Thứ hai, 13/05/2024, 07:01 [GMT+7]

Kiểm soát dân số: Hành trình còn nhiều gian nan

Thứ ba, 06/12/2011 - 08:36'
(BLC) – Hành trình kiểm soát dân số ở một tỉnh miền núi trình độ dân trí còn thấp không thể là hành trình của 1 năm hay 10 năm, con đường ấy vẫn còn lắm chông gai với những người làm công tác dân số…

VẤN NẠN SINH NHIỀU, CHẤT LƯỢNG NUÔI THẤP

Đến các xã, bản vùng sâu vùng xa, chúng tôi không thể quên ánh mắt những em gái làm mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, các cháu nhỏ thì lê la xung quanh mẹ: vừa cai sữa được cháu lớn thì đã sinh thêm cháu bé, cách nhau có 2 tuổi mà anh phải cõng em vẹo cả một bên sườn... Nhìn ra sân, chúng tôi không khỏi băn khoăn: với mảnh nương cằn dốc núi và thửa ruộng thiếu nước, chất lượng nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ sẽ ra sao?

Người phụ nữ vùng cao già sớm hơn tuổi khi sinh nhiều con.

Ở tuổi 58, nhìn bà Sùng Thị Diển (bản Sin Páo Chải, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) đã già như cụ bà 70 tuổi. Mọi người trong bản nói đó là do bà đã sinh đến 9 người con. Bà tâm sự: “Từ khi về làm dâu, gia đình chồng tôi đã bảo rằng phải sinh được nhiều con thì mới có người làm nương, phát rẫy. Dòng họ Giàng xưa nay đã như vậy rồi!". Cũng do quan điểm muốn có thêm người làm mà em Vừ Thị Sài (bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng) đã bỏ học lớp 4 để ở nhà lấy chồng khi mới hơn 13 tuổi. Nhìn cô bé mới bước sang tuổi 15 đã có con trai hơn 1 tuổi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng...

Anh Hoàng Công Tuân – Phó Phòng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) – Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: “Nhận thức thấp là một trong những nguyên nhân sâu xa của việc sinh nhiều con. Theo tổng điều tra năm 2009, tỷ lệ người lớn biết chữ tại tỉnh ta mới đạt 59,32%. Học vấn thấp khiến người dân nhận thức không đầy đủ về ảnh hưởng của việc sinh nhiều con tới sự phát triển kinh tế gia đình, xã hội. Sinh nhiều không chỉ làm suy giảm sức khỏe bà mẹ, mà còn không đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ”.

NHỮNG CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ “VÌ DÂN”

Trước thực trạng trên, hàng năm Chi cục DS – KHHGĐ đã đưa chính sách DS – KHHGĐ vào quy ước, hương ước tại các làng bản. Chính sách này đã được triển khai điểm tại 21 xã, phường và nhân rộng mô hình tại 7/7 huyện, thị. Toàn tỉnh hiện có 1.213 cộng tác viên (CTV) dân số, hoạt động ở 1.150 bản. Hàng tháng, các CTV tổ chức tuyên truyền tại cơ sở, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, làm mẹ an toàn. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, đã có 18.250 người dân sử dụng các phương tiện tránh thai: đặt vòng, sử dụng thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống tránh thai và dùng bao cao su, triệt sản. Đây là một tín hiệu vui giúp giảm sinh ở các xã, bản vùng sâu vùng xa. Nhiều xã, bản không có người sinh con thứ 3 như: xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ), bản Đông Phong (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường)...

Có được những kết quả như thế, không thể không nhắc đến những CTV nhiệt tình với công tác dân số. Đó là bà Nguyễn Thị Chanh (khu 2, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ), chị Đào Thị Chính (bản Bum, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè)... Không nề hà đường đi xa xôi, nhiều khi phải đi bộ, các bà, các chị vẫn đến từng bản, vào từng nhà để tuyên truyền. Mặc dù mức thù lao của CTV khá thấp: chỉ có 0,2 mức lương tối thiểu cộng với 50.000 đồng của chương trình mục tiêu quốc gia dân số.

Bà Chanh nói: “Đối với những CTV dân số, khi vào các xã, bản, thấy chị em chỉ sinh 1 - 2 con, các con đều được học hành, ăn uống đủ chất, thì đó là niềm động viên lớn nhất. Tuy nhiên, cũng có những vùng khi chúng tôi đến, bà con chưa hiểu rõ về tác hại của việc gia tăng dân số nên đã phản ứng rất mạnh, không chịu sử dụng các biện pháp tránh thai. Song nhờ có sự kiên trì, bền bỉ và sự giúp đỡ của chính quyền, trưởng bản, dần dần người dân đã hiểu và hợp tác cùng chúng tôi để giảm sinh”.

Ngày nắng vẫn như ngày mưa, các CTV vẫn đến các bản để cấp phát phương tiện tránh thai và hướng dẫn bà con sử dụng. Họ như những con ong cần mẫn trong hành trình giúp kiểm soát dân số ở một tỉnh miền núi. Song bên cạnh sự cố gắng của những người làm công tác dân số, rất cần đến sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể; cần tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; và cần nhất là mỗi gia đình – “tế bào của xã hội” ý thức về sinh đẻ có kế hoạch để nâng cao chất lượng dân số.

 

Hải Yến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...