Thứ bảy, 11/05/2024, 11:52 [GMT+7]

Kỷ niệm 10 năm Việt Nam khống chế dịch SARS: Lao Động là tờ báo đầu tiên vào vùng “đỏ”

Thứ năm, 18/04/2013 - 08:32'
Cuối tháng 3.2003, dịch SARS đã trở nên vô cùng nguy hiểm trên cả thế giới. BV Việt – Pháp trở thành ổ dịch ở Hà Nội bởi chính tại nơi này, bệnh SARS đã bùng phát và cướp đi sinh mạng 5 người, trong đó có 4 bác sĩ (BS) và nhân viên y tế BV.

Lao Động là tờ báo đầu tiên vào vùng “đỏ”

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế dịch SARS, thành công này có sự cống hiến và hy sinh của nhiều BS, nhân viên y tế. Ảnh: Tư liệu

Không ngại hiểm nguy, Trưởng ban Bạn đọc Báo Lao Động Nguyễn Minh Quang và phóng viên Vũ Kiều Minh lúc bấy giờ đã trực tiếp vào BV Việt - Pháp với mong muốn chứng kiến, chia sẻ mất mát của các bác sĩ (BS) và nhân viên y tế ở đây. Báo Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết ghi lại ký ức của 2 nhà báo về thời điểm dịch SARS hoành hành.  

Cú điện thoại thức tỉnh

Khoảng 1h chiều, một cú điện thoại của một bạn đọc gọi đến Ban Bạn đọc Báo LĐ. Giọng người phụ nữ nói trong nước mắt: “Tôi không thấy Báo Lao Động có bài về BV Việt - Pháp. Trong khi tờ báo luôn là chỗ dựa tin cậy cho độc giả”. 

Chúng tôi giật mình và im lặng suy nghĩ. Khi đó, thông tin từ BV Việt - Pháp đưa ra đủ làm kinh hoàng người nghe: “Chỉ trong vài ngày, SARS đã tấn công gần 20 nhân viên của BV này gồm cả các BS và y tá, hộ lý, trong đó có 5 người tử vong. Toàn bộ BV được cách ly như một ốc đảo chết người. Ai đã ở đấy thì không được ra ngoài. Ngay cả cánh lái xe ôm cũng không dám đứng đón khách trước cửa BV như trước đây. Người bệnh cũng không dám bén mảng đến gần khu vực BV. Taxi thì chỉ dám chở khách đến một con phố khá xa rồi thả khách xuống chứ cũng không dám đi qua Phương Mai - con phố có BV Việt - Pháp. 

Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về trách nhiệm của người cầm bút. Những con người đang bị SARS quật ngã trong kia đang cần cộng đồng chia sẻ. Ít nhất là như vậy vì  lúc đó không có thuốc đặc trị, hay phác đồ điều trị nào. Và chúng tôi đã quyết định phải vào tận trong BV, bất chấp có thể xảy ra điều gì. BS Võ Văn Bản - lúc đó là Phó TGĐ BV Việt - Pháp - nhận điện thoại và nói rất mừng là Báo Lao Động chia sẻ nhưng khuyên chân thành: “Nếu cần gì, BV sẽ cung cấp thông tin. Nhưng phóng viên không nên vào lúc này vì chính tôi cũng không thể ra khỏi BV và về nhà”. 

Tôi tiếp tục thuyết phục ông cho phép vào để có thể có những bài viết hỗ trợ tinh thần cho BV. Cuối cùng ông đồng ý. Tôi quay sang nhìn các phóng viên đồng nghiệp trong ban và nói: “Khoảng 10 phút nữa tôi sẽ xuống  BV Việt - Pháp, ai sẵn sàng đi cùng tôi?”. Ban Bạn đọc lúc đó được coi là ban lính chiến, không có vùng nóng nào mà không có phóng viên. Vậy mà nói đến BV Việt - Pháp viết về dịch SARR, tất cả đều im lặng hoặc đưa ra lý do bận, thoái thác bị ốm hoặc nói thẳng ra là sợ. Cuối cùng thì phóng viên Kiều Minh, lúc đó mới chỉ là anh lính mới ra trường 3 năm, với chút máu mê nghề nghiệp đã xung phong đi cùng tôi.

Bước qua lằn ranh giới đỏ

Bên ngoài BV Việt - Pháp vắng vẻ, 2 bảo vệ trang phục như phi công vũ trụ. Họ hướng dẫn chúng tôi đội mũ, đeo kính và găng tay, mặc trang phục y tế, và được phun khử trùng ngay khi bước qua cổng BV - nơi có một lằn ranh đỏ cảnh báo nguy hiểm. 

Chúng tôi sững người khi nhìn thấy sợi dây thòng từ tầng 2 BV xuống đất, đây chính là đường vận chuyển chiếc thùng chứa nguồn cung cấp lương thực, nước uống đưa vào trong. Đã gần 1 tuần, chỉ có những người có nhiệm vụ, được phép mới lên tầng 2 - nơi có khoảng 20 nhân viên y tế điều trị SARS. Trước đây họ là người đi cấp cứu bệnh nhân, và giờ họ chính là bệnh nhân.

BS Bản và một số cán bộ y tế chờ chúng tôi ở một căn nhà dựng tạm, trước đây là container. Đó được gọi là trung tâm dã chiến xử lý các tình huống của BV Việt - Pháp lúc đó. Các BS và y tá bắt tay chúng tôi rất chặt và thú thực, chúng tôi là những  phóng viên duy nhất vào trong viết về những điều đang diễn ra bên trong BV lúc này. 

Sau 1 giờ trò chuyện, chúng tôi xin phép lên tầng 2 nhưng BS Bản từ chối. Quy định của ngành y tế lúc này là chỉ có những người được phép đặc biệt mới được tiếp xúc với người bệnh. Có thể vào đó, chính chúng tôi sẽ lây bệnh, và là nguồn bệnh phát tán virus rộng ra cộng đồng. 

Tuy vậy, chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy những bệnh nhân đang được điều trị qua ban công tầng 2 khu nhà cách ly. Một anh chàng bệnh nhân với nụ cười tinh nghịch và lạc quan trên môi, yêu cầu tôi chụp cho anh một kiểu ảnh. Đó là bức ảnh có nụ cười yêu đời nhất mà tôi từng thấy. 

Có những lá thư do người dân gửi đến cho các BS, nhân viên y tế của BV Việt - Pháp được dán trên tường, ngoài cổng BV. Lá thư của chị Trương Thị Hương (Cầu Giấy) không chỉ khiến chúng tôi, mà chắc rằng rất nhiều bạn đọc khác, cũng đã vô cùng xúc động: “Suốt ngày hôm nay tôi đã đến nhiều nơi, không nơi nào nhận đưa hoa đến BV của các bạn. Tôi mang hoa vào nhưng cũng chỉ để được ở ngoài thường trực. Uyên ơi, bạn đã từng nắm lấy bàn tay của đứa con nhỏ của tôi chào đời ở BV Việt - Pháp. Tôi vẫn nhớ đôi mắt bạn nhìn cháu trìu mến biết bao. Vậy mà hôm nay tôi đọc được trên một tờ báo bạn đã bị căn bệnh quái ác quật ngã và ra đi mãi mãi. Tôi hiểu được rằng trong nỗi đau khôn cùng đó các bạn thật dũng cảm xiết bao”. 

Rời khỏi BV, chúng tôi ôm thật chặt các cán bộ y tế chia sẻ và đồng cảm. Ra đến bên ngoài, không một xe ôm nào dám chở chúng tôi. Về đến toà soạn, hai người chúng tôi ngồi vào bàn xử lý thông tin và ảnh. Ngay tối hôm đó bài báo “Chúng tôi vào vùng đỏ” được chuyển cho Ban Biên tập. Ông Phạm Huy Hoàn - khi đó là TBT Lao Động - gọi điện xuống ban, giọng có vẻ nghiêm trọng: “Các cậu vào tận trong BV Việt - Pháp thật à? Đã tẩy trùng sạch sẽ chưa?”.

Hôm sau khi bài báo ra, tôi gửi vào cho BV Việt - Pháp đọc và BS Bản đã nói: “Cảm ơn Lao Động rất nhiều, bài báo của các bạn rất hay, rất đúng lúc, là nguồn động viên lớn cho anh chị em chúng tôi.” Lời nói ấy, có lẽ thế là quá đủ đối với những người cầm bút. Ngày 28.4, sau 45 ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên, VN được công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế dịch SARS. Sự thành công  này của ngành y tế VN có được một phần là do sự hy sinh, cống hiến của các BS, nhân viên y tế BV Việt - Pháp. 

Bài báo “Chúng tôi vào vùng đỏ” đã được tặng Giải C Báo chí quốc gia, thể loại phóng sự. Và buổi chiều hôm đó đi vào vùng “đỏ” sẽ là kỷ niệm khó quên, rằng chúng tôi đã dám vượt qua nỗi sợ, dám đi đến nơi trung tâm dịch bệnh được coi là nguy hiểm nhất thế giới, để có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin mới nhất và xác thực từ tâm của sự kiện.

(Nhà báo Nguyễn Minh Quang hiện là Tổng Biên tập báo Khoa học đời sống. Nhà báo Vũ Kiều Minh hiện là Trưởng ban Kinh tế - Chính trị, báo Nông thôn ngày nay).

Theo Laodong (Thứ năm 18/04/2013 07:13)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...