

Còn nhớ trận mưa lũ đầu tháng 8/2023, xã Tà Mung bị ảnh hưởng nặng nề với 3 người chết, 2 người mất tích, 1 người bị thương; 9 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 26 ngôi nhà hư hỏng nặng và 60 hộ thuộc diện di dời vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, địa phương còn thiệt hại lớn về diện tích hoa màu, thủy sản, gia súc, gia cầm, đường giao thông, thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt. Sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân, chính quyền địa phương và huyện Than Uyên đã khẩn trương khắc phục hậu quả, trong đó những gia đình có người không may tử vong hay bị thương được kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, động viên. Riêng những hộ bị sập nhà hoàn toàn, hư hỏng hoặc trong diện phải di dời đều được hỗ trợ về kinh phí xây dựng, nhu yếu phẩm, nhân lực di chuyển, xây dựng mới nhà ở nhằm ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Lò Văn Bảy ở bản Lun 1 (xã Tà Mung) là một trong 9 hộ có nhà ở bị sập hoàn toàn do thiên tai vào đầu tháng 8/2023. Ngoài nhận được 40 triệu đồng/nhà theo quy định của Nhà nước, gia đình anh còn được huyện Than Uyên kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ thêm 57 triệu đồng. Anh Bảy tâm sự: “Trong lúc đang rất khó khăn thì gia đình nhận được nguồn kinh phí gần 100 triệu đồng làm nhà mới. Để ngôi nhà vững chãi hơn, gia đình tôi vay mượn thêm họ hàng, bạn bè”.
Từ năm 2023 đến nay, thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của nhân dân và nhà nước trên địa bàn huyện. Trong đó, có 4 người chết, 2 người mất tích, 4 người bị thương. Ngoài ra, còn thiệt hại hơn 330 ngôi nhà, gần 300ha cây trồng các loại; gần 13ha ao cá; hư hỏng 53 công trình thuỷ lợi và công trình nước sinh hoạt; gần 30ha rừng tự nhiên và rừng trồng bị ảnh hưởng. Mưa lũ đã làm sụt lún, sạt lở 392 điểm, chiều dài 5.340m của 55 tuyến đường liên xã, nội bản, đường sản xuất… Tổng giá trị thiệt hại hơn 221 tỷ đồng.
Người dân bản Cáp Na 3 (xã Tà Hừa, huyện Than Uyên) gia cố nhà ở phòng, chống thiên tai.
Theo anh Vũ Văn Nội - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó trong mùa mưa lũ 2024. Theo đó, đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ cấp huyện đến xã, thị trấn, các tổ đội xung kích của tổ dân phố, bản. Xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, phương án phòng tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra. Rà soát các điểm dân cư, đặc biệt là khu, điểm tái định cư, những điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra mưa đá, gió lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Từ đó, tuyên truyền, cảnh báo nhân dân và có phương án ứng phó kịp thời; sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có các tình huống đột xuất xảy ra; lên phương án cứu trợ, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai.
Thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và di chuyển dân cư ra khỏi vùng thiên tai theo quy định. Anh Tòng Văn Chức - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa chia sẻ: Để chuẩn bị tốt cho công tác PCTT&TKCN, xã thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến dự báo thời tiết từ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, huyện. Hiện nay, xã cũng đã tổ chức xong việc rà soát các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ sạt lở, tuyên truyền cho bà con di chuyển đến nơi an toàn. Trong sản xuất, mỗi hộ dân chủ động gia cố bờ bao, bờ thửa, đảm bảo tháo nước trong những ngày mưa lũ. Đối với vùng sạt lở đã gia cố những vị trí bị sụp lún, nguy cơ cao, cắm biển cảnh báo người dân chú ý an toàn khi lưu thông qua khu vực sạt lở.
Từ sự chủ động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, hy vọng huyện Than Uyên sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong mùa mưa lũ năm nay.
Tin đọc nhiều

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân

Đoàn kiểm tra số 2 - Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh làm việc với các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên









