

Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Ngọc Tú - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Chè đang dần trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại thu nhập, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện kế hoạch năm 2023, huyện tiến hành trồng mới 130ha giống chè PH8. Ngay từ đầu năm, trung tâm phối hợp với UBND các xã rà soát vùng, điểm có thể trồng. Đồng thời, vận động, tuyên truyền để bà con nắm được những chính sách hỗ trợ, thêm động lực, tự nguyện chuyển đổi mục đích sản xuất trên diện tích đất canh tác cây màu kém hiệu quả. Quá trình triển khai, chú trọng kiểm tra, đôn đốc đảm bảo các khâu đúng quy cách. Sau khi nghiệm thu quy trình làm đất mới tiến hành cấp cây giống, phân bón; hỗ trợ tiền khai hoang và chuyển đổi đất cho các hộ tham gia.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh Lò Văn Sơn ở bản Én Luông (xã Mường Than) lên đồi kiểm tra và chăm sóc diện tích chè bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài thời điểm đầu tháng 8. Anh Sơn chia sẻ: Thấy rõ hiệu quả kinh tế, tôi mạnh dạn chuyển đổi 5.000m2 đất trồng ngô sang trồng chè. Sau khi làm đất, gia đình được Nhà nước cấp 9.000 cây chè giống, hơn 2 tấn phân bón và 7,5 triệu đồng tiền chuyển đổi đất. Cán bộ địa chính - nông nghiệp xã, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên có mặt tại đồi hướng dẫn cách xuống giống, chăm sóc cây chè. Nhờ trồng đúng lịch thời vụ và kỹ thuật, mặc dù một số ít diện tích bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng nhanh chóng phục hồi và sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống đạt 95%.
Người dân bản Én Luông (xã Mường Than, huyện Than Uyên) chăm sóc chè trồng mới.
Còn với gia đình ông Hoàng Văn Sinh (cùng bản với anh Sơn) tham gia trồng 4.000m2 chè PH8, hiện tỷ lệ cây sống đạt 98%. Ông Sinh cho biết: “Giống chè PH8 phù hợp với điều kiện, khí hậu tại địa phương, dễ chăm sóc, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Qua khảo sát và trồng thực tế, chè PH8 cho năng suất, chất lượng cao hơn một số giống chè khác. Hy vọng, cây chè sớm cho thu hái để có thêm việc làm, thu nhập”.
Trên địa bàn xã Mường Than hiện có 26 hộ dân ở bản Én Luông tham gia trồng 11ha chè và hoàn thành sớm so với lịch xuống giống của huyện đề ra. Để có kết quả đó, xã khảo sát, tổ chức họp bàn, thống nhất lựa chọn các bản đủ điều kiện triển khai. Đến thời điểm này, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, bà con rất phấn khởi.
Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương tham gia trồng chè trên địa bàn huyện làm đất được 118ha, xuống giống 74ha. Trong đó, một số xã đã trồng xong như: Mường Than (11ha), Tà Mung (20,5ha), Ta Gia (1,5ha)… Theo lịch thời vụ, đến hết tháng 8 sẽ phải hoàn tất việc xuống giống. Tuy nhiên, theo anh Đỗ Ngọc Tú - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, trong thời gian trồng chè, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn, kéo dài; ảnh hưởng thiên tai làm sạt lở 3.000m2 chè mới trồng của người dân xã Tà Mung. Bên cạnh đó, một số tuyến đường lên vùng trồng chè của các xã: Khoen On, Pha Mu, Tà Hừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các điểm trồng chè xa khu dân cư, khó khăn vận chuyển giống, phân bón… Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã có các tuyến đường lên vùng trồng chè bị ảnh hưởng bởi thiên tai tăng cường vận động người dân khắc phục khó khăn, vận chuyển giống, phân bón bằng phương pháp thủ công. Đồng thời, khuyến khích bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi trồng chè, đảm bảo trồng đến đâu, cây sống tới đó.
Với nhiều giải pháp cùng sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn huyện, cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của người dân, tin rằng huyện Than Uyên sẽ thực hiện thắng lợi kế hoạch trồng chè mới, đảm bảo tiến độ đề ra.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









