Chủ nhật, 12/05/2024, 07:08 [GMT+7]

Hua Nà: Nguy hiểm sinh con tại nhà

Thứ hai, 01/08/2011 - 17:16'
(BLC) - Từ lâu nay, thay vì đi bệnh viện hay trung tâm y tế, các sản phụ ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên đều tự sinh ở nhà hoặc nhờ bà đỡ thôn bản giúp.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hua Nà tuyên truyền cho phụ nữ bản Lán Đăn về cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại các cơ sở y tế.

Dưới cái nắng gay gắt, những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp ghé thăm bản Nà Mả, xã Hua Nà. Đang đi tìm nhà trưởng bản, bỗng chúng tôi giật mình bởi tiếng khóc của trẻ sơ sinh.

Tìm hiểu chúng tôi được biết đó là con của chị Lò Thị Thanh, người vừa được bà đỡ giúp “vượt cạn” thành công. Dù sức khỏe đã ổn định song khuôn mặt vẫn còn nhợt nhạt vì mất nhiều máu.

Chị Thanh cho biết: “Lần đầu mang thai, tôi rất lo lắng nhưng do phong tục tập quán cộng với tâm lý chủ quan không nhớ chính xác ngày sinh, đến khi đau bụng thì gia đình gọi bà đỡ trong bản đến giúp”. Được biết trong quá trình sinh, chị gặp phải tình huống nguy hiểm là sau khi sinh rau không bong ra được. Gia đình phải chuyển chị lên Trung tâm Y tế huyện để các bác sỹ điều trị vì rau không bong được sẽ dẫn tới băng huyết, gây tử vong.

Cũng giống như chị Thanh, tháng 4/2011 chị Hà Thị Hương ở bản Đắc chuẩn bị sinh con đầu lòng, theo thông lệ chị nhờ chồng đi gọi bà đỡ đến giúp “vượt cạn”. Do chị rơi vào trường hợp sinh “ngôi ngược” nên gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chị mới sinh được con, nhưng bé lại bị ngạt. Bà đỡ phải thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo, bé mới hồng hào trở lại.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp sản phụ gặp nguy hiểm mỗi khi “vượt cạn”.

Việc sản phụ rơi vào trường hợp “ngôi ngược” rất khó khăn và nguy hiểm vì dễ dẫn đến các tai biến như: thai nhi sa dây rốn gây tử vong, xuất huyết não, liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đùi; mẹ dễ bị rách phần mềm (tầng sinh môn, cổ tử cung)…Vì vậy, các sản phụ nên đến các cơ sở y tế để sinh đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Ngoài ra, sản phụ sau khi sinh tại nhà sẽ không được chăm sóc, kiêng cữ cẩn thận nên dẫn đến bị viêm nhiễm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Hua Nà với gần 100% là dân tộc Thái nên từ lâu nay, thay vì đi bệnh viện hay trung tâm y tế, các sản phụ đều tự sinh ở nhà hoặc nhờ bà đỡ thôn bản giúp. Tình trạng trên là do phong tục, tập quán cộng với tiền công của các bà đỡ  cao, nhiều gia đình không đủ tiền để trả hoặc vì tiếc tiền nên đành liều với chính tính mạng của cả mẹ và con.  

Bà Lường Thị Xuân ở bản Nà Mả - người có thâm niên trong việc đỡ đẻ tại nhà nói: “Ngày xưa chúng tôi vẫn được các bà, mẹ đỡ đẻ cho mình nên bây giờ được họ truyền lại kinh nghiệm. Tôi không được đào tạo về chuyên môn làm hộ sinh, dụng cụ đỡ đẻ chỉ có dao, kéo… nên mỗi lần gặp ca khó đẻ, tôi cũng rất lo lắng chỉ cầu vào may mắn”.

Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Hua Nà, 6 tháng đầu năm 2011 toàn xã có 36 ca sinh nhưng đã có tới 24 ca lựa chọn cách sinh con tại nhà.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, chị Phùng Thị Hằng – nữ hộ sinh Trạm Y xã cho biết: “Việc sinh con tại nhà rất nguy hiểm. Nếu gặp phải trường hợp sinh không thuận, sản phụ sẽ dễ bị băng huyết hoặc không đảm bảo sự vô trùng, có thể bị nhiễm trùng… Hơn nữa, sau khi sinh, sức khỏe bà mẹ còn rất yếu, nếu sinh tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế thì có bác sĩ theo dõi sẽ đảm bảo hơn cho sức khỏe của sản phụ. Trạm cũng đã được trang bị đầy đủ các thiết bị y khoa như: bộ đỡ đẻ, bộ kiểm tra cổ tử cung, bộ hồi sức sơ sinh… để hạn chế các tình huống xấu xảy ra đối với sản phụ”.

Được biết năm 2011, toàn xã sẽ có 64 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mặc dù cán bộ y tế và cán bộ dân số thường xuyên xuống thôn, bản để vận động, tuyên truyền phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên đi khám thai định kỳ nhưng đa số chị em vẫn còn tâm lý e ngại nên không ít trường hợp thai nhi yếu, sinh khó ảnh hưởng sức khỏe về sau.

Cán bộ Trạm Y tế xã đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng tới 9 thôn, bản để bà con thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, trong khi tuyên truyền về biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nhất là các đợt triển khai chiến dịch luôn chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại Trạm Y tế xã. Đối với những trường hợp sinh khó thì hướng dẫn cho chị em chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

Mặc dù chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra song việc sinh con tại nhà sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Thiết nghĩ đồng bào nơi đây cần nâng cao nhận thức, nên sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...