Thứ ba, 14/05/2024, 06:00 [GMT+7]

Đưa con đi tiêm chủng để được phòng bệnh hiệu quả nhất

Thứ năm, 15/08/2013 - 11:41'
(BLC) - Sau khi 3 trường hợp trẻ sơ sinh tiêm vắcxin viêm gan bị tử vong tại tỉnh Quảng Trị và quyết định ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1 phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, hib, viêm gan B) cho trẻ tròn 2 tháng tuổi từ ngày 3/5/2013 của Bộ Y tế, người dân có chung tâm lý hoang mang, lo lắng. Nhân sự kiện này, phóng viên Lai Châu Online có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề trên.

Cán bộ Trạm Y tế phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Phóng viên: Trước thực trạng một số trẻ sơ sinh tiêm vắcxin viêm gan bị tử vong tại Quảng Trị, xin đồng chí cho biết tình hình sử dụng vắcxin viêm gan B cho trẻ 24 giờ sau sinh và Quinvaxem tại tỉnh ta thời gian qua?

Ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế:

Vắcxin viêm gan B sử dụng cho trẻ 24 giờ sau sinh tại Lai Châu được triển khai nhiều năm nay tại Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện huyện và các phòng khám đa khoa khu vực trong tỉnh, với hơn 3.000 trẻ sinh ra được tiêm vắcxin viêm gan B 24 giờ sau sinh mỗi năm.

6 tháng đầu năm 2013, tại các cơ sở điều trị trong toàn tỉnh có 1.604 trẻ được tiêm vắcxin viêm gan B 24 giờ sau sinh/5.929 trẻ sinh ra, đạt 27,1%. Trong khi đó mục tiêu chương trình giao (80% trẻ em được tiêm phòng vắcxin viêm gan B 24 giờ sau sinh).

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 329 trẻ/448 trẻ sinh ra, đạt 73,4%; Trung tâm Y tế huyện Tam Đường: 253 trẻ/796 trẻ sinh ra, đạt 31,8%; Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ: 287 trẻ/1.173 trẻ sinh ra, đạt 24,5%; Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ: 143 trẻ/1.103 trẻ sinh ra, đạt 13%; Trung tâm Y tế huyện Than Uyên: 315 trẻ/887 trẻ sinh ra, đạt 35,5%; Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên: 187 trẻ/781trẻ sinh ra, đạt 23,9%; Trung tâm Y tế huyện Mường Tè: 90 trẻ/741 trẻ sinh ra, đạt 12,1%.

Nguyên nhân tỷ lệ trẻ được tiêm vắcxin viêm gan B 24 giờ sau sinh tại tỉnh ta đạt thấp là do tỷ lệ phụ nữ đến sinh tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực thấp.

Trong quá trình sử dụng tiêm vắcxin viêm gan B 24 giờ sau sinh trên địa bàn trong thời gian qua chưa ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Về tình hình sử dụng vắcxin Quivaxem: vắcxin Quivaxem được sử dụng tại Lai Châu từ tháng 7/2010 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho đối tượng trẻ em dưới 1 tuổi. Hàng năm, với hơn 10.000 trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn được tiêm vắcxin Quivaxem. 4 tháng đầu năm 2013 đã tiêm vắcxin Quivaxem cho 4.807 trẻ. Từ tháng 5/2013, Bộ Y tế có quyết định tạm ngừng sử dụng.

Quá trình sử dụng tiêm vắcxin Quivaxem tại Lai Châu trong thời gian qua chưa ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Y tế đã ra quyết định tạm ngừng sử dụng trên phạm vi toàn quốc các lô vắcxin viêm gan B số: V-GB020812E và V-GB030812E, hạn dùng tháng 7/2015, số đăng ký: QLVX-0376-11 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắcxin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất. Vậy tại tỉnh ta 2 lô vắcxin viêm gan B này ngành Y tế đã nhập bao nhiêu liều? Số liều đã sử dụng? Đối với số liều còn tồn kho ngành Y tế có phương án như thế nào?

Ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế:

Lô vắcxin V-GB020812 tỉnh ta nhập 1.200 liều, đã sử dụng 878 liều, còn tồn 322 liều. Lô V-GB030812: nhập 1.500 liều, đã sử dụng 11 liều, còn tồn 1.489 liều.

Theo chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số vắcxin còn tồn trên tiếp tục được bảo quản theo quy định tại dây truyền lạnh tại tỉnh chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.

Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả tiêm vắcxin viêm gan B nói riêng, vắcxin phòng bệnh nói chung, ngành Y tế và người dân cần lưu ý điều gì?

Ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế:

Để nâng cao hiệu quả tiêm phòng, ngành Y tế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng các tuyến về: bảo quản, vận chuyển vắcxin và thực hành an toàn trong tiêm chủng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắcxin và sinh phẩm y tế trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn tiêm chủng, phát hiện các phản ứng sau tiêm tại các cơ sở có triển khai tiêm chủng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm để người dân biết, phối hợp theo dõi trẻ và đưa đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Đối với người dân: cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch; chấp hành đầy đủ hướng dẫn của cơ quan y tế; cần lưu trẻ sau tiêm 30 phút tại nơi tiêm để kịp thời phát hiện các phản ứng nặng có thể xảy ra; tiếp tục theo dõi trẻ 24 giờ sau tiêm tại gia đình, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường phải đưa ngay đến cơ sở y tế.  

Phóng viên: Sau những vụ trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin, nhiều cha mẹ tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước việc có nên tiếp tục tiêm phòng cho con, ông có thông điệp gì nhắn gửi tới các bậc phụ huynh?

Ông Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế:

Việc sử dụng vắcxin phòng bệnh là hết sức cần thiết. Sự ra đời của vắcxin đã phòng và khống chế được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, hạn chế tử vong và tàn phế do bệnh.

Tiêm vắcxin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh đảm bảo miễn dịch tốt cho trẻ từ bà mẹ mang virút viêm gan B. Do đó, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng để được phòng bệnh hiệu quả nhất.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hương Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...