

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
Xác định rõ vai trò quan trọng nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Lai Châu đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách chung của cả nước, chính sách riêng của tỉnh đã ban hành. Từ đó, khuyến khích phát triển, đào tạo, thu hút nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giai đoạn 2016-2019 tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách mới phù hợp điều kiện thực tế. Thực hiện chính sách cử tuyển, xét tuyển học sinh người dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ ở cơ sở được chú trọng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn đào tạo với thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ đã hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 616 lượt người, thu hút được 15 người.
Quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là đồng bào dân tộc ít người; chú trọng đào tạo trình độ sau đại học ở một số ngành quan trọng như: xây dựng Đảng, giáo dục, quản lý kinh tế, luật, nông nghiệp...; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đào tạo đạt chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định đối với cán bộ, công chức cấp xã. Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thùy Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) cho biết: Khi chuyển công tác từ thị trấn Tân Uyên về xã Trung Đồng, tôi được bố trí làm đúng chuyên ngành được đào tạo - cán bộ tư pháp. Trong quá trình làm việc, được đơn vị tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện tôi đã hoàn thiện lớp đại học luật, trung cấp lý luận chính trị. Nhờ đó, bản thân tự tin trong công việc, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng 32.920 lượt cán bộ, công chức, viên chức (trong đó nữ 9.520 lượt người, dân tộc thiểu số 3.898 lượt người). Thực hiện nghiêm túc quy định về chính sách cán bộ như nâng lương, giải quyết chế độ nghỉ hưu; tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo nguyên tắc cạnh trạnh, đảm bảo khách quan. Chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức triển khai đồng bộ, nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đã mở 9 lớp đào tạo, tập huấn với tổng số 378 người tham gia, tổng kinh phí bố trí là 328 triệu đồng. Xây dựng, phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động, dịch vụ đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm. Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động. Thực hiện phân tích dữ liệu 90.114 hộ phần cung lao động và hơn 500 doanh nghiệp phần cầu lao động. Các hoạt động thông tin được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, tạo cơ hội tiếp cận thông tin thị trường lao động đầy đủ hơn cho người lao động, sử dụng lao động, cơ sở đào tạo. Thường xuyên tìm kiếm và kết nối với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín để liên kết ký hợp đồng tạo nguồn.
Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm thực hiện theo hướng giảm bớt đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn bản, tổ dân phố đảm bảo tinh gọn. Thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị đào tạo, mở rộng mục tiêu đào tạo từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề nghiệp; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực vững về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ tốt nhu cầu thị trường lao động.
Học viên lớp điện công nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu trong giờ thực hành.
Và, năm 2018 được coi là “cuộc cách mạng” tạo bước đột phá trong tinh gọn bộ máy của tỉnh. Minh chứng là giảm 130 tổ chức, đơn vị do giải thể, sáp nhập so với năm 2017 (trong đó giảm 102 đơn vị sự nghiệp so với năm 2017) tại các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố. Giảm 165 lãnh đạo cấp phòng trực thuộc sở, ngành và UBND cấp huyện; 596 biên chế sắp xếp lại tổ chức so với năm 2017. Giảm 116 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Sáp nhập 60 thôn, bản, tổ dân phố để thành lập 30 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 29 thôn, bản, tổ dân phố tại 5 huyện (Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè); giảm 319 người hoạt động không chuyên trách. Thực hiện tinh giản 989 biên chế so với năm 2015. Có 53/482 đơn vị đạt 10,99% đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên trở lên; xếp hạng lại hạng 20 đơn vị thuộc Sở Y tế...
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo trình độ, năng lực, vị trí việc làm, chú trọng đào tạo chuyên sâu sau đại học, góp phần quan trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí, sử dụng cán bộ được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo công khai, dân chủ, lựa chọn người có trình độ năng lực, phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu, phát huy và nâng cao hiệu quả công việc. Ưu tiên tuyển dụng con em người địa phương, người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, sắp xếp việc làm phù hợp với trình độ năng lực, chuyên môn đào tạo của học sinh, sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác.
Với cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn như “luồng gió mới” giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là lao động khu vực nông thôn từng bước tiếp cận với tác phong làm việc công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động...
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Triển khai với đồng bộ giải pháp, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay, 11/11 chỉ tiêu của Nghị quyết cơ bản đạt yêu cầu về tiến độ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt. Cụ thể, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 71,2%; công nghiệp - xây dựng 10,4%; dịch vụ 18,4% (mục tiêu lần lượt là 69,5%, 11,6%, 18,9%), ước đến 2020 hoàn thành 100%. Trung bình mỗi năm đào tạo nghề trên 6.600 lao động (vượt); tạo việc làm mới cho trên 7.300 lao động/năm (vượt).
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS. Huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp 98,9% (đạt). Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 100% (vượt). Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6: 99,9% (vượt). Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, nâng dần về chất lượng, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Tính đến nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành hiện có 12.585 người.
Cán bộ, công chức, viên chức (tỉnh, huyện) được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100%. Trong đó, cán bộ, công chức có trình độ từ đại học trở lên và viên chức có trình độ đại học trở lên đều vượt mục tiêu với lần lượt là 89,7%, 53,4%. Đối với nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi được đến trường ở các cấp, bậc học 99,7% (vượt). Số sinh viên người dân tộc thiểu số 805 sinh viên/vạn dân (vượt cao bởi theo Nghị quyết là 300). Tỷ lệ lao động nông nghiệp 64,6% (vượt hơn 14%)...
Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực, phát triển tương đối đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản là sức khỏe thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức, lối sống. Đến hết 2019, tổng số lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là 283.522 người, trong đó lao động đang làm việc trong ngành kinh tế 278.156 người.
Giai đoạn 2016-2019 đào tạo nghề cho 26.497 lao động, bình quân đào tạo trên 6.600 lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40,1% năm 2015 lên 48,5% năm 2019, ước đạt 50,7% năm 2020 (vượt mục tiêu đề án 0,7%). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, tăng ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Chị Lê Thị Tình - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên khẳng định: Huyện Tân Uyên có 34.275 người trong độ tuổi lao động, chiếm 61,24% tổng dân số. Những năm qua, các cấp chính quyền huyện đã tập trung thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thế mạnh của địa phương, quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, nhờ đó tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hàng năm (2016 đạt 39,1% đến hết 2019 đạt 49,2%).
Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở có đủ năng lực chuyên môn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2019 đạt 10,4 bác sỹ/vạn dân, 75,9% Trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, 87/108 xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 80,5%. các cơ sở y tế chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân...
Với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, quyết liệt, giờ đây chất lượng nguồn nhân lực không còn là thách thức mà trở thành cơ hội cho Lai Châu phát triển bứt phá cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập.
Tin đọc nhiều

Điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng đô thị văn minh

Tri ân người có công
Hội nghị đánh giá triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Công an xã Sùng Phài tặng quà cho bà cụ hơn 100 tuổi

BHXH tự nguyện - lựa chọn thiết thực cho người lao động tự do

BHXH Việt Nam: Đột phá từ cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân

Bảo hiểm xã hội - Chính sách ưu việt, nhân văn vì quyền lợi người lao động










