Chủ nhật, 12/05/2024, 22:48 [GMT+7]

Sìn Hồ: Bao giờ hết tảo hôn?

Thứ tư, 10/08/2011 - 10:46'
(BLC) - Chưa có con số thông kê chính xác về tình trạng tảo hôn ở huyện Sìn Hồ song những câu chuyện về các cặp vợ chồng chưa qua tuổi vị thành niên sớm phải gánh vác trọng trách làm cha mẹ không hiếm ở đây.

 Những cặp vợ chồng trẻ…

Chiều thu, khung cảnh bản Phăng Xô Lin 2, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ thật bình dị, khói lam chiều lan toả từ những ngôi nhà thưng gỗ. Từng tốp từng tốp người đi làm nương về, trên lưng nặng trĩu những gùi nông sản.

Nhiều phụ nữ ở xã Pu Sam Cáp mới ngoài 20 tuổi mà có đến 4 – 5 con.

Hòa cùng tốp người trên, chúng tôi có dịp trò chuyện với em Cheo Lù Mẩy. Thật bất ngờ khi biết Mẩy năm nay mới 17 tuổi nhưng đã lấy chồng là Tẩn Liền Sân (vừa tròn 18 tuổi) và mới sinh một bé trai 2 tháng tuổi.

Trong ngôi nhà xập xệ Mẩy rụt rè tâm sự: “Em và anh Sân gặp nhau trong một lần đi chơi tết cùng các bạn. Gặp nhau rồi cả hai ưng cái bụng, anh Sân về bảo với bố mẹ đến nhà em xin cưới”.

Thế là một đám cưới được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình, họ hàng. Mới 17 tuổi Mẩy bước về nhà chồng trong khi chưa lường hết được những khó khăn của cuộc sống gia đình. Cũng như bao nhiêu đôi vợ chồng khác, Mẩy đầu tắt mặt tối với nương lúa, nương ngô. Rồi vòng xoáy cơm áo gạo tiền khiến hai vợ chồng thường xuyên xảy ra xô xát, cãi vã. Lấy chồng được một năm mà nhìn Mẩy gầy và già rất nhiều so với tuổi 17.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Mẩy ngậm ngùi: “Giá như bây giờ em chưa lấy chồng và được đến trường như các bạn”.

Đến thăm xã Pu Sam Cáp cũng là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất huyện. Tiếp chúng tôi là ông Hầu A Dia – Quyền Chủ tịch UBND xã cho hay: “Tình trạng tảo hôn trong xã phổ biến. Các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền rất nhiều nhưng xem ra vẫn chỉ như muối bỏ bể”.

Như để chứng minh lời mình nói, ông Dia dẫn chúng tôi đến gia đình Cha Thị Sua 14 tuổi ở bản Tỉa Tê. Vừa nhìn thấy chúng tôi đi vào chị Giàng Thị Mái (mẹ của Sua) xua tay: “Con Sua ở nhà lấy chồng thôi, tôi quyết định rồi”.

Thì ra chị Mái tưởng chúng tôi đến vận động Sua không lấy chồng sớm. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, chị Mái tâm sự:Con gái lớn rồi phải lấy chồng, người Mông mình đều như vậy”.

Nghe câu trả lời của chị chúng tôi hiểu vì sao nhiều bà mẹ trẻ ở Pu Sam Cáp sinh con xong chưa lâu nhưng đã địu con lên nương, trong đó nhiều em lập gia đình khi tuổi đời mới chỉ 14, 15.

Nhận thức quá lạc hậu

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng tảo hôn trên địa bàn, ông Chẻo Liều Pao – Phó Chủ tịch UBND xã Phăng Xô Lin cho biết: “Từ đầu năm đến nay toàn xã có khoảng 10 cặp tảo hôn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhận thức của nhân dân còn lạc hậu, muốn cho con lập gia đình sớm để có người làm. Hơn nữa với quan niệm: nhà nào ít con cháu là không có phúc nên các cặp vợ chồng cứ sinh con mà không kế hoạch”.

Làm thế nào để xóa đi những hủ tục lạc hậu ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào nơi đây, ngăn chặn tình trạng tảo hôn là bài toán khó không chỉ với chính quyền xã mà cả với huyện. Rất nhiều lần Trung tâm Dân số Kế hoạch hoá gia đình (DS KHHGĐ) huyện cử cán bộ phối hợp với địa phương cùng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ đến từng xã, bản vận động tuyên truyền về hậu quả của việc kết hôn sớm, vận động thanh niên kết hôn đúng độ tuổi…

Song bà Tẩn Mý San – Giám đốc Trung tâm DS KHHGĐ huyện cho biết: “Cái khó nhất trong vấn đề tuyên truyền là nhận thức của bà con quá lạc hậu. Nhìn các cháu nhỏ tuổi mà đã sinh con, tay xách, nách bồng, đói khổ... thương cái bụng lắm! Nhiều cặp vợ chồng trẻ cưới nhau 5-7 năm sau mới đăng ký kết hôn, nhưng cũng có trường hợp không đăng kí kết hôn và không làm cả giấy khai sinh cho con. Chúng tôi phải đến từng gia đình vận động họ mới chịu đi đăng ký và làm khai sinh khi con đã lên 3, 4 tuổi”.

Vẫn biết rằng với trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế và việc xóa bỏ một thói quen, tập tục như tảo hôn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Nhưng nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu, chính quyền không cương quyết thì không biết bao giờ cảnh em gái 14, 15  tuổi địu con đi làm nương nơi đây mới chấm dứt.

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...