Thứ sáu, 29/03/2024, 06:51 [GMT+7]

Tiềm năng phát triển công, nông nghiệp và du lịch

Thứ sáu, 03/12/2021 - 17:00'
Đó là lời khẳng định của lãnh đạo huyện Phong Thổ với chúng tôi khi chia sẻ về các dự án, danh mục đầu tư thu hút vào địa bàn được chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 sắp diễn ra tới đây. Từ nhiều tiềm năng, lợi thế đó, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, tận dụng khai thác tối đa nhằm thúc đẩy nền kinh tế của địa phương lên một tầm mới.

Nhìn lại 5 năm về trước, Phong Thổ là một trong những huyện nghèo của tỉnh, bởi diện tích rộng, nhưng đất đai khô cằn, nhiều sỏi đá; người dân sống chủ yếu bằng cấy lúa, trồng ngô theo phương thức quảng canh, nên cái đói, nghèo bám riết mãi. Giờ đây, huyện biên giới “thay da đổi thịt”, khoác lên mình một diện mạo mới, tươi đẹp đầy sức sống. Dọc các tuyến đường đến từng xã, từng bản, những đồi chuối, chè tươi non mơn mởn; người dân tươi vui thu hoạch trên nương sắn, nương ngô. Đặc biệt, 3 năm nay, huyện đón được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch với những điểm hấp dẫn. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bức tranh có được là nhờ huyện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo lời chia sẻ của đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Đối với ngành Nông nghiệp, huyện có nhiều lợi thế, tiềm năng để khai thác, trong đó diện tích đất nông nghiệp rộng vài chục nghìn héc ta, chia theo từng vùng miền khác nhau nên dễ dàng cho việc quy hoạch vùng sản xuất với những cây trồng chủ lực khác nhau phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Cụ thể các xã vùng thấp, huyện tập trung trồng cây ăn quả, mắc-ca, chè, mía; khu vực các xã vùng cao có khí hậu lạnh hơn phù hợp với trồng dược liệu, chủ yếu là: tam thất, sâm, thất diệp nhất chi hoa và địa lan. Bên cạnh đó, lực lượng lao động nông thôn dồi dào; đồi, núi nhiều với hệ sinh thái thảm thực vật phong phú là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi đại gia súc, đàn ong, rừng với quy mô lớn. Ngoài ra, huyện Phong Thổ có nhiều nguồn nước với nhiệt độ thấp thích hợp cho việc nuôi cá nước lạnh.

Nhân dân xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) nhân rộng mô hình cây ăn quả.

Đối với ngành Công nghiệp, xây dựng, huyện có các mỏ đất quý, hiếm với trữ lượng không nhỏ; hệ thống suối nhiều là tiềm năng khai thác phát triển thủy điện; các mỏ đá lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng. Quỹ đất dành cho khu công nghiệp chế biến lớn. Đặc biệt, huyện có Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng - đây là điều kiện thuận lợi để huyện xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang nước bạn và phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng - ăn uống; kho bến bãi.

Đối với ngành Du lịch, huyện có lợi thế truyền thống văn hóa các dân tộc. Nổi bật với khu du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa đậm nét của người dân tộc Mông (bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ). Nơi đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng trong tỉnh với nét độc đáo của chợ phiên, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ, dịch vụ homestay, nhà tổ chim, thác nước đẹp mơ mộng. Ngoài ra còn có khu du lịch sinh thái ở bản Vàng Pheo, xã Mường So gắn với khu tâm linh đền thờ Nàng Han, các lễ hội Then Kin Pang của cộng đồng người Thái.

Đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Với nhiều tiềm năng, lợi thế đó, huyện đã lập được 17 danh mục thu hút đầu tư. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng và phát triển cây mắc-ca có quy mô gần 1.000ha; trồng rừng sản xuất gắn với chế biến lâm sản, quy mô gần 1.000ha; đầu tư trồng, phát triển 100ha cây dược liệu; vùng chuyên canh mía 1.000ha ở các xã: Hoang Thèn, Huổi Luông, Nậm Xe, Bản Lang; phát triển cây địa lan; nuôi ong lấy mật; chăn nuôi gia súc gắn với chế biến thức ăn và phân bón; nuôi cá nước lạnh… Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có dự án khu công nghiệp Mường So, khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Lĩnh vực du lịch - thương mại - dịch vụ có danh mục khu du lịch Sin Suối Hồ gắn với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.

Để phát huy được lợi thế, tiềm năng, huyện Phong Thổ đã bám sát vào những chủ trương, quyết sách và hướng đi đúng đắn của tỉnh; thực hiện các giải pháp linh hoạt, chủ động, sáng tạo. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập bản đồ quy hoạch về đất đai; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa; điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp chế biến. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, du lịch. Triển khai kịp thời các chương trình, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã: Mường So, Sin Suối Hồ tiếp tục thực hiện “Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025”; hỗ trợ nguồn vốn cho các bản du lịch, văn hóa đầu tư các hạng mục: đường giao thông, điện sáng, trang trí đường hoa, cây cảnh.

Chị Lò Thị Nhung (ở bản Vàng Pheo, xã Mường So) chia sẻ: Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đầu tư cho bản văn hóa, năm 2019, mấy chị em trong gia đình góp vốn mở khu du lịch homestay kết hợp với chuỗi nhà hàng, biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Đến nay, mỗi năm, chúng tôi đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống; thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng.

Cùng với đó, huyện tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm thu hút các doanh nghiệp, đơn vị vào đầu tư trên địa bàn. Hỗ trợ các thủ tục hành chính, tư vấn thủ tục pháp lý cho các đơn vị đầu tư, liên kết sản xuất tại các xã, thị trấn.

Đến thời điểm này, huyện hình thành vùng chuyên canh mía hơn 64ha tại xã Hoang Thèn; vùng trồng cây ăn quả trên 4.500ha (chủ yếu chuối, xoài); vùng chè tập trung gần 300ha và hơn 181,3ha cây mắc-ca... Quy hoạch khu công nghiệp Mường So với quy mô 200ha thu hút các nhà đầu tư: công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng với diện tích 74ha đầu tư xây dựng tổ hợp nhà hàng dịch vụ, bãi đỗ xe, bến bốc dỡ hàng hóa. Hiện nay, có hơn 12 đơn vị, doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh đang quan tâm vào các danh mục thu hút đầu tư của huyện.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...