Thứ ba, 08/10/2024, 19:54 [GMT+7]

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động cấp nước

Thứ hai, 29/07/2024 - 20:42'
(BLC) - Thời gian qua, Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cấp nước tập trung, quản lý, giao dịch với khách hàng. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực cung cấp nước sạch.

Có mặt tại Nhà máy nước Tả Lèng (thuộc Chi nhánh nước sạch thành phố Lai Châu), được biết, trước đây cứ trung bình 2 tiếng nhân viên nhà máy phải đo các chỉ số nước 1 lần và ghi lại bằng sổ sau đó chuyển về công ty. Hầu như các công việc tại nhà máy đều thực hiện theo hình thức thủ công, dữ liệu chủ yếu được lưu trữ dưới dạng sơ đồ giấy. Vì vậy, khi xảy ra sự cố thường không được phản ánh kịp thời, thiếu tính chính xác.

Anh Hồ Sĩ Táo – công nhân nhà máy nước cho biết: Từ năm 2015 đến nay, công ty đầu tư các thiết bị, máy móc, công nghệ để giám sát, điều khiển tự động các hoạt động quản lý, vận hành tại nhà máy; việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước qua máy móc, máy tính cài đặt phần mềm. Qua phần mềm trên máy tính chỉ số hiển thị từng giây, từng phút và liên tục 24/24 giờ. Các chỉ số về nước được liên thông lên công ty chứ không chỉ riêng nhà máy nên thuận tiện cho công tác quản lý, chỉ đạo từ công ty xuống nhà máy. Hằng năm, chúng tôi được tập huấn, cập nhật những kiến thức mới trong vận hành, sử dụng, xử lý sự cố khi dùng các thiết bị, máy móc, phần mềm. Việc ứng dụng máy móc và CĐS trong các hoạt động quản lý, vận hành cấp nước giúp công nhân làm việc tại nhà máy tiết kiệm được thời gian, công sức và kiểm soát chất lượng nước chặt chẽ hơn.

1

Nhân viên Nhà máy nước Tả Lèng sử dụng các thiết bị, máy móc, công nghệ để giám sát, vận hành hoạt động cấp nước.

Anh Nguyễn Chí Công – Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu cho biết: Trước khi đẩy mạnh CĐS, việc quản lý, điều hành hệ thống cấp nước của công ty chủ yếu là thủ công, tốn kém thời gian và chi phí. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình CĐS tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, công ty đã tổ chức thực hiện CĐS một cách toàn diện trên tất cả các phương diện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng của khách hàng.

Hiện công ty đang sử dụng các phần mềm như: giám sát, điều khiển hệ thống sản xuất nước (Scada); quản lý, giám sát lưu lượng, áp lực và chất lượng nước; quản lý tài chính, kế toán và chăm sóc khách hàng trên nền tảng các ứng dụng, phần mềm; thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai dịch vụ công cấp độ 3,4 đối với thủ tục đăng ký lắp đặt sử dụng nước sạch…

2

Nhân viên trực tuyến thu ngân - Chi nhánh nước sạch thành phố Lai Châu ứng dụng quản lý thông tin khách hàng trên điện thoại.

Chia sẻ về tiện ích khi đẩy mạnh CĐS, chị Nguyễn Thị Thủy – Nhân viên trực tuyến thu ngân, Chi nhánh nước sạch thành phố Lai Châu cho biết: Trước đây chúng tôi đọc chỉ số công tơ bằng cách đi lần lượt từng gia đình xem và ghi sổ giấy. Sau đó về tổng hợp, gửi số liệu cho bộ phận kế toán để tính số tiền nên mất thời gian cũng như nhân lực. Nhưng giờ đây mỗi khách hàng được cấp 1 mã QR gắn ở công tơ đo chỉ số, chỉ cần thông qua ứng dụng đọc chỉ số công tơ được cài trên điện thoại di động thông minh do chi nhánh tạo tài khoản và cấp cho nhân viên. Tới ngày đọc công tơ hàng tháng chúng tôi quét mã QR của khách hàng sẽ hiện ra số lượng nước sử dụng, số tiền. Đồng thời, chi nhánh còn sử dụng ứng dụng quản lý thông tin khách hàng trên điện thoại nên những số liệu, thông tin được kết nối về hệ thống chi nhánh chính xác, rút ngắn thời gian mà công việc lại hiệu quả, tiện lợi cho nhân viên thu ngân, chi nhánh và công ty.

Ông Phạm Đức Thắng – Tổ 7, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu cho biết: Được nhân viên thu tiền nước tuyên truyền về việc thanh toán tiền nước qua tài khoản ngân hàng và cài đặt ứng dụng theo dõi tiền nước trên điện thoại tôi đã cài và sử dụng khoảng 2 năm nay. Sử dụng ứng dụng theo dõi tiền nước trên điện thoại giúp tôi có thể biết được số lượng nước nhà mình dùng để điều chỉnh sao cho hợp lý, tiết kiệm chứ không phải ra hộp công tơ nước của gia đình theo dõi. Bên cạnh đó, thanh toán tiền nước qua tài khoản ngân hàng giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chưa kể nhiều app trên điện thoại thanh toán còn được khuyến mại chiết khấu % nên tiết kiệm lắm. Thực sự tiện lợi, hữu ích.

3

Lãnh đạo Nhà máy nước Tả Lèng và nhân viên trực tuyến thu ngân, Chi nhánh nước sạch thành phố Lai Châu hướng dẫn người dân thanh toán tiền nước qua ứng dụng trên điện thoại.

Từ đẩy mạnh CĐS trong hoạt động cấp nước đã đem lại hiệu quả thiết thực như: tăng năng suất lao động, giảm nguồn nhân lực; giảm chi phí quản lý, vận hành, sản xuất và cung cấp nước sạch; rút ngắn các thủ tục, quy trình trong lĩnh vực cấp nước. Nhờ đó, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, góp phần nâng doanh thu, mở rộng số lượng khách hàng. Hiện công ty đang cấp nước cho 24.977 khách hàng (tăng 1,024 % so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 18.900 khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Với định hướng xây dựng và phát triển thành một doanh nghiệp số, thời gian tới, Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh CĐS, trong đó chú trọng vào đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác CĐS và xây dựng kế hoạch CĐS phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...