Thứ năm, 09/05/2024, 11:19 [GMT+7]

Nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm

Thứ ba, 21/02/2017 - 22:49'
(BLC) - An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề được tỉnh ta quan tâm. Những ngày gần đây, sau khi xảy ra vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm tập thể tại bản Tả Chải (xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ), việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm càng được tỉnh ta chú trọng.

Như Báo Laichau Online đã đưa tin, vừa qua tại bản Tả Chải (xã Ma Ly Chải) xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm làm nhiều người tử vong và nhập viện điều trị. Tính đến 14 giờ 30 phút ngày 16/2, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm là 49 ca. Trong đó, 8 ca tử vong, 24 ca đang được chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện (tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân có tiến triển tốt hơn và đang tiếp tục được chăm sóc, điều trị tích cực), 3 ca đang được chăm sóc, theo dõi tại trạm y tế xã, một số ca còn lại có biểu hiện triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm nhưng ở mức độ nhẹ đã được khám sàng lọc tại trạm y tế xã, tình hình sức khoẻ ổn định được cho về nhà và tiếp tục theo dõi.

Nạn nhân vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm tại xã Ma Ly Chải được các chăm sóc, điều trị tích cực tại cơ sở y tế.

Về nguyên nhân vụ việc, sau khi ngành Y tế tỉnh lấy mẫu máu, rượu gửi về cơ quan chuyên môn Trung ương làm xét nghiệm thì ban đầu xác định các trường hợp bị ngộ độc Methanol chứa trong rượu đã uống. Cụ thể, kết quả xét nghiệm chất Methanol trong máu của 10 ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai do Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tạm thời cung cấp (chưa có văn bản chính thức) có 1 ca âm tính, 1 ca có mức nồng độ thấp (<20 mg/dL), 8 ca đều có nồng độ Methanol trong máu rất cao (thông thường nồng độ Methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng), trường hợp ca bệnh có nồng độ Methanol cao nhất là trên 326 mg/dL.

Để nhanh chóng ổn định tình hình cũng như nâng cao nhận thức cho người dân, ngay sau khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, cùng với cấp cứu, điều trị cho những người bị ảnh hưởng, tỉnh ta còn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chỉ đạo tiếp tục thông tin tuyên truyền thường xuyên, liên tục, sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết lựa chọn thực phẩm an toàn; phát hiện và khai báo cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán loại thực phẩm không đảm bảo an toàn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Là địa bàn trực tiếp quản lý nơi xảy ra vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm, thời gian qua, huyện Phong Thổ cũng đang tích cực vào cuộc. Đồng chí Dương Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Ngày 14/2, UBND huyện đã ban hành văn bản số 105/UBND-VP về việc tập trung khắc phục hậu quả vụ việc. Trong đó, nêu rõ Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tuyên truyền, vận động Nhân dân không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chú trọng các sản phẩm rượu, bia. Ngoài ra, Đoàn cũng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, thu giữ, xử lý toàn bộ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tuyên truyền rộng rãi, kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra để người dân biết và chủ động phòng chống. Ban hành công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã biên giới: Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải phân công trách nhiệm cho các ban ngành, đoàn thể phụ trách các bản, tổ chức tuyên truyền tới tận người dân trên địa bàn xã không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn, hết hạn sử dụng. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ ăn uống không kinh doanh các loại thực phẩm cấm kinh doanh, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và trách nhiệm trong thực hiện kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra thu hồi các cơ sở kinh doanh rượu, nước giải khát, các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Trong khi các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã đang tích cực vào cuộc thì thiết nghĩ để bảo vệ sức khỏe, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc buôn bán, sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không buôn bán, sử dụng các thực phẩm không an toàn, không có nguồn gốc xuất xứ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...