Thứ hai, 13/05/2024, 11:09 [GMT+7]

Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hiện đại và tự hào

Chủ nhật, 28/08/2011 - 10:45'
(BLC) - Với khuôn viên rộng gấp 7 lần cùng 241 loại thiết bị, máy móc mới, đồng bộ và rất hiện đại so với trụ sở cũ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (mới) đã đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của một bệnh viện hạng II.

Đây là niềm vui cho không chỉ người bệnh mà còn đối với các y, bác sỹ bệnh viện và cũng là niềm tự hào của tỉnh.

Vậy là sau rất nhiều ngày tháng mong chờ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Một khuôn viên rất rộng cùng với 7 toà nhà cao tầng nguy nga, sơn láng mịn, cửa kính xanh mát lại ở vị trí đắc địa, BVĐK tỉnh mới thực sự là một quần thể các công trình kiến trúc đẹp và hiện đại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới được xây dựng khang trang, hiện đại.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang – Giám đốc BVĐK tỉnh có một câu nói rất ấn tượng: “Nếu đem so sánh trụ sở mới với trụ sở cũ thì đúng là tí hon đứng cạnh khổng lồ!”. Quả đúng như vậy bởi khi tỉnh mới được chia tách và thành lập thì BVĐK tỉnh cũng chỉ tiếp nhận cơ sở khám chữa bệnh của huyện Tam Đường (cũ) để phục vụ nhu cầu của cả tỉnh. Với 24 phòng, khoa cùng rất nhiều các công trình phụ trợ khác được đặt trên vỏn vẹn có hơn 10 nghìn mét vuông đất. Từ phòng của giám đốc tới những khoa, phòng của bệnh viện, phòng điều trị của bệnh nhân, nơi xét nghiệm, chụp chiếu… đều là nhà tạm với tường vôi, ghế gỗ.

Trong căn phòng làm việc mới khá rộng rãi, thoáng đãng, có bàn kính, ghế bành, phía góc phòng còn đủ không gian cho một chậu hoa cảnh rung rinh trong gió, bác sỹ Đỗ Văn Giang chậm rãi rót nước mời chúng tôi và vui mừng chia sẻ: “Trụ sở mới của chúng tôi đạt tiêu chuẩn xếp loại bệnh viện hạng II (sau hạng I và hạng đặc biệt). Ở đây không chỉ người bệnh vui mừng vì được chăm sóc tốt hơn bởi cơ sở hạ tầng tốt hơn mà ngay cả cán bộ cũng vui vì được làm việc trong một môi trường hiện đại, sạch sẽ, ngăn nắp. Nhớ khi còn ở trụ sở cũ, thiếu phòng làm việc của y, bác sỹ, thiếu phòng điều trị cho bệnh nhân, thiếu cả trang thiết bị, y cụ… Trong điều kiện ấy đã có trường hợp bác sỹ phải khám và chữa bệnh cho bệnh nhân ngay cả trên ghế đá, dưới gốc cây. Người nhà bệnh nhân đến thăm nếu phải ở lại thì đúng là một vấn đề nan giải, người ta phải ngủ dưới nền nhà, trên ghế đá, trên kè taluy thậm chí ngủ ngồi, ngủ đứng bởi ngay cả bệnh nhân cũng chẳng đủ giường nằm”.

Đang kể chợt đồng chí Giám đốc Bệnh viện bỗng dừng lời, chén trà đã nâng lên nhưng không uống mà cứ xoay mãi còn mắt thì nhìn ra xa giọng chùng lại: “Có nhiều căn bệnh không đến nỗi bác sỹ của bệnh viện không xử lý được nhưng vẫn phải bó tay vì thiếu y cụ hiện đại. Phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mà lòng chúng tôi không cam. Chẳng biết người bệnh có đủ thời gian cho đến khi đến bệnh viện hiện đại hơn hay không nữa. Trong đời làm bác sỹ đã nhiều phen tôi phải giành giật sự sống cho người bệnh lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm tâm hồn nhưng mỗi khi nhìn bệnh nhân chuyển viện như vậy, lòng tôi như có ai vò lại…”.

Bây giờ, khi bệnh viện đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng chắc người lương y giầu lòng trắc ẩn này hẳn sẽ vui lắm. Bây giờ bệnh viện có tới hơn 400 giường bệnh (thực kê) nên bệnh nhân và thậm chí người nhà bệnh nhân cũng không phải nằm chung, nằm đất nữa. Trước ngày khánh thành bệnh viện tôi lại được gặp đồng chí Giám đốc bệnh viện và được ông cho biết: “Bệnh viện mới vừa được tiếp nhận thêm máy xét nghiệm miễn dịch, máy xét nghiệm tế bào giải phẫu bệnh tiên tiến hạng nhất thế giới đấy!”. Tôi thấy ông rất tự hào.

Theo chân một cán bộ bệnh viện, chúng tôi đi thăm khắp trụ sở mới, cô y tá chắc hẳn cũng rất vui mừng cứ rôm rả kể chuyện và giới thiệu hết phòng này, khoa khác có thiết bị gì mới, có điều gì đặc biệt. Bệnh viện có hạng có khác, gạch hoa bóng loáng, tường sơn phẳng lì, cửa kính chịu lực, cách âm, trong khuôn viên là những luống hoa, cây cảnh đang bắt đầu bén rễ. Ngắm kỹ mới thấy BVĐK mới bây giờ cái gì cũng đẹp, cũng hiện đại, đến cả cái tường rào cũng được làm bằng inox không rỉ. Bây giờ trong bệnh viện người ta sử dụng xe điện để đưa đón bệnh nhân nội viện vừa nhanh chóng, tiện lợi lại giúp cho các cán bộ y tế nơi đây thôi cái cảnh tất tả khiêng cáng như ngày nào. Trong bệnh viện có cả thang máy rộng vừa cả chiếc giường bệnh nhân cùng mấy người đứng quanh săn sóc.

Nói thì bảo quá chứ bây giờ đồng bào ở các bản xa đi vào viện điều trị chẳng khác nào vào khách sạn. Giường bệnh nhập từ Đức về êm hơn cả đệm bông lau. Khu vật lý trị liệu có ghế mát-xa, giường thủy lực, thậm chí khu vệ sinh công cộng còn có cả bình nước nóng phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Trong phòng có khu vệ sinh khép kín, cửa kính chống sáng. Người nhà bệnh nhân được phát ghế nhựa để ngồi chờ, có chỗ ngủ và có cả căng tin đẹp như quán bar sẵn sàng phục vụ từ những món ăn bình dân nhất đến các nhu cầu hạng sang. Tôi còn được nghe sắp tới bệnh viện sẽ còn xây dựng những phòng điều trị có cả tivi, điều hoà nhiệt độ, bình nóng lạnh cho những bệnh nhân có nhu cầu. Khi đi qua Khoa sản thấy mấy cô hộ lý tán với nhau mà tôi nghe loáng thoáng câu được câu chăng rằng bây giờ vào Khoa nhi nhìn các bé sơ sinh nằm trong lồng ấp cứ như xem phim Hàn Quốc ấy. Ra là thiết bị này mới được đưa vào sử dụng ở BVĐK mới.

Lồng ấp – một thiết bị y tế hiện đại đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trước đây cũng giống như nhiều người, chúng tôi còn nhiều điều hồ nghi về năng lực của cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện và sự nghi ngờ ấy cứ đeo đẳng mãi không thôi. Nhưng nay khi nghe giới thiệu về cơ sở mới với các phương tiện mới chúng tôi đã lấy lại được lòng tin của mình. Bây giờ bệnh viện tỉnh đã có thể làm được những việc mà trước kia chỉ có cách “kính chuyển” lên tuyến trên như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tai mũi họng, chụp cắt lớp city, xét nghiệm tế bào để dự đoán bệnh đo độ tắc mạch…

Càng tìm hiểu sâu chúng tôi lại càng thấy vui mừng trước sự hiện đại của bệnh viện mừng hơn cho những bệnh nhân nghèo và thêm tự hào vì giữa một tỉnh còn vô vàn khó khăn lại có một bệnh viện xếp hàng thứ II trong các bệnh viện trên khắp cả nước.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...