Chủ nhật, 12/05/2024, 18:25 [GMT+7]

Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế mới: Nhiều vướng mắc, bất cập

Thứ tư, 03/08/2011 - 10:42'
(BLC) - Từ ngày 1/10/2009 Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) bắt đầu triển khai thực hiện, song quá trình thực hiện bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.

Còn nhiều bất cập

Trước đây khi chưa triển khai Luật BHYT mới, người bệnh không phải trả viện phí nếu đến khám bệnh đúng tuyến, nhưng theo quy định mới thì đến khám đúng tuyến vẫn phải đóng phí BHYT từ 5 - 20%. Không những vậy theo Luật BHYT mới sẽ có một số đối tượng phải chi trả 5% viện phí, trong đó có người nghèo. Do đó khiến nhiều người dân lo lắng khi tham gia BHYT.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo tại BVĐK tỉnh.

Chị Hạng Thị Xá (huyện Mường Tè) cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trước đây vào viện chúng tôi không phải trả tiền nhưng nay thấy bác sỹ bảo phải trả 5% viện phí. Chồng tôi thì nằm điều trị ở đây đã gần chục ngày rồi, 5% tính ra số tiền cũng không nhỏ đối với gia đình, tôi rất lo lắng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí".

Bác sỹ Bùi Tiến Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: "Hiện nay việc chi trả 5% viện phí cho đối tượng người nghèo ở BVĐK tỉnh đang có Dự án HEMA hỗ trợ cho đồng bào 32 xã thuộc 5 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ (cho những trường hợp có đầy đủ giấy tờ). Song điều chúng tôi lo ngại là một vài năm nữa khi Dự án kết thúc thì 5% viện phí này ai sẽ lo. Bởi người dân nghèo lo cơm áo đã rất vất vả thì lấy đâu tiền để chữa bệnh.

Được biết đối với những đối tượng không được dự án HEMA hỗ trợ, nhiều người đã không thể trả được viện phí, với trường hợp đau yếu thường xuyên hay bệnh nan y thì con số 5% viện phí vẫn là quá lớn đối với họ. Do đó nhiều bệnh nhân trốn viện khi chưa hoàn thành điều trị.

Phiền toái thủ tục

Tại BVĐK tỉnh, khâu giải quyết các thủ tục thanh toán đối với các trường hợp khám không đúng tuyến gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như những trường hợp bệnh nhân của các huyện: Tam Đường, Phong Thổ nhà ở gần BVĐK tỉnh hơn Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Khi bị bệnh họ muốn đến BVĐK tỉnh KCB thì không đúng tuyến, nhiều người không biết phải chuẩn bị thủ tục gì vì không biết chữ, không đọc được chữ ghi trên thẻ BHYT. Với những trường hợp này phải thanh toán 30% viện phí, nếu như yêu cầu họ quay trở lại địa phương xin giấy giới thiệu thì chi phí đi lại có khi tốn kém hơn tiền thuốc. Nhiều người dân đi KCB nhưng không có tiền, bệnh viện phải xét miễn viện phí.

Theo bác sỹ Bùi Tiến Thanh: “BHYT nên xem xét giảm bớt các thủ tục hành chính cho người bệnh, phải có hướng mở để giải quyết cho những người nghèo, người dân tộc thiểu số khi đến KCB không đúng tuyến tại BVĐK tỉnh, tránh gây phiền hà cho người bệnh”.

Còn đối với các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT), theo Luật BHYT mới, bệnh nhân phải có biên bản TNGT của Công an xem có vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không mới giải quyết, nếu không vi phạm Luật sẽ được BHYT chi trả theo quy định, nếu vi phạm bệnh nhân phải chi trả 100% viện phí. Nhưng ở BVĐK tỉnh việc này cũng còn nhiều vướng mắc bởi các trường hợp bị TNGT chủ yếu là bệnh nặng, điều trị dài ngày, phải sử dụng nhiều kỹ thuật cao, viện phí rất cao, người nhà không đủ điều kiện trả viện phí, do đó bệnh viện cũng phải hỗ trợ thêm cho người bệnh.

Việc KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi khi một trẻ dưới 6 tuổi vào viện điều trị nội trú, để biết trẻ thuộc diện hộ nghèo hay không, bệnh viện phải phôtô thẻ BHYT của bố hoặc mẹ, đối chiếu với BHYT rồi mới làm thủ tục thanh toán cho bệnh nhân. Do vậy, BHYT nên làm thẻ phân biệt giữa 2 đối tượng này để khi KCB được thuận lợi, bởi trẻ em thuộc diện nghèo được ưu tiên hơn, đặc biệt là khi chuyển tuyến hay tử vong..

Nhìn chung những quy định mới của Luật BHYT còn nhiều bất cập. Người có thẻ BHYT phải làm nhiều thủ tục giấy tờ như: lấy giấy xét nghiệm, đóng tiền, lấy xác nhận của từng đơn vị tham gia KCB, bệnh nhân phải đóng tiền, qua các phòng ban khác để giải quyết thủ tục rồi mới quay lại làm các thủ thuật... Các bác sỹ cũng mất nhiều thời gian hơn cho việc xác nhận duyệt đơn thuốc, cân đối vật tư tiêu hao đi kèm với những thuốc chỉ định cho bệnh nhân (trong trần BHYT) như truyền dich, truyền thuốc. Hơn nữa mỗi lần đón tiếp một bệnh nhân lại là một vòng chuyển giao giấy tờ rất phức tạp.

Ngoài ra, việc tuyên truyền chế độ, chính sách BHYT đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hạn chế đã phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT.Việc triển khai luật BHYT mới, trong đó mở rộng thêm đối tượng tham gia BHYT là một chủ trương lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên sự bất cập của Luật BHYT cũng đã gây nhiều khó khăn phiền hà cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo ở tỉnh ta.

Mai Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...