

>Thi viết 'Ước mơ của tôi' trên VnExpress và iOne
Ngày ấy, tôi là một cô bé dịu hiền với mái tóc dài chấm ngang lưng, gương mặt hiền và tươi sáng nhưng có vẻ đượm buồn. Mười tám tuổi, tôi có một ước mơ nhỏ nhoi: được bước vào giảng đường đại học với chuyên ngành mình yêu thích. Những trang sử hào hùng của dân tộc cứ len lỏi vào trái tim tôi tự lúc nào. Hay do hình ảnh chiếc áo dài thân thương của cô, dáng người gầy gầy nhưng luôn tuôn trào nhiệt huyết của cô đã làm tôi nhớ mãi? Tôi nhớ từng lời, từng giọng nói thân thương của cô: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".
Từng ngày trôi qua, tôi tự ôn tập tại nhà. Lúc ấy nhà tôi chưa có điện như nhà của các bạn. Mỗi lúc thấy tôi học khuya mà đèn dầu không đủ sáng, mẹ thức dậy thắp thêm những chiếc đèn cầy cũ đã cháy gần hết. Mẹ làm cho tôi thấy rõ hơn từng con chữ. Và lúc đó tôi cũng thấy rõ hơn tình thương của mẹ dành cho tôi. Tôi cũng thấy rõ hơn mình cần phải làm gì.
Thế rồi ngày ấy cũng đến, ngày tôi nhận trên tay tấm giấy đỗ đại học vào ngành sư phạm Sử. Sau giây phút xúc động và hạnh phúc, tôi chợt nhận ra một sự lo lắng vô chừng. Càng nhận thấy nỗi mừng vui từ mẹ, tôi càng thấy bồi hồi và lo lắng lạ. Nỗi lo lắng cứ quấn lấy tôi suốt 3 ngày đêm. Tôi không ngủ được cho đến ngày mẹ lo mượn đủ số tiền để tôi đóng học phí và lo tiền ăn trong tháng cho tôi.
![]() |
Nhờ bạn bè tôi đã vượt qua mọi khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Mẹ hăm hở chở tôi đến trường mà tại đây đã có nhiều điều bất ngờ. Mẹ đâu biết ngồi phía sau, tôi cứ xúc động và nhớ tới hình ảnh mẹ phải vất vả, lo cho tôi ăn học. Đưa tay lên gạt nước mắt, tôi như muốn gạt đi nỗi lo toan trong lòng mình. Nở một nụ cười, tôi chờ đợi một niềm hy vọng.
Và một lần nữa tôi cảm thấy lòng đau nhói khi nhận được tờ giấy ghi dòng chữ: "Không đủ sức khỏe để học tập". Tôi cũng phần nào đoán biết trước điều đó, nhưng không ngờ tôi lại buồn như vậy. Cầm tờ giấy trên tay, tôi cứ bước quanh sân trường. Nhìn từng con chữ, tôi muốn tìm cho mình một câu trả lời. Có phải vì một khiếm khuyết trên mắt đã làm tôi mất đi cơ hội nắm bắt và chạm đến ước mơ của mình? Tại sao…? Tôi vẫn có sức khỏe, vẫn có trái tim biết khát vọng và trí tuệ để học tập. Thế mà…
Nhìn con gái thất vọng, mẹ kéo tay tôi đến văn phòng và quyết tâm gặp được thầy phụ trách. Thầy có vẻ thông cảm và ân cần dẫn tôi đến gặp thầy phó hiệu trưởng. "Nếu có nguyện vọng học ngành khác, em hãy trao đổi với thầy, vì có khả năng em trúng tuyển". Thầy chân thành khuyên tôi chọn lựa cho mình một con đường mà không phải là con đường dẫn đến ước mơ tôi. Tôi vẫn nhớ lời thầy chia sẻ: "Nghề nghiệp là một duyên phận...". Tự nhiên nước mắt tôi chực trào ra. Tôi uất ức.
Thầy hẹn gặp lại tôi sau 2 ngày suy nghĩ. Mẹ nhìn tôi và như chờ quyết định cho chính cuộc sống của tôi, chứ không phải ai khác lựa chọn. Nằm cạnh tôi trong căn nhà trọ, mẹ đã nói nhiều điều như để an ủi tôi. Mẹ càng nói tôi càng im lặng. Bao suy nghĩ cứ hiện ra trong đầu và chúng lôi kéo tôi. Bao nhiêu nỗ lực, bao khát vọng của tôi lại sụp đổ vậy sao? Bao hy sinh vất vả của ba mẹ, tôi phải đền đáp thế nào?
Mẹ không nói nữa. Và như nhận ra điều gì, mẹ thì thầm: "Bây giờ mẹ phải trở về để lo thêm một số tiền nữa mới đủ đóng học phí cho con". Thế là mẹ về. Một mình trong căn phòng, tôi thấy mình nhỏ bé, lạ lẫm trước môi trường mới. Một ngày sau tôi mở cửa và bước đi. Tôi lại tìm đến sân trường đại học. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ. Lòng tôi dịu hẳn.
Những câu hỏi cứ hiện ra như đang tìm lời giải đáp. Tôi phải học tiếp. Học để chứng minh rằng mình sẽ có đủ sức khỏe để học tập, đủ niềm tin và khát vọng để đóng góp công sức của mình cho xã hội. Học để khám phá những điều mới lạ, học để hiểu được chính mình. Mình là ai? Mình sống với các giá trị gì, sống để làm gì?
Tôi đã chọn ngành Công tác xã hội, một ngành học khá mới tại Việt Nam. Và như có một sợi dây vô hình, tôi lại gắn với cuộc sống của những người kém may mắn trong xã hội, những em nhỏ mồ côi, người khuyết tật, những cụ già neo đơn… Nơi đây những kiến thức mới, những con người mới, điều kiện sống mới đã rèn cho tôi thêm niềm tin và động lực để phấn đấu. Tôi thấy một sự đồng cảm và gần gũi lạ. Tôi gặp gỡ nhiều thầy cô, những người bạn đáng yêu, những người sẵn sàng chia sớt cho tôi những lúc tôi vui, buồn.
Và từ đó, bước đường tôi đi cứ dần mở lối. Như một định mệnh và những hạnh phúc nhỏ ấy cứ dần vẫy gọi tôi. Tôi đã đi… Tôi cứ tiến gần hơn với những người đồng cảnh.
Ước mơ là cơ hội đổi mới. Giờ đây tôi không còn là một cô gái e dè, mái tóc dài được thay bằng một mái tóc cột cao gọn gàng, nét mặt tươi sáng. Lúc ấy tôi nhận ra một điều thật đơn giản: "Chính lúc quên mình là lúc tìm lại bản thân".
Tôi thầm cảm ơn cô đã truyền cảm hứng để tôi nuôi dưỡng những ước mơ đầu tiên.Tôi cảm ơn mẹ đã kéo tôi trở lại trong lúc tôi thất vọng. Tôi cảm ơn thầy hiệu hiệu phó ngày ấy đã dành cho tôi một cơ hội mới. Tôi cũng cảm ơn mình vì đã quyết định cho chính mình. Dù ước mơ ngày ấy tôi không thực hiện được nhưng đó là cơ hội để tôi tìm thấy những điều mới và tìm được hướng đi mới trong cuộc đời mình.
Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có những ước mơ. Có những điều ta đạt được, nhưng cũng có những ước mơ không thực hiện được. Khi ước mơ không thực hiện được, không có nghĩa là nó mất đi, mà nó sẽ chuyển dần thành những ước mơ khác. Với tôi, ước mơ là cơ hội để tôi nỗ lực và học tập. Ước mơ là cơ hội để tôi tiếp cận với nền tri thức trẻ. Ước mơ nhỏ đã hun đúc trong tôi những ước mơ tiếp theo lớn dần lên.
Không là giáo viên, tôi đã có thể trở thành nhân viên xã hội. Giờ đây, tôi cũng có thể chia sẻ kiến thức và kỹ năng đã học cho các học sinh khiếm thính. Tôi không sử dụng những ngôn ngữ bằng lời nhưng tôi có thể truyền tải từng điều mình học qua ngôn ngữ ký hiệu. Những ngón tay nhỏ bé nhưng có một sự kỳ diệu vô cùng. Chúng đã xóa dần khoảng cách giữa tôi và các em.
Đôi lúc mình vẫn được gọi bằng tiếng cô thân thương. Đó là những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Và lúc đó tôi cũng nhận ra nhiều khả năng khác của chính mình, tôi là một người tràn đầy sức mạnh để vượt qua những khó khăn để tìm kiếm hạnh phúc cho mình và cho người khác.
Tôi còn rất trẻ. Tôi còn rất nhiều cơ hội để tìm thấy hạnh phúc cho tương lai. Vì vậy tôi cứ bước đi và hướng đến con đường mình đã chọn.
Hiện tại, tôi làm công tác xã hội với người khuyết tật. Tháng 11/2011 vừa qua, tôi cùng các anh chị trong chương trình Sống Độc Lập đã có dịp đến Nhật để học tập và làm việc. Chúng tôi cũng có dịp tham quan những khu du lịch nổi tiếng tại đây. Đoàn chúng tôi cùng nhau lên đến những ngọn đồi, vượt qua những con dốc để tận hưởng những khung cảnh tuyệt đẹp nơi này. Dù thời tiết giá lạnh, dù những giọt mồ hôi đã rơi, dù những gập ghềnh trên đường với những vòng xe lăn cẩn thận.
Tin đọc nhiều
Người dân Sàng Cải mong mỏi một con đường
Trao cơ hội để phụ nữ vùng biên giới phát triển

"Sống chậm" giữa thời đại công nghệ số

Đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão

Cẩn trọng khi ăn thịt động vật chết

Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại

Huyện Tam Đường: Vượt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi

Đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ









