Thứ hai, 13/05/2024, 21:00 [GMT+7]

Phòng, chống bệnh than: Người dân vẫn thờ ơ

Thứ sáu, 12/08/2011 - 11:13'
>>Than Uyên: Bệnh than tái phát(BLC) - Mặc dù đã được cảnh báo về khả năng lây lan nhanh và những biến chứng nguy hiểm bệnh than gây ra. Song bất chấp mối nguy hiểm, nhân dân ở các xã xuất hiện bệnh than vẫn “xẻ thịt” trâu chết để bán và ăn.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tuyên truyền tới nhân dân bản Cang Cai, xã Mường Cang về sự nguy hiểm của bệnh than.

Chủ quan với dịch

Ngày 1/8/2011 sau khi nhận được tin báo trâu của gia đình anh Đèo Văn Sơn ở bản Gia (xã Ta Gia) tự nhiên bỏ ăn rồi chết, cán bộ thú y huyện, y tế, chính quyền xã đã khoanh vùng, phun hóa chất xử lý môi trường và chôn đúng kỹ thuật. Nhưng đến 20 giờ cùng ngày, anh Sơn đã gọi điện cho mấy người cùng bản và anh Lù Văn Yên (ở bản Nam) đi đào lấy lại con trâu chôn lúc chiều về thịt ăn. Các anh đã cắt 4 đùi trâu đem về nhà anh Sơn chế biến ăn, sau đó còn mang cho người thân trong gia đình. Trước hành vi này, UBND huyện đã xử phạt anh Đèo Văn Sơn, những người liên quan 4 triệu đồng và yêu cầu các anh tiến hành ngay việc chôn lấp, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Sau khi bệnh than xuất hiện, UBND huyện Than Uyên đã ra Chỉ thị số 09/CT-UBND: Tạm đình chỉ trên địa bàn toàn huyện đối với tất cả các hành vi giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gia súc và thực phẩm có nguồn gốc từ trâu, bò, ngựa (kể cả khi con vật đang khỏe mạnh) và lợn, chó, mèo có biểu hiện bị ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc từ ngày 27/ 7/2011.

Qua trò chuyện, anh Sơn và những người bạn của anh cho biết: “Mặc dù cán bộ đã vận động, tuyên truyền về tác hại của bệnh nhiệt thán, không được ăn thịt trâu, bò mắc bệnh, phải tiêu hủy theo quy định. Nhưng chúng tôi ai cũng nghĩ con trâu đó không bị bệnh, bỏ đi thì tiếc nên đào lại mang về chia nhau ăn thôi”.

Có mặt tại xã Khoen On, nơi được xem là ổ dịch bệnh than bởi đến thời điểm này xã đã có 14 người nhiễm bệnh tập trung tại bản Mùi 1, Mùi 2, bản On. Nhưng tại đây, khi có gia súc chết người dân không thông báo với cấp ủy, chính quyền mà cố tình mổ trâu chết để ăn. Điều này càng nguy hiểm hơn vì người dân thờ ơ, chủ quan với dịch, bệnh.

Mới đây, ngày 7/8, khi thấy trâu của gia đình chết không rõ nguyên nhân, thay vì đến báo với thú y xã, anh Hoàng Văn Sung ở bản On, xã Khoen On đã gọi mọi người trong bản đến mổ cùng và đã có 53 người ăn thịt trâu của gia đình anh.

Đến ngày 10/8, trâu của gia đình anh Hà Văn Liến ở bản Mùi 1 cũng bị chết. Theo lời khai của anh, trâu bị rơi xuống vực, sau khi kéo trâu lên, anh đã cùng với 25 người mổ trâu, 91 người trong bản đã đến ăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Pênh - Bí thư xã Khoen On cho biết: “Thời gian qua UBND xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống, tác hại của bệnh nhiệt thán. Tuy nhiên bệnh than lại xuất hiện ở những thôn, bản cách xa trung tâm xã, địa hình rừng núi phức tạp, trình độ dân trí thấp, đời sống và phong tục tập quán lạc hậu nên chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Do đó người dân biết gia súc chết vì bệnh vẫn thịt ăn... Đây là nguyên nhân chính gây khó khăn trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh không phát tán, lây lan ra diện rộng”.

Ngày 11/8/2011, mặc dù vẫn biết Chỉ thị của huyện là tạm thời đình chỉ giết mổ gia súc kể cả con vật khỏe mạnh nhưng ông Lường Văn Nhau ở bản Cang Mường (xã Mường Cang) vẫn mổ một con bò để làm lễ đặt tên cho cháu. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói: “Tôi cũng có nghe cảnh báo bệnh than đang lây lan ở nhiều xã trên địa bàn huyện, nhưng tôi nghĩ con bò khỏe mạnh mà ở xã Mường Cang cũng chưa có người nào nhiễm bệnh nên ăn cũng không sao”.

Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh

Sau khi phát hiện các gia đình vẫn giết mổ gia súc, Trạm Thú y và Trung tâm Y tế huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở theo dõi tình hình dịch bệnh. Đồng thời khoanh vùng, phun hóa chất xử lý môi trường tại khu vực mổ và chế biến gia súc, nơi nghi ngờ ổ nhiễm mầm bệnh. Kết hợp cấp thuốc kháng sinh và theo dõi sức khỏe tại nhà đối với những người tiếp xúc, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia súc ốm hoặc chết.

Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Trạm Thú y huyện Than Uyên đã tổ chức tiêm phòng được 3.000 liều vắcxin nhiệt thán cho đàn trâu, bò ở các xã: Ta Gia, Khoen On, Mường Than và thị trấn Than Uyên. Tạm ứng 1 tấn vôi và 200 lít Han-lodine để khử độc xử lý môi trường tại khu vực giết mổ.

Chị Đinh Thị Thủy – cán bộ Đội y tế dự phòng Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho hay: “Hiện nay, những người tham gia tiếp xúc, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia súc ốm hoặc chết ở các xã: Ta Gia, Khoen On, Mường Cang trong thời gian vừa qua chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh than. Nhưng ở đây cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vì kiến thức phòng chống bệnh của nhân dân hạn chế, chưa tự giác chấp hành việc khai báo, tiêu hủy súc vật mắc bệnh chế. Việc xử lý môi trường ô nhiễm mầm bệnh, xác súc vật chết gặp nhiều khó khăn trong khi nha bào bệnh than đã phát tán, lưu hành nhiều năm trong môi trường là cơ hội để bệnh than phát tán”.

Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với y tế các thôn, bản thường xuyên tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng lây nhiễm trực khuẩn than sang người tại những khu vực có động vật ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý triệt để ổ dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với các mô của động vật chết vì mắc bệnh than hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong. Chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. UBND huyện Than Uyên cũng sẽ xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạmChỉ thị số 09/CT-UBND huyện.

Thiết nghĩ, đồng bào các dân tộc địa phương cần nâng cao nhận thức, tránh sự lây lan, gây bệnh cho người, gia súc. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh than.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...