Thứ tư, 18/09/2024, 18:12 [GMT+7]

Thiếu cơ chế thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thứ hai, 16/05/2022 - 10:53'
Sau Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), nhiều quốc gia công bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. Nổi lên như một lựa chọn hàng đầu, thế nhưng hydro xanh vẫn gặp nhiều rào cản để phát triển như một nguồn năng lượng thay thế hiệu quả.

EEP C thuê lại phần mái nhà xưởng, nhà máy của các khách hàng trong khu công nghiệp để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

EEP C thuê lại phần mái nhà xưởng, nhà máy của các khách hàng trong khu công nghiệp để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Việt Nam "lọt mắt xanh" nhà đầu tư

Hydro (H2) là nguyên tố phổ biến thứ ba trên Trái đất, nhưng không có sẵn để khai thác trực tiếp mà được tạo ra từ các nguồn sơ cấp ban đầu như nước hoặc các hợp chất hydrocarbon. Hydro còn là một nguồn năng lượng sạch và có thể sử dụng để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tùy vào phương pháp sản xuất, hydro có thể được phân loại thành ba nhóm: xám, lam và xanh. Trong đó, hydro xanh là "tân binh" trong khối hydro, nhưng ưu việt hơn: không sản sinh ra khí carbondioxide (CO2) vì được sản xuất bằng công nghệ điện phân từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), còn quá trình sản xuất hydro xám và hydro lam đều thải ra CO2, gây hiệu ứng nhà kính.

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, về công suất điện và nguồn điện năm 2021, hydro đạt năng suất 22.111MW, chiếm 28,3% trên tổng sản lượng điện. Nắm bắt xu hướng phát triển tất yếu của các nguồn năng lượng mới, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã tập trung vào vấn đề nghiên cứu, xây dựng và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp xu hướng chung của thế giới. Tiếp đó, tại Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Công thương về nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro gắn với điện gió ngoài khơi.

Không chỉ mang đến nguồn năng lượng sạch hiệu quả, xét về tiềm năng thị trường, tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đang triển khai chiến lược hydro quốc gia và đang tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận hydro đầu vào từ nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á lân cận, trong đó Việt Nam là điểm đến đang thu hút sự chú ý. Điều này có thể mở ra tiềm năng trong việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao vốn và công nghệ trong lĩnh vực này.

Ông Lee Jaeseung, Phó Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi châu Á, Trưởng đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam nhận định: "Hydro xanh mang nhiều tiềm năng của một nguồn năng lượng sạch bền vững và có giá thành phải chăng. Việt Nam sở hữu những điều kiện rất thích hợp để sản xuất hydro xanh nhờ vào nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Đặc biệt, nguồn gió ngoài khơi có thể được sử dụng để sản xuất ra hydro xanh với giá cả phải chăng".

Thiết lập cụm công nghiệp hydro xanh

Về lý thuyết, hydro xanh vừa có thể là nguồn nhiên liệu thay thế, vừa có thể là "pin" tích trữ năng lượng tái tạo hiệu quả. Ứng dụng của hydro trong thực tế có thể kể đến: sản xuất điện và cân bằng lưới; nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, vận tải; nhiên liệu cho các khu công nghiệp; nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp: nhà máy lọc dầu, hóa chất, phân đạm, gang thép hoặc là nhiên liệu cho các tòa nhà dân dụng thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh ở đây, hydro chỉ xanh khi được sản xuất từ năng lượng tái tạo, tức là trước đó phải có nguồn điện ổn định từ điện gió, hay điện mặt trời. Trong khi đó, cũng theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2021, sản lượng điện gió và điện mặt trời lần lượt mới chỉ đạt 4.126MW và 16.564MW. Để phát triển hydro xanh, giải pháp được khuyến nghị là thiết lập cụm công nghiệp hydro xanh. Tức là, tạo nên khu công nghiệp tự sản xuất và cung cấp nguồn điện thân thiện với môi trường, rồi tích trữ nguồn năng lượng đó bằng cách chuyển hóa thành hydro xanh.

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Bỉ phát triển và vận hành tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là câu chuyện thực tế về mô hình này. Được nhận định là khu công nghiệp "xanh" nhất miền bắc, thu hút 120 doanh nghiệp đến đầu tư, DEEP C luôn tự đặt ra những quy định nghiêm ngặt về phát triển bền vững thông qua các giải pháp như: Thứ nhất, thuê lại phần mái nhà xưởng, nhà máy của các khách hàng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời (năm 2021, công suất tối đa đạt 2,15MWp; năm 2022 ước tính tăng gấp đôi); Thứ hai, thông qua chương trình hỗ trợ của Hàn Quốc, lắp đặt và đưa vào sử dụng turbine điện gió đầu tiên tại miền bắc; Thứ ba, tái sử dụng và tái chế nước thải, nước mưa.

Tuy tạo được ra điện, nhưng DEEP C không thể tích trữ với nguồn năng lượng dư ra. Hydro xanh cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu để nghiên cứu triển khai. Nguồn nước tái chế cũng có thể trở thành một nguồn cung sản xuất hydro xanh. Vậy nhưng, với diện tích trải dài 3.400ha, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, kế hoạch gắn với hydro xanh của DEEP C đang vướng những trở ngại về chính sách và quy định của cả hai tỉnh, thành phố.

Để được cấp phép xây dựng turbine quạt gió, Ban Giám đốc khu công nghiệp phải làm việc với lãnh đạo tỉnh, và Bộ Quốc phòng, bởi vị trí gần với sân bay Cát Bi. Hay để có thể sử dụng điện áp mái, họ cũng phải có thời gian dài làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt, với dự án sản xuất nước tái chế, mới chỉ dừng ở tưới tiêu cây xanh trong khuôn viên khu công nghiệp, chưa được cấp phép để đưa vào sử dụng trong sản xuất. Ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ quan điểm: "Tôi biết cần thời gian để Việt Nam hoàn thiện khung chính sách và pháp lý bảo đảm theo kịp tiến trình thay đổi của công nghệ môi trường. Nhưng cũng nên đẩy nhanh tiến trình này!".

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này. Để bắt kịp xu thế toàn cầu, ông Lee Jaeseung nhìn nhận: "Chính phủ Việt Nam đã và đang khuyến khích phát triển lĩnh vực này với các định hướng được đề cập trong Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia cũng như dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Ít nhất trong giai đoạn đầu, cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, thí dụ như về nghiên cứu phát triển, áp dụng các công cụ tài chính, hỗ trợ về thuế đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng và xây dựng thị trường, kích thích đầu tư vào lĩnh vực này!". Những tín hiệu xanh đầu tiên đã được thắp lên và nếu chính sách đi trước một bước, chúng ta có thể hy vọng vào một thị trường năng lượng xanh, bền vững hơn!

Cập nhật Thứ Sáu, 13-05-2022, 15:31/ Nguyễn Hà/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nậm Nhùn khó đạt chỉ tiêu trồng rừng
Năm 2024, huyện Nậm Nhùn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 325ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ 50ha và rừng sản xuất 275ha. Theo kế hoạch, việc triển khai trồng rừng sẽ được hoàn thành trước...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.