Thứ năm, 25/04/2024, 19:36 [GMT+7]

Trẻ nhập viện do bệnh lý hô hấp tăng mạnh

Chủ nhật, 23/04/2023 - 10:59'
Trong 1 tháng trở lại đây, số ca nhập viện vì bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ mắc thủy đậu, các bệnh lý hô hấp... cũng tăng mạnh. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng, suy hô hấp.

v

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV.

Trẻ mắc virus RSV, bệnh hô hấp gia tăng
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, số trẻ đến khám, nhập viện điều trị vì bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV tăng nhanh thời gian gần đây. Đặc biệt, virus gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Bé B.L (9 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao li bì, thở khò khè, có biểu hiện suy hô hấp. 3 ngày trước con bị sổ mũi, sốt 38,5 độ C, bỏ bú, test RSV tại một bệnh viện âm tính nên được hướng dẫn điều trị tại nhà.

Tuy nhiên bé càng ngày càng mệt, có lúc sốt lên 40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Sau khi xét nghiệm, chụp X-quang phổi, bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản phổi do nhiễm nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), biến chứng suy hô hấp. Bé được thở oxy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng và phục hồi chức năng hô hấp, hiện tình trạng ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết bệnh nhi nhỏ tuổi, hệ miễn dịch còn non yếu, có tiền sử nhiễm Covid-19. Đây có thể là nguyên nhân khiến RSV chuyển nặng ở trẻ.

Từ tháng 3 đến nay, bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp như cúm, RSV, metapneumovirus, tay chân miệng, nhiễm phế cầu… tăng cao. Ước tính cứ khoảng 3 trẻ mắc RSV thì có 1 trẻ phải nhập viện điều trị do các biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tai giữa. Đó thường là những trẻ dưới 1 tuổi, mắc bệnh lý nền, tim bẩm sinh, sinh non…

Theo thống kê, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus RSV trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém.
Theo bác sĩ, khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh.

Đối với trẻ sơ sinh có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, tím tái, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc hoặc có cơn ngừng thở. Đối với những trẻ có bệnh lý nền như trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị loạn sản phổi,… thì bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn.

Bệnh thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có nền sức khỏe tốt, và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, RSV trên người lớn đa phần không nguy hiểm, nhưng vẫn có nguy cơ chuyển nặng ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy giảm miễn dịch, ghép tạng…

Các biến chứng nguy hiểm nhất là viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, đợt cấp của bệnh hô hấp mạn tính, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Ngoài RSV, trong thời gian giao mùa, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận thêm nhiều trường hợp người lớn tuổi mắc cúm nặng, có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở oxy hoặc thở máy không xâm nhập.

Một số người gặp tình trạng cúm kéo dài, điều trị không dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt, người có bệnh lý nền nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Số người mắc thủy đậu đến khám cũng tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Các chuyên gia lý giải thời tiết thay đổi là một trong những yếu tố khiến nhiều dịch bệnh hô hấp lây nhiễm mạnh thời gian này. Thời tiết nóng lạnh, mưa nắng thất thường khiến virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn càng khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.

Mặt khác, chất lượng không khí thường xuyên ở mức có hại sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng, khiến bệnh kéo dài dai dẳng, tăng nguy cơ biến chứng.


Theo các chuyên gia về hô hấp, loại virus RSV này có thể tồn tại trên bề mặt của các đồ vật cứng tới hơn 6 tiếng, sống trên quần áo và bàn tay cho tới 1 giờ. Một người sau khi bị nhiễm virus có thể sau 2-8 ngày mới biểu hiện triệu chứng.

Hiện nay, chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, tránh bùng phát thành dịch, bằng cách: Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kéo dài đến 2 tuổi; nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm; ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng.

Gia đình cần giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ; khi cho trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang.

Tránh hôn, thơm, bắt tay trẻ; nên cho trẻ dùng riêng cốc và dụng cụ ăn uống. Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Rửa sạch đồ chơi và vệ sinh các bề mặt trẻ hay chạm vào thường xuyên.

Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.

Tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Với trẻ nhỏ mắc RSV hoặc cúm, cần theo dõi kỹ các biểu hiện ở trẻ. Nếu thấy dấu hiệu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt, khó thở, thở rít, tím tái, li bì, bỏ bú phải đưa trẻ nhập viện ngay.

Trẻ nhỏ, người lớn tuổi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.

Cập nhật Thứ năm, ngày 20/04/2023 - 09:11/TRẦN LAM/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...