Chủ nhật, 12/05/2024, 03:16 [GMT+7]

Than Uyên: Bệnh than tái phát

Thứ sáu, 29/07/2011 - 14:40'
(BLC) - Trong tháng 6, 7/2011, bệnh than (nhiệt thán) đã tái xuất hiện tại 4 xã (Ta Gia, Khoen On, Mường Than, Phúc Than) và thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) làm 23 người nhiễm bệnh, trong đó 1 người đã tử vong.

Diễn biến phức tạp

Như tin đã đưa, ngày 9/6 sau khi tiếp nhận 2 ca nghi mắc bệnh than, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên đã cử cán bộ điều tra, xác minh dịch tại bản Nam (xã Ta Gia), phát hiện thêm 8 người mắc bệnh. Trong đó, 4 người lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh than. Ngày 23, 24/6 tiếp tục phát hiện 2 người mắc bệnh than tại bản Đông (xã Mường Than) và khu 9 (thị trấn Than Uyên), trong đó 1 trường hợp có biến chứng nặng đã tử vong vào ngày 25/6.

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện khám và điều trị cho bệnh nhân Hà Thị Păng (bản Mùi 2, xã Khoen On).

Đến ngày 5/7, Trung tâm Y tế huyện lại tiếp nhận thêm một ca mắc bệnh than là anh Lò Văn Nú ở bản On (xã Khoen On). Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi ăn phải thịt trâu mắc bệnh, 3 ngày sau trên tay anh Nú có nhiều vết loét màu đen và sốt cao. Ngay sau đó gia đình đã đưa anh đi khám nhưng do biểu hiện biến chứng nặng Trung tâm Y tế huyện đã chuyển anh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cũng từ ngày 15 – 26/7, trên địa bàn huyện đã phát hiện thêm 11 bệnh nhân mắc bệnh than tại bản Mùi 2, bản On (xã Khoen On) và 1 bệnh nhân tại bản Nà Dắt (xã Phúc Than). Hiện các bệnh nhân này đang được thu dung, cách ly, điều trị.Có mặt tại phòng cách ly – Trung tâm Y tế huyện, chúng tôi được nghe chị Hà Thị Păng 38 tuổi ở bản Mùi 2 (xã Khoen On) kể về nguyên nhân dẫn đến việc chị và 2 con mắc bệnh than. “Giữa tháng 7, mấy con trâu của gia đình tự nhiên có biểu hiện bỏ ăn, khó thở, đi loạng choạng rồi chết. Khi trâu chết, gia đình không báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, tự ý mổ thịt bán và gia đình ăn. Tôi là người chế biến thức ăn. Ngày 18/7 trên tay tôi xuất hiện nốt thâm đen, xung quanh bị sưng đỏ, ngứa. Hôm sau 2 con tôi là Hà Văn Bích và Hà Thị Minh cũng có biểu hiện ở đùi phải và cánh tay trái có nốt bỏng thâm đen. Vì vậy ngày 22/7 tôi và các con đã đến Trung tâm Y tế huyện khám và điều trị”. Tại đây chị Păng được điều trị và tiêm văcxin liều cao theo phác đồ điều trị của bệnh nhiệt thán nên hiện nay vết thương đã khô, lành.

Trong tâm trạng lo âu, mẹ của bệnh nhân Lường Quang Huy 3 tuổi ở bản On (xã Khoen On) chia sẻ: “Sau khi mua thịt trâu về cho cháu ăn thì 3 ngày sau trên má phải của cháu xuất hiện nốt thâm đen. Do chủ quan, nghĩ cháu bị ngã nên gia đình không đưa đi khám, may mà có cán bộ y tế xã đến khám, phát hiện bệnh, gia đình mới biết cháu bị bệnh than nên đã đưa đến Trung tâm để điều trị kịp thời”.

Theo như lời kể của ông Trần Văn Viên – Trưởng Trạm thú y huyện Than Uyên: “Những năm 1959, bệnh than xuất hiện ở bản Én Nọi, xã Mường Than làm 1 người tử vong; đến năm 1978 bệnh than lại xuất hiện tại bản Nà Sẳng – xã Pắc Ta (nay là huyện Tân Uyên) khiến 2 người tử vong và nhiều người trong bản lây bệnh... Do kiến thức phòng chống bệnh than của nhân dân hạn chế, chưa tự giác chấp hành việc khai báo, tiêu hủy súc vật mắc bệnh chết; việc xử lý môi trường ô nhiễm mầm bệnh, xác súc vật chết gặp nhiều khó khăn trong khi bào tử bệnh than đã phát tán, lưu hành nhiều năm trong môi trường là cơ hội để bệnh than phát tán”.

Bao vây, khống chế, ngăn chặn dịch

Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Thủy – cán bộ Đội Y tế dự phòng Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Trạm Thú y huyện, y tế thôn bản thành lập các tổ xác minh nguyên nhân gây bệnh, khoanh vùng, phun hóa chất xử lý môi trường tại khu vực mổ và chế biến gia súc, nơi nghi ngờ ổ nhiễm mầm bệnh”.

Trạm Thú y huyện cũng đã cử cán bộ xuống các xã Ta Gia, Khoen On để theo dõi dịch bệnh nhiệt thán trên đàn gia súc, phát hiện và kịp thời điều trị những gia súc có triệu chứng mắc bệnh. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống bệnh nhiệt thán.

Ông Nùng Văn Nim – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Đến nay, 11 bệnh nhân đã được điều trị và hồi phục, trở về nhà; 11 bệnh nhân đang được điều trị, hiện tại sức khỏe diễn biến tốt. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch, bệnh huyện đã đưa ra các biện pháp khống chế, ngăn chặn dịch không cho lan ra các xã lân cận”.

Theo đó, Trung tâm Y tế huyện phải sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, vật tư y tế, hóa chất phục vụ giám sát, điều tra dịch tễ, phát hiện điều trị bệnh nhân. Trạm Thú y, Đội Quản lý thị trường số 4 tăng cường hoạt động tại chốt kiểm dịch động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm từ gia súc.

Người dân cần nâng cao ý thức trong giết mổ gia súc. Khi gia đình có người mắc bệnh nhiệt thán, bà con phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

Hiện nay bất chấp mối nguy hiểm, một số cơ sở giết mổ, kinh doanh và hộ gia đình (bản Nà Hỳ xã Ta Gia và bản On xã Khoen On) vẫn tiếp tục giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến và ăn thịt súc vật ốm hoặc chết.Để chủ động phòng chống dịch, bệnh. UBND Than Uyên đã ra Chỉ thị 09/CT-UBND: tạm đình chỉ trên địa bàn toàn huyện đối với tất cả các hành vi giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gia súc và thực phẩm có nguồn gốc từ trâu, bò, ngựa (kể cả khi con vật đang khỏe mạnh) và lợn, chó, mèo có biểu hiện bị ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc kể từ ngày 27/7/2011 đến khi có Văn bản công bố hết dịch của UBND huyện. Các cơ sở, cá nhân vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...