

Vừa qua, đi qua đoạn đường quốc lộ 12 địa phận bản Nậm Pậy (thị trấn Phong Thổ), chúng tôi thấy từng tốp người trên lưng gùi chuối, gùi cây quế. Dừng trò chuyện, chúng tôi được biết, bà con đang thu hoạch chuối và chặt phá bỏ cây chuối để truyền sang trồng quế. Bởi, chuối giờ không đem lại thu nhập cao, không còn nhiều người thu mua nên chuyển đổi canh tác. Dừng tay, chị Lù Thị Iểng ở bản Nậm Pậy chia sẻ: Trước đây gia đình tôi trồng khoảng 4ha chuối. Từ bán chuối, 1 tháng thu được khoảng 15-20 triệu đồng. Chuối thu hoạch đến đâu đem bán cho thương lái tới đó, chứ không như bây giờ ít người mua. Có thời điểm còn không ai mua, chuối cắt về để thối. Vì vậy, gia đình tôi chỉ giữ lại khoảng 1ha trồng chuối, còn lại chặt bỏ cây chuối và đang đào hố trồng quế.
Cũng đang phát dọn cây chuối bên cạnh diện tích đất của chị Iểng, ông Lò Văn Tương ở cùng bản nói: Trước năm 2019, gia đình tôi trồng khoảng 4-5ha chuối, ngày nào các thành viên trong gia đình cũng cùng nhau đi chặt chuối bán cho thương lái tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng, thậm chí có người còn tới tận nhà, tận bản thu mua. Chỉ tính riêng năm 2019, có thời điểm gia đình tôi thu về khoảng 40-50 triệu đồng/tháng từ bán chuối. Nhưng từ cuối năm 2020 tới nay, giá chuối giảm liên tục, cả tháng bán chuối chỉ thu về 2-3 triệu đồng mà còn không có người mua. Chán nản, gia đình tôi chặt bỏ cây chuối chuyển sang trồng ngô được nửa năm nay.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi tới gia đình ông Trần Văn Phủ - Trưởng bản Nậm Pậy. Ông Phủ cho biết: Nậm Pậy từng là địa phương trồng nhiều chuối nhất của thị trấn Phong Thổ với khoảng 120ha, 100% hộ trong bản trồng nhưng nay còn khoảng 80ha trồng chuối. Thời điểm năm 2017-2019 là giữ giá và giá thu mua chuối cao nhất, từ 21-22 nghìn đồng/kg, thương lái tới thu mua tận bản hoặc bà con tự chở đi bán tại khu vực Cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Li Pho) để xuất sang Trung Quốc. Từ bán chuối có gia đình thu về khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Nay giá chuối thu mua giảm liên tục chỉ còn khoảng 8-9 nghìn đồng/kg. Có những thời điểm giảm mạnh chỉ 4-5 nghìn đồng/kg.
Cán bộ thị trấn Phong Thổ tuyên truyền, vận động người dân bản Nậm Pậy chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối.
Ánh mắt nhìn xa xăm có đôi chút buồn bã, ông Trần Văn Phủ - Trưởng bản chia sẻ với chúng tôi: Chuối từng là cây trồng chủ lực của nhân dân trong bản. Nhiều hộ khấm khá lên từ bán chuối, có người xây được nhà khang trang, mua sắm được xe máy, ôtô. Nhờ đó, thu nhập bình quân năm 2019 của bản khoảng 35-40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuối trồng ra không biết bán đi đâu vì Trung Quốc đóng cửa không thu mua mà các thương lái chỉ thu mua nhỏ lẻ không đáng kể. Chuối không biết bán ở đâu, cho ai vì không ai thu mua. Hiện, bà con đang bán cho các thương lái tại cầu chỗ chợ thị trấn nhưng cũng chỉ nhỏ lẻ, có thời điểm không ai mua, bà con để chuối chín rụng hoặc làm thức ăn cho vật nuôi còn không hết. Vì vậy, người trồng không còn “mặn mà” với cây chuối, dẫn đến diện tích chuối giảm nhiều, nhiều hộ dân phá bỏ diện tích trồng chuối chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: quế, ngô. Người dân trong bản vẫn mong muốn giữ và phát triển loại cây trồng này, nhưng với những khó khăn về giá cả, nơi tiêu thụ như hiện nay bà con đang hoang mang. Do đó, đoàn thể bản đã tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, tích cực chăm sóc, giữ gìn diện tích chuối hiện có. Mong muốn chính quyền, các cơ quan chuyên môn sớm có giải pháp khắc phục.
Mang theo những trăn trở của bà con bản Nậm Pậy tới chính quyền thị trấn Phong Thổ, chúng tôi được anh Đồng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ cho biết: Diện tích cây chuối trước đây trên địa bàn thị trấn Phong Thổ là hơn 200ha, nơi trồng nhiều nhất là bản Nậm Pậy. Thu nhập từ chuối là không thể phủ nhận khi nhiều gia đình khá lên, đời sống được nâng cao. Diện tích trồng chuối giảm do nhiều nguyên nhân như: giá cả thị trường không ổn định, bà con lao đao vì giá thu mua chuối lên xuống bất thường nhưng cơ bản là giảm mạnh, giá thành thu mua rẻ; đầu ra không đảm bảo, thường xuyên và thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng chuối đã lâu năm nên cây bị thoái hóa; một số cây bị sâu bệnh nên diện tích trồng giảm. Hiện, thị trấn đang nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục bảo vệ, chăm sóc, giữ diện tích đang còn và mở rộng diện tích để tới đây thị trấn sẽ quy hoạch vùng trồng tập trung đảm bảo diện tích liên kết với các hợp tác xã ổn định đầu ra cho sản phẩm chuối.
Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng rớt giá và khó khăn về đầu ra của sản phẩm chuối là mong mỏi của người dân trồng chuối trên địa bàn thị trấn. Qua đó, để cây chuối vẫn là cây trồng chủ lực và là cây trồng thoát nghèo của bản Nậm Pậy nói riêng, thị trấn Phong Thổ nói chung. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









