Thứ hai, 13/05/2024, 05:23 [GMT+7]

Ngành Y tế Lai Châu: 10 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ tư, 26/02/2014 - 18:03'
(BLC) - Sau 10 năm thành lập (2004 - 2014), ngành Y tế Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.

Những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức của ngành Y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn ngành có 3 bác sỹ chuyên khoa II, 62 bác sỹ chuyên khoa I, 231 bác sỹ đa khoa. Có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 2 chi cục, 1 trường Trung cấp y tế tỉnh, 1 công ty TNHH Dược và Vật tư y tế, 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 8 trung tâm y tế huyện, thị, 15 phòng khám đa khoa khu vực và 108 trạm y tế xã, phường, thị trấn...

Cán bộ Trạm Y tế xã Bản Bo (huyện Tam Đường) khám, phát thuốc ngoại viện cho người dân.

Công tác giám sát dịch tễ được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, nhằm phát hiện dịch sớm ngay từ những ca đầu tiên, báo dịch kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện, nhân lực để chống dịch có hiệu quả khi có dịch xảy ra. Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ y tế cơ sở, nhất là các huyện khó khăn để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng và các công tác y tế dự phòng khác.

Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ, hằng năm các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Chương trình tiêm chủng được duy trì và hoạt động tốt. 100% xã, phường, thị trấn được triển khai thường xuyên và định kỳ, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm đạt trên 93%. Một số chương trình khác như: phòng chống HIV/AIDS, lao, phong, tâm thần, da liễu, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản,… được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức hoạt động như: tổ chức mít tinh cổ động mặt đường, giám sát, phát hiện sớm để quản lý và điều trị kịp thời, phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngành còn tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các Vụ, Viện Trung ương, đặc biệt là Đề án 1816 về chuyển giao kỹ thuật và sử dụng trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, nhờ đó chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, sức khỏe nhân dân được chăm sóc tốt hơn. Trang thiết bị y tế được đổi mới, nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị áp dụng thành công.

Đề án đã chuyển giao 144 kỹ thuật mới cả về lâm sàng, cận lâm sàng, quản lý bệnh viện và khoa phòng, đào tạo tập huấn chuyên môn cán bộ. Điển hình là phẫu thuật nội soi tiêu hóa tiết niệu, gan mật, sản khoa; phẫu thuật chấn thương sọ não, vết thương sọ hở; chấn thương chỉnh hình, nối mạch máu; xét nghiệm miễn dịch, phân tích máu, tách thành phần máu... Hàng năm giảm từ 150 - 200 bệnh nhân không phải về tuyến Trung ương.

Ngành đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào "Thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế” để mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu và nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp. Qua các phong trào thi đua đã khơi dậy cán bộ, thầy thuốc ngành Y tế nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Công tác nghiên cứu khoa học trở thành phong trào sâu rộng; nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng rộng rãi trong ngành đem lại hiệu quả thiết thực trong việc khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh giảm chi phí cho người bệnh. Số lượng đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ ngành Y tế tăng hằng năm, trong đó nhiều đề tài của các cán bộ trẻ. Năm 2013, toàn ngành có 43 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được nghiệm thu.

Công tác củng cố mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cũng luôn được ngành quan tâm chú trọng. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, y tế thôn bản ngày càng được củng cố và kiện toàn, hằng năm được bổ sung nhân lực, trang thiết bị, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và sửa chữa hoàn thiện đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân tại các địa phương. Năm 2013, UBND tỉnh công nhận 13 xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020.

Mỗi năm ngành cử trên trăm lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, tập trung đào tạo đại học và sau đại học, với tổng số 740 người được cử đi đào tạo, trong đó 436 người tốt nghiệp với nhiều chuyên ngành về phục vụ trong ngành. Phấn đấu đến năm 2015, ngành Y tế đảm bảo có khoảng 9 bác sỹ/vạn dân.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Y tế và sự tận tụy hết mình của cán bộ, công nhân viên chức, ngành Y tế Lai Châu sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần tích cực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,  hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ (2010 – 2015) đã đề ra.

Từ năm 2004 đến nay, ngành Y tế tỉnh được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen: 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 3 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, 4 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 5 tập thể được Bộ Y tế tặng Cờ thi đua, 39 tập thể được Bộ Y tế tặng Bằng khen, 16 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, 3 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 cá nhân được phong tặng thầy thuốc nhân dân, 3 cá nhân được phong tặng thầy thuốc ưu tú, 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 34 cá nhân được Bộ Y tặng Bằng khen…

 

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Công Huấn (Giám đốc Sở Y tế)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...