

Mô hình trồng cây dược liệu đang là mũi nhọn kinh tế của người dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.
Những năm gần đây chính quyền huyện chủ động rà soát, lựa chọn những ngành nghề sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán lao động tại từng khu vực. Đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Hàng nghìn lao động của Sìn Hồ đã được đào tạo nghề, nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, tạo việc làm ổn định nâng cao sức cạnh tranh của địa phương trong giai đoạn tái cơ cấu bộ máy hành chính.
Hiện toàn huyện gieo trồng trên 6.000ha lúa, gần 5.000ha ngô, sản lượng lương thực đạt 47.258 tấn. Diện tích cây ăn quả được mở rộng thêm 115ha, chủ yếu là dứa, cam, xoài. Nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được xây dựng, như vùng dứa Nậm Tăm, chè Ma Quai, vùng dược liệu ở Sà Dề Phìn, Phăng Sô Lin… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn. Các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ kết nối thị trường thường xuyên được đẩy mạnh, nhằm nâng cao trình độ sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường cho phần lớn người dân địa phương.
Hiện nay, thu nhập bình quân của Sìn Hồ đạt trên 38,5 triệu đồng/người/năm, tăng 6% so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,4%. Từ đầu năm 2024 đến nay huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 525 lao động, tạo việc làm mới cho hơn 1.200 người, các vùng sản xuất chuyên canh gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch… được xây dựng riêng theo thế mạnh từng vùng.
Chị Tẩn Mý Dao - khu 1 thị trấn Sìn Hồ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm dược liệu, năm nay phát triển mô hình trồng cà chua trong nhà lưới theo hướng liên kết với doanh nghiệp, mỗi vụ tôi thu về gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ khác trên địa bàn cũng có việc làm ổn định, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi rõ rệt.”
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và môi trường huyện, từ năm 2024 đến nay, thu nhập bình quân của các hộ tham gia mô hình sản xuất liên kết tăng từ 1,3 đến 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân chung của toàn huyện. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng được chính quyền các cấp quan tâm phát triển nhằm đa dạng hóa nguồn sinh kế, tăng việc làm cho người dân. Các sản phẩm OCOP như mật ong Sìn Hồ, dứa Nậm Tăm, chè Sà Dề Phìn... được quảng bá rộng rãi, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện toàn huyện có 21 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, thu hút hơn 600 lao động thường xuyên tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: “Huyện xác định phát triển kinh tế gắn với tạo việc làm là giải pháp căn cơ để ổn định dân cư, duy trì nguồn lực tại chỗ, đồng thời tạo động lực phát triển mới. Các mô hình kinh tế sẽ tiếp tục được nhân rộng, gắn chặt với đào tạo nghề và liên kết tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu trên quê hương mình".
Theo kế hoạch hết năm 2025, huyện Sìn Hồ phấn đấu tạo thêm việc làm mới cho khoảng 1.300 lao động, đào tạo nghề cho 600 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt trên 57%. Hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với tạo việc làm đang trở nên cấp thiết, không chỉ bảo đảm ổn định dân cư mà còn tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương









