

Nhiều vụ việc điển hình
Lần theo nguồn tin do lực lượng chức năng cung cấp, mới đây, chúng tôi tìm gặp chị Lý Thị Phương - Chủ tài khoản facebook “Bích Phương” đang kinh doanh trà sữa ở bản Pa Nậm Cúm (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ). Trước đó tháng 6/2021, chị đăng tải bài viết, video có nội dung không đồng tình với việc doanh nghiệp hút cát ở sông Nậm Na gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Không những thế, chị còn gắn tên 28 facebook bạn bè trên trang cá nhân của mình.
Nội dung chị Phương đưa lên thể hiện thái độ hậm hực, chửi bới, xúc phạm, bôi nhọ danh dự lực lượng chức năng, thiếu niềm tin vào chính quyền. Bài viết trên facebook của chị có tới 41 lượt like, 36 lời bình với 12 lượt chia sẻ. Nguy hại hơn, từ facebook chị truyền đi nhiều thông điệp xấu, làm ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị và các cơ quan thực thi pháp luật.
Lực lượng chức năng xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) tuyên truyền cho chị Lý Thị Phương ở bản Pa Nậm Cúm (xã Ma Li Pho) kỹ năng nhận biết thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Với tính chất nguy hại trên, ngay sau khi nắm được thông tin, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05 - Công an tỉnh) đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Xác định, chị đang sinh sống tại bản Rừng Ổi Khèo Thầu (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường), cán bộ Phòng PA05 phối hợp với Công an xã Hồ Thầu mời chị đến trụ sở làm việc. Tại đây, chị được lực lượng công an và cán bộ chính quyền xã giải thích, giáo dục, tuyên truyền về tác hại việc đăng tải bài viết, video xấu, độc lên không gian MXH.
Ngay sau đó, chị nhận thức được việc làm sai trái của mình nên tự nguyện gỡ bỏ bài viết, video và ký cam kết không đăng tải, chia sẻ nội dung tiêu cực, ảnh hưởng tư tưởng và tình hình an ninh chính trị địa phương. Đến nay, chị trở lại cuộc sống bình thường, yên tâm làm ăn sinh sống.
Sự việc tiếp theo vào ngày 10/4/2023 trên MXH lan truyền clip người phụ nữ cướp giật tiền của nhân viên bán xăng trên địa bàn phường Đông Phong (thành phố Lai Châu). Khi chưa rõ thực hư và chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng 9 chủ tài khoản MXH đã cắt ghép ảnh của công dân D.T.Q. (SN 2003), đăng tải thông tin sai sự thật (kèm video hiện trường vụ cướp giật) nhằm quy kết cho D.T.Q. chính là người thực hiện hành vi cướp giật. Khi ảnh công dân D.T.Q. xuất hiện trên MXH nhận được nhiều lượt like và được share với tốc độ “chóng mặt”, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Ngày 13/4, Phòng PA05 nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với Công an thành phố Lai Châu làm việc với 9 chủ tài khoản MXH, đều khai nhận việc đăng bài, chia sẻ những thông tin sai sự thật, nhằm mục đích “câu view”, “câu like”. Căn cứ quy định pháp luật, Phòng PA05 phối hợp với Công an thành phố Lai Châu tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh xử phạt hành chính 5 trường hợp, mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng PA05 còn lập hồ sơ răn đe, giáo dục 4 trường hợp và tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để truy xét làm rõ, xử lý nghiêm đối với những trường hợp liên quan.
Trên đây là 10 tài khoản trong số hàng trăm tài khoản facebook cá nhân lợi dụng MXH đăng tải những bài viết, hình ảnh, video xấu, độc, ẩn chứa nhiều hệ lụy xấu trong dư luận, tác động tiêu cực đến tâm lý, làm lung lay niềm tin của một bộ phận Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cuộc chiến mới, đầy cam go và khốc liệt trong thời đại công nghệ số đang được lực lượng chức năng tỉnh kiên quyết xử lý.
Những hệ lụy
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền, đơn vị các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc sớm nhận diện, đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Bởi một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta chưa nhận diện được những thông tin xấu, độc trên không gian MXH đã tham gia bình luận, chia sẻ, like với thông tin trái chiều, gây hoang mang trong Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Chỉ cần một tài khoản facebook cá nhân đăng tải bài viết, video, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc, làm sai lệch danh dự, thậm chí có những ngôn từ không chuẩn mực, xúc phạm cấp ủy, chính quyền địa phương đã trở thành diễn đàn chia sẻ của hàng trăm người theo dõi, bình luận. Từ đó, xuất hiện những luồng thông tin sai sự thật lan truyền sâu, rộng, gây ra nhiều hệ lụy trong Nhân dân như: tạo sự hoang mang, mất niềm tin vào cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.
Những vụ việc điển hình trên cho thấy, một số người chưa nhận diện được mức độ nguy hiểm và những hệ lụy của những thông tin xấu, độc đã tham gia chia sẻ, bình luận, tạo “làn sóng” trên diễn đàn MXH, ảnh hưởng tới uy tín của các cấp chính quyền trong tỉnh. Việc đăng tải, chia sẻ bài viết, video, hình ảnh giả mạo, nhằm kích động, gây mất niềm tin vào hệ thống chính trị trên địa bàn.
Cuộc chiến mới trong thời đại công nghệ số là vấn đề cấp thiết gây ra nhiều hệ lụy, cần quan tâm, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục huy động hệ thống chính trị và lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhằm giáo dục, răn đe, “làm sạch” không gian mạng.
(Còn nữa)
Tin đọc nhiều

Chính quyền địa phương 2 cấp: Sẽ chuyển 90/99 nhiệm vụ từ huyện xuống xã

Việt Nam - Nga: Cơ hội mở rộng hợp tác thương mại song phương

Ngày 8/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận nhiều dự án luật quan trọng

Đổi thay sau một nhiệm kỳ

Đoàn kiểm tra số 2 - Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh làm việc với các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên

Phát huy truyền thống hào hùng

Kiểm tra xoá nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Tam Đường

Nhân lên cái đẹp, dẹp cái xấu










