Thứ tư, 15/05/2024, 07:11 [GMT+7]

Lai Châu: Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi - rubenla

Thứ bảy, 11/10/2014 - 13:36'
 (BLC) – Đến thời điểm này, ngành Y tế đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi. Để người dân hiểu, yên tâm đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, phóng viên Báo Laichau Online đã phỏng vấn Bác sỹ Hoàng Hải Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh xung quanh vấn đề này. 

Phóng viên: Bác sỹ cho biết một số thông tin cơ bản về bệnh sởi - rubella?

Bác sỹ Hoàng Hải Hưng: Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra, bệnh rất dễ lây lan và tạo thành dịch. Trẻ em chưa có miễn dịch phòng bệnh đều có thể mắc bệnh. Bệnh có thể gây nên các biến chứng như: viêm phổi, viêm não, tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng, mù lòa và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi.

Bên cạnh sởi, bệnh rubella cũng gây ra hậu quả khôn lường với trẻ em, thanh niên, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Người mẹ mắc rubella khi mang thai trong thời kỳ đầu có thể sảy thai, đẻ non. Nếu được sinh ra, trẻ có nguy cơ mắc các hội chứng rubella bẩm sinh như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, viêm màng não, viêm phổi hoặc gây tử vong.

Cho đến nay, bệnh sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi – rubella không chỉ giúp cho trẻ phòng được bệnh sởi, rubella, tăng cường hệ miễn dịch mà còn là cách tốt nhất để chủ động phòng chống lại 2 căn bệnh này.

Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh bảo quản vắc xin sởi – rubenla.

Phóng viên: Vậy công tác chuẩn bị cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubenla ở tỉnh ta đến thời điểm này ra sao, thưa Bác sĩ?

Bác sỹ Hoàng Hải Hưng: Ngay sau Hội nghị Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi được tỉnh Lai Châu triển khai ngày 11/7, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tập trung triển khai chiến dịch, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tổ chức điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm; xây dựng kế hoạch; tổ chức tập huấn công tác tiêm phòng, cấp cứu cũng như khám sàng lọc trước khi tiêm. Đẩy mạnh tuyên truyền trước chiến dịch thông qua các kênh tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung giải thích cho người dân hiểu: sự nguy hiểm của bệnh sởi và rubella đối với sức khỏe của trẻ em và cộng đồng; các thông tin về vắc xin, đối tượng tiêm và lợi ích của tiêm vắc xin sởi – rubella…

Ngoài ra, ngành Y tế cũng triển khai rất quyết liệt các biện pháp như: Quán triệt đến cán bộ tham gia tiêm chủng làm tốt khâu khám sàng lọc, chỉ định, tư vấn và kỹ thuật tiêm. Các ngành, địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ngành giáo dục đã phối hợp tích cực với ngành Y tế vào cuộc. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho đợt 1 của chiến dịch với gần gần 50.000 trẻ em ở các huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè sẽ được tiêm phòng vắc xin sởi - rubenla. Đặc biệt, nguồn vắc xin tiêm phòng bệnh sởi – rubenla đã được Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương chuyển về kho của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để bảo quản, phân bổ cho các huyện triển khai đợt 1. Trung tâm cũng đã thành lập đội lưu động, hỗ trợ cho các huyện triển khai chiến dịch.

Chiến dịch tiêm chủng sởi – rubenla tại tỉnh ta được chia thành ba đợt, kéo dài từ ngày 20/10 đến 14/2/2015. Cụ thể  đợt I: Từ ngày 20/10 đến 20/11, tiêm cho 49.438 trẻ tại các huyện: Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ; đợt II: từ ngày 21/11 đến 31/12, tiêm cho 43.662 trẻ tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ; đợt III: Từ ngày 15/1 đến 5/2, tiêm cho 48.410 trẻ tại thành phố Lai Châu và các huyện: Than Uyên, Tân Uyên. Trong chiến dịch cũng như tiêm chủng thường xuyên, ngành Y tế luôn xác định bảo đảm an toàn tiêm chủng là yêu cầu hàng đầu hạn chế thấp nhất sự cố hoặc rủi ro.

Phóng viên: Đây là lần đầu tiên triển khai tiêm phòng vắc xin sởi - rubenla, bác sỹ có thể cho biết rõ hơn về loại vắc xin mới này và có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh.

Bác sỹ Hoàng Hải Hưng: Vắc xin sởi – rubela là dạng vắc xin sống giảm độc lực do Ấn Độ sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới kiểm định và chứng nhận về tính an toàn. Hiện đã có 37 quốc gia sử dụng loại vắc xin này. Trong năm qua ở Việt Nam đã chủng ngừa loại vắc xin trên cho 40.000 trẻ nhưng chỉ có 200 trẻ gặp các phản ứng sốt nhẹ sau tiêm và nhanh chóng ổn định trở lại. Do đó, phụ huynh có thể an tâm về độ an toàn của vắc xin và đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng bệnh cho bản thân và cả cộng đồng.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Những chú ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng sởi – rubenla:

- Cho trẻ  ăn no trước khi cho trẻ đi tiêm chủng

- Chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: trẻ đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt là các phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước nhưsốt cao, phát ban, sưng nề vùng tiêm…

- Hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

- Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

- Tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24h sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, dị ứng nổi mề đay, phát ban… nếu trẻ sốt cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát sao, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

- Không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

- Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao trên 39C, co giật, khó thở, tím tái, phát ban…hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

- Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến trạm y tế xã/phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.

- Nếu trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đúng lịch thì trẻ có thể được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, nếu trẻ chưa được bảo vệ phòng bệnh rubela nên cần được tiêm phối hợp sởi-rubela, việc nhắc lại thêm một mũi sởi nữa không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

- Nếu trẻ đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi-rubela hoặc sởi-quai bị-rubela vẫn cần được tiêm thêm một mũi vắc xin sởi-rubela trong chiến dịch (trừ trường hợp mới tiêm trong vòng 1 tháng gần đây.

Bình Minh (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...