Thứ hai, 13/05/2024, 06:06 [GMT+7]

Nguy cơ bùng phát dịch dại ở chó, mèo

Thứ năm, 20/03/2014 - 10:35'
(BLC) – 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 295 người đến tiêm phòng vắc-xin dại (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2013). Tình hình bệnh dại ở chó, mèo năm nay xuất hiện sớm hơn mọi năm và rất có nguy cơ bùng phát trở lại.

Chị Hoàng Thị Tuyến, tổ 18, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu tâm sự: “Xóm tôi nhà nào cũng nuôi 1 - 2 con chó nhưng ít nhà xích, nhốt chó. Vừa rồi tôi sang nhà hàng xóm chơi thì bị chó nghi dại cắn. Sau khi xông vào cắn tôi nó chạy sang xóm bên cắn thêm mấy con chó và cắn vào tay anh Lê Xuân Vực làm đứt dây chằng do vết thương khá sâu, rộng nên phải vào viện xử lý vết thương. Sau khi chó cắn xong tôi đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm vắc-xin phòng dại ngay và được cán bộ y tế hướng dẫn cách xử lý, chăm sóc vết thương, theo dõi chó nghi dại cắn người và tiêm phòng đủ 5 mũi vắc-xin phòng dại theo đúng quy định của Bộ Y tế”.

Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tư vấn cách chăm sóc và xử lý vết thương cho bệnh nhân bị chó cắn đến tiêm phòng dại.

Không chỉ có người dân ở thành phố Lai Châu mà rất nhiều người dân ở các huyện khác trong tỉnh còn chủ quan về phòng chống bệnh dại. Chính sự chủ quan của người dân và tập quán thả rông chó đã khiến cho tình hình dịch dại diễn biến phức tạp, điển hình như ở bản Phố Vây, xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ một con chó nghi dại cắn 13 người.

Hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chủ động tham mưu với Sở Y tế xây dựng kế hoạch dự trù vắc-xin, hóa chất, vật tư y tế, tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch dại trên địa bàn toàn tỉnh và đề ra giải pháp ứng phó khi có dịch xảy ra. Đồng thời hướng dẫn các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, các trạm y tế xã phường đẩy mạnh hoạt động giám sát, đặc biệt tại các huyện trọng điểm như Tam Đường, Phong Thổ, thành phố Lai Châu nơi có nhiều người bị chó nghi dại cắn. Phân công cán bộ trực tiêm phòng vắc-xin dại 24/24 giờ tại 8 điểm tiêm vào tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ tết, thứ 7, chủ nhật). Hàng tuần, tháng, quý thống kê báo cáo về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để có biện pháp theo dõi và xử lý kịp thời.

Mặc dù bệnh dại là bệnh nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh được bằng cách tiêm phòng sớm cho người bị chó, mèo cắn và tiêm phòng cho những con vật nuôi. Khi bị chó dại cắn phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa bằng cồn 70% để giảm thiểu vi rút tại vết cắn và đến ngay các cơ sở y tế để được chỉ định tiêm phòng. Các hộ nuôi chó không được thả rông và phải rọ mõm chó khi ra ngoài.

Bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Hải Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống dịch dại của tỉnh đã đẩy mạnh nhiều biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về bệnh dại, rà soát số lượng chó nuôi, tiêm phòng cho đàn chó, tiêu diệt chó thả rông, tiêm phòng dại cho người bị chó nghi dại cắn. Tuy nhiên do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, tình trạng thả rông chó còn phổ biến nên khó khăn cho việc tiêm phòng dại. Do vậy đã ảnh hưởng tới hiệu quả công tác phòng chống dịch dại”.

Thời gian tới, thiết nghĩ ngoài những nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên qua và quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng bệnh dại cho mỗi người dân, không để xảy ra những cái chết thương tâm do bệnh dại.

 

Nguyễn Thuý (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...