sao quanh phố phường cùng đánh trống hát vang các bài hát về tết Trung thu, xem múa lân, múa rồng… Nhưng, tết Trung thu năm nay diễn ra trong một không khí đặc biệt hơn khi nhiều tỉnh thành phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây ra. Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, chia sẻ khó khăn, mất mát với các tỉnh; các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã dừng, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đèn trung thu, phá cỗ, múa lân. Thay vào đó là tổ chức các hoạt động tặng quà, động viên thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập; tổ chức tết Trung thu với quy mô nhỏ, ý nghĩa, không phô trương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Qua đó, đảm bảo trẻ em trên địa bàn được đón tết Trung thu ấm áp, yêu thương dù trong mùa mưa lũ.
Ông Trần Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết: Vài tháng trước, UBND thành phố đã phát động tổ chức Cuộc thi mô hình đèn trung thu giữa các phường, tổ dân phố, bản trên địa bàn. Tuy nhiên trước tình hình hiện nay, thành phố Lai Châu vừa ra thông báo tạm dừng các hoạt động “Đêm hội trăng rằm” năm 2024; chỉ đạo không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễu hành cấp thành phố, xã, phường như: diễu hành mô hình đèn trung thu, phá cỗ, múa lân… tại khu vực Quảng trường Nhân dân tỉnh và một số địa điểm khác; điều chỉnh thời gian tổ chức các hoạt động của “Đêm hội trăng rằm” cho phù hợp với thực tế.

Người dân Lai Châu dành những phần quà, bánh trung thu để tặng cho trẻ em vùng lũ lụt trong dịp tết Trung thu.

Được biết, các mô hình đèn đã làm xong từ những ngày đầu tháng 9 trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta. Năm nay, có nhiều mô hình đèn sáng tạo gắn với những câu chuyện ý nghĩa như: Trứng mẹ Âu Cơ, cá chép hoá rồng, Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời; mô hình đèn 12 con giáp… Để tạo không khí hướng về tết Trung thu, ngay khi hoàn thiện, các tổ dân phố, đơn vị đã diễu hành mô hình đèn trung thu trên các ngõ phố, khu dân cư, Quảng trường Nhân dân tỉnh.
Em Nguyễn Minh Vũ (13 tuổi) ở phường Tân Phong cho biết: Cách đây khoảng 2 tuần, em được bố mẹ đưa ra Quảng trường Nhân dân chơi, xem đèn trung thu, em rất thích. Nhưng năm nay, do mưa lũ, nhiều bạn học sinh ở các tỉnh không được đón tết Trung thu như chúng em. Vì vậy, em đã xin bố mẹ tiền và dành phần quà bánh của mình tặng các bạn vùng lũ, mong các bạn vượt qua khó khăn, sớm được đi học trở lại.
Năm nay, thị trường trung thu khá đa dạng, cùng với đồ chơi cho trẻ nhỏ hấp dẫn, đủ kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ, bánh trung thu cũng phong phú về mẫu mã, kích thước với nhiều nhãn hàng nổi tiếng: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Thu Hương… Tuy nhiên thị trường bánh trung thu “handmade” tại các địa phương trong tỉnh được nhiều người tiêu dùng yêu thích bởi giá hợp lý, nhiều loại nhân khác nhau. Đây cũng là món quà được nhiều gia đình lựa chọn để dành tặng ông bà, bố mẹ nhân dịp tết Trung thu.
Chị Nguyễn Thị Khánh Ly ở thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) chia sẻ: Thời điểm này, gia đình tôi đang huy động nhân lực làm bánh trả đơn cho các khách hàng đã đặt từ tháng 8 đến đầu tháng 9 với số lượng hơn 500 chiếc. Chúng tôi làm 2 loại bánh nướng và bánh dẻo với đủ các loại nhân: thập cẩm, đậu đỏ, khoai môn, chanh leo, sữa dừa, dâu tây…; kích thước bánh từ 100g - 1,5kg. Ngoài ra, chúng tôi còn làm những sét bánh nhỏ hình thú nhiều màu sắc phục vụ cho gia đình có các em nhỏ. Đặc biệt còn làm thêm các loại bánh trung thu để gửi tới các gia đình ở vùng bị lũ lụt để chia sẻ khó khăn với bà con.
Tết Trung thu là dịp để mọi người hướng về trẻ em, thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đối với thế hệ tương lai. Dù thiên tai bão lũ có gây ra bao nhiêu khó khăn, nhưng tinh thần sẻ chia và quan tâm đến trẻ em vẫn luôn được duy trì. Các em vùng bão lũ không chỉ được nhận những món quà vật chất mà còn được đón nhận tình thương, sự động viên từ cộng đồng. Hy vọng những tình cảm này sẽ mang đến niềm vui, sự ấm áp và khích lệ tinh thần, giúp các em cảm nhận được tình yêu thương luôn đong đầy.
Một mùa trung thu nữa lại về, không khí đón tết Trung thu thật đặc biệt, không tưng bừng nhưng ai cũng đều thấy ấm áp bởi truyền thống đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam được phát huy và lan toả.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...