Thứ hai, 13/05/2024, 07:23 [GMT+7]

Trời rét đậm: Bệnh nhi nhập viện tăng

Thứ ba, 10/01/2012 - 11:54'
(BLC) _ Hiện, số bệnh nhân nhi nhập viện tăng trên 30% so với thường ngày. Chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh tiêu chảy, sốt phát ban…

Bác sỹ Hà Trung Dũng - khoa Nhi bệnh viện đa khoa tỉnh kiểm sức khoẻ cho bệnh nhân nhi.

Mặc dù đã cuối giờ chiều, song các y, bác sỹ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vẫn bận rộn với việc tiếp nhận bệnh nhân mới và kiểm tra tình hình bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Hầu hết các số giường bệnh đều chật kín. Phòng dịch vụ hàng ngày rất ít hoạt động đến nay cũng không còn.

Chị Tẩn Phan Siểu, bản Hồng Thu Mán, xã Lản Nhì Thàng, Phong Thổ vừa cho con uống thuốc vừa nói: “Vợ chồng tôi đi lấy củi từ sớm, để đứa nhỏ ở nhà cho đứa lớn trông coi. Tối về, thấy con bỏ bú, quấy khóc rồi sốt cao, khó thở. Chúng tôi đưa cháu vào viện, bác sỹ bảo chậm chút nữa thì mất con. Gần 1 tuần các bác sỹ cho cháu uống thuốc, bệnh giờ đã đỡ nhiều”.

Bác sỹ Hà Trung Dũng - khoa Nhi cho biết: “Bình thường thì Khoa tiếp nhận và điều trị từ 20 đến 25 trẻ. Nhưng hiện nay, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho trên 30 bệnh nhân. Bệnh nhi thường nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng, nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bà con vùng cao thường hay vận chuyển bệnh nhi bằng xe máy, trong khi thời tiết hạ thấp, rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ và dễ gây tử vong”.

Điển hình như tối 8/1, gia đình anh Giàng A Hoà và chị Vàng Thị Mỵ (ở xã  Sin Suối Hồ, Phong Thổ) đưa con trai là Giàng A Chi hơn 1 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng bé bị viêm phổi cấp, suy hô hấp cấp độ 3. Môi và các chi đã thâm tím, thở yếu (50 lần/phút), rút lõm lồng ngực, bụng chướng… Suốt 1 đêm các bác sỹ trong khoa tổ chức hút đờm rãi, truyền dịch cùng kháng sinh và đặt lồng ấp… song bé Chi vẫn không qua khỏi. Trường hợp con chị Thào Thị Giả ở xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao, rốn bị nhiễm trùng do sinh con tại nhà tự cắt và buộc rốn bằng dây dù. Cùng với trẻ bị hạ thân nhiệt (do bố mẹ đưa con bằng xe máy xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh), đứa trẻ đã mất sau gần 3 giờ đồng hồ nhập viện.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài bệnh viêm đường hô hấp, 3 ngày trở lại đây, ở Khoa Nhi xuất hiện thêm bệnh tiêu chảy do Rotavirs, một loại virus thường xuất hiện trong mùa đông. Số lượng bệnh nhân bị tiêu chảy không cao nhưng tình trạng bệnh lại nặng, vì đa phần bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cơ thể bị mất nước do bị tiêu chảy nhiều.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: “Xác định mùa đông là thời điểm bệnh nhân nhập viện thường tăng hơn so với các mùa trong năm. Vì vậy, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị đón tiếp bệnh nhân. Tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân nhập viện không chỉ đối với bệnh nhi mà còn đối với người già và bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. Vì đây là những bệnh thường gặp về mùa đông và nếu không được sơ cứu kịp thời dễ gây tai biến dẫn đến tử vong”.

Để tăng sức đề kháng cho trẻ về mùa đông, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo các bậc phụ huynh: cần tăng bữa đối với trẻ em; các thức ăn phải nóng, ấm, nhiều chất đạm, giảm bớt lượng nước (giảm lượng canh). Bên cạnh đó, giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ thấp (lạnh) kèm với độ ẩm cao (do mưa gió) cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp.

Không đi ra ngoài khi trời mưa nếu không có dụng cụ bảo vệ; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ. Nếu không cần thiết thì không nên ra bên ngoài khi trời quá lạnh, hay mưa. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý việc mặc ấm cho trẻ, vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.

Theo dự báo, những ngày tiếp theo, thời tiết không những lạnh mà còn có độ ẩm không khí cao, các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư trú, gây bệnh cho trẻ.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...