

Theo thông tin từ ngành Y tế, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất của thế kỷ 21 và đang gia tăng với mức độ nguy hiểm ở tất cả các nước trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa ý thức đầy đủ về kháng sinh, vẫn còn tình trạng mua thuốc không cần đơn và sử dụng kháng sinh bừa bãi. Dùng kháng sinh không đúng sẽ dẫn đến việc người bệnh phải điều trị kéo dài hoặc không khỏi bệnh. Lai Châu cũng không nằm ngoài tình trạng trên và khi tình trạng kháng kháng sinh diễn ra thì việc điều trị bệnh có thể thất bại hoàn toàn. Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực như: yêu cầu các đơn vị phải điều trị chuẩn theo đúng phác đồ; tổ chức kêu gọi thậm chí cấm mua, bán kháng sinh nếu không có đơn của bác sỹ; phát triển, mở rộng diện tích vườn thuốc nam tại các Trạm y tế xã, cơ sở điều trị bệnh và tuyên truyền truyền tới các hộ dân sử dụng cây thuốc để điều trị các bệnh, tiến tới đẩy lùi và ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh.
Cán bộ, y sỹ Trạm Y tế xã Sùng Phài chăm sóc vườn thuốc nam.
Với ý nghĩa quan trọng đó, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở y tế khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở phát triển vườn thuốc nam; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn trồng cây thuốc nam để điều trị các bệnh thông thường. Có mặt tại Trạm Y tế xã Sùng Phài (huyện Tam Đường), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là dãy nhà 2 tầng khang trang, kiên cố, xung quanh được trồng khá nhiều loại cây thuốc nam. Mỗi loại cây thuốc đều có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi, bộ phận sử dụng và công dụng. Y sỹ Nguyễn Thị Thanh – cán bộ Trạm chia sẻ, Trạm hiện đang trồng nhiều loại cây thuốc như: ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, kim tiền thảo, ké hoa vàng, cẩu tích, tía tô, gừng, hẹ, đinh lăng… Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ, xương khớp... Cùng với xây dựng vườn thuốc nam, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn người dân trồng và sử dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thông thường. Nhờ được chăm sóc chu đáo, nên vườn thuốc nam của Trạm luôn xanh tốt, là nguồn dược liệu hỗ trợ điều trị đông tây y kết hợp cho người bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, người bị biến chứng bệnh…
Cùng với y học hiện đại, những năm qua y dược học cổ truyền được ngành Y tế quan tâm phát triển, đến nay toàn tỉnh có 90/108 trạm y tế xã, phường thị trấn có vườn mẫu cây thuốc nam với 7 nhóm, 40 loại cây theo danh mục của Bộ Y tế. Các trạm tích cực đẩy mạnh tuyên truyền khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nên người dân trên địa bàn các xã đã có những nhận thức ban đầu về hiệu quả của việc khám chữa bệnh bằng đông y và sử dụng cây thuốc nam trong chữa bệnh.
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà để bảo tồn và phát triển các giống cây thuốc nam quý hiếm của địa phương cũng được ngành Y tế phối hợp với ngành chức năng, chỉ đạo các Trạm Y tế xã tham mưu cho địa phương vận động Nhân dân tích cực mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện quy hoạch và phát triển dược liệu, với tổng diện tích nuôi trồng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 6.932ha, bao gồm: 6.305ha cây thảo quả, 450ha cây sả, 15ha Actiso, 38ha sa nhân, 9ha đương quy, 0,93ha tam thất, nghệ các loại 115ha. Đang phát triển sản xuất cây dược liệu tập trung theo hướng thâm canh với quy mô khoảng 420ha với các loại cây có giá trị cao như: Tam thất, đương quy, sa nhân tím... tại huyện Mường Tè 200ha, Phong Thổ 60ha, Sìn Hồ 40ha, Tam Đường 95ha, thành phố Lai Châu 25ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vườn thuốc nam ở một số trạm y tế chưa đạt yêu cầu. Cụ thể như: có nhiều loại cây nhưng thiếu cây thuốc quý; một số trạm trồng đủ 40 cây thuốc nhưng không đủ các nhóm cây thuốc theo quy định; một số trạm trong vườn thuốc nam, nhiều cây thuốc chỉ có bảng tên và hướng dẫn sử dụng thuốc còn cây thuốc rất cằn cỗi... Việc xây dựng vườn thuốc nam có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, mà còn có tác dụng khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phát triển vườn thuốc nam cần được các trạm y tế, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là quan tâm củng cố, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, dược, đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tạo điều kiện để các trạm kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí cho người bệnh.

Lễ phát động hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện
Thành phố Lai Châu: Chủ động phòng, chống dịch sởi
Nỗ lực đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng
“Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”
Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu

Sin Suối Hồ nỗ lực phòng, chống bệnh sởi

Đáp ứng nhu cầu phòng bệnh trong cộng đồng







