

Chúng tôi đến thăm mương thủy lợi ở bản Sảng Phìn (xã Sà Dề Phìn) khi người dân đang tiến hành nạo vét bùn, rác, dọn cỏ quanh mương để dòng chảy được liên tục, đảm bảo nước tưới tiêu cho ruộng đồng.
Anh Giàng Hồ Dí (bản Sảng Phìn) nói: Gia đình tôi có gần 1ha ruộng. Trước đây, do chưa có công trình thủy lợi, chỉ phụ thuộc vào nước mưa nên việc sản xuất hiệu quả thấp, nhiều vụ còn mất trắng, tốn nhiều công sức, tiền của bỏ ra. Được huyện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi ở bản, tôi và bà con trong bản yên tâm sản xuất; mùa vụ tăng, năng suất cũng cao 2 - 3 lần so với trước, không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa để bán ra thị trường.
Để các công trình thủy lợi xây dựng đúng tiến độ, tiết kiệm chi phí, giảm công sức cho người xây dựng, ngoài tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của kênh mương thủy lợi đối với sản xuất; vận động bà con ủng hộ, góp công, hiến đất để xây dựng; cán bộ xã, huyện còn quan sát địa hình, tìm hiểu địa chất để đầu tư xây dựng các công trình ở vị trí gần nguồn nước, ít tốn kém kinh phí. Đối với những nơi có địa hình thuận lợi thì xây dựng công trình chạy dọc theo các cánh đồng, còn các xã ở vùng cao, địa chất phức tạp, tìm các nguồn nước mới đặt công trình và xây dựng men theo sườn đồi núi. Trong quá trình thi công, chú trọng lập các phương án để tránh rủi ro, sự cố.
Người dân xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) thường xuyên vệ sinh, khơi thông mương thủy lợi.
Được biết, huyện Sìn Hồ có 164 công trình thủy lợi do huyện quản lý và 20 công trình do tỉnh quản lý với tổng chiều dài của toàn bộ các mương dẫn nước là 265,6km, trong đó 156 công trình (do huyện quản lý) kiên cố, còn lại là bán kiên cố. Từ khi các công trình thủy lợi đi vào hoạt động đã tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, tiết kiệm nguồn kinh phí, giảm sức lao động. Có nước về, bà con đẩy mạnh khai hoang, đưa giống mới, máy móc vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với diện tích hơn 6.200ha đất trồng lúa, năng suất mỗi vụ đạt từ 48-50 tạ/ha. Nhiều địa phương trở thành “vựa lúa” của huyện như: Noong Hẻo, Nậm Tăm, Lùng Thàng. Nhờ có nguồn nước đảm bảo nên giữa 2 mùa vụ, người dân tận dụng diện tích để trồng rau màu các loại, năng suất bình quân 60 tạ/ha.
Anh Lù Văn On ở bản Tân Lập (xã Nậm Cuổi) hồ hởi: Có thủy lợi dẫn nước về ruộng đồng nên mùa vụ nào năng suất cũng tăng, mỗi hộ thu hoạch từ 50-60 bao thóc/vụ, vừa đủ ăn lại sinh lời khi bán. Thấy hiệu quả, dân bản tích cực sản xuất, thường xuyên kiểm tra, giữ gìn vệ sinh mương thủy lợi, thông báo kịp thời đến xã, huyện khi có sự cố.
Bên cạnh đó, người dân các xã, bản thường xuyên kiểm tra các công trình thuỷ lợi, nguồn nước dẫn để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố. Không chăn thả gia súc, chặt phá rừng tại các khe, mó nước. Tích cực vệ sinh, phát quang bụi rậm, nạo vét, khơi thông lòng mương, đảm bảo nguồn nước được lưu thông. Khi có sự cố, thông báo kịp thời đến cơ quan chuyên môn để giải quyết. Do vậy, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện luôn vận hành tốt, ít hỏng hóc. Hiện còn 8 công trình bán kiên cố, huyện đang khảo sát để tu sửa, nâng cấp.
Anh Ma Khánh Toàn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá chất lượng các công trình, xử lý kịp thời sự cố; vận động người dân thường xuyên vệ sinh, đảm bảo nguồn nước. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp phá hoại công trình thủy lợi.
Hệ thống các công trình thủy lợi đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao cuộc sống người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện Sìn Hồ.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









