Thứ ba, 10/12/2024, 00:22 [GMT+7]
"Đòn bẩy" đưa văn hóa - du lịch Lai Châu phát triển lên tầm cao mới

Bài 2: Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Thứ tư, 13/11/2024 - 09:52'
(BLC) - Việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã đưa phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, nhiều lễ hội được khôi phục và duy trì. Lai Châu được công nhận là địa phương tổ chức Tết độc lập nhiều nhất của Việt Nam; đời sống tinh thần của người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần thiết thực động viên nhân dân đẩy mạnh thi đua, lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài 1: Tạo đà cho Văn hóa - Du lịch Lai Châu phát triển

Để Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả thiết thực, với tổng nguồn vốn thực hiện cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc từ năm 2021-2023, thực hiện phân bổ vốn sự nghiệp cho lĩnh vực văn hóa với tổng kinh phí 309.928 triệu đồng, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, UBND các cấp đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng các văn bản cụ thể theo giai đoạn và hàng năm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Tỉnh Lai Châu đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di tích, đánh giá hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học; ban hành quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh. HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 59 đến cử tri trên địa bàn toàn tỉnh để việc thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo thời gian, cũng như các địa phương khác trong cả nước, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã dần bị mai một, chỉ còn lại trong hồi ức của những người dân. Kế thừa quan điểm trân trọng tinh hoa thuần phong mỹ tục đối với lễ hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt... Cái gì tốt, thì ta nên khôi phục và phát triển” (1), Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã được các địa phương và cử tri trên địa bàn tỉnh Lai Châu đẩy mạnh thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết thực.

Đến với Lai Châu, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều lễ hội đặc trưng, truyền thống của người dân địa phương, có những lễ hội gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ ở huyện Nậm Nhùn…

Niềm tự hào của người dân Lai Châu là tại huyện Nậm Nhùn có quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 110km về phía Tây Nam thuộc địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn). Đền thờ được dựng lên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Tại quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ có một di tích vô cùng quý báu đó là bia Lê Lợi. Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn đã khôi phục Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ nhằm ôn lại những trang sử truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, tri ân công đức của anh hùng dân tộc Vua Lê Thái Tổ - người đã có công to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cao cả của dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục, phát huy truyền thống lịch sử, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ.

Rời huyện Nậm Nhùn, đến với huyện Phong Thổ - nơi được mệnh danh là miền đất của những lễ hội, thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã khôi phục Lễ hội áp hô chiêng (Lễ hội gội đầu). Lễ hội gắn với câu chuyện kể về ngày xưa Nàng Han là con một người Thái nghèo đã giả trai đi đánh giặc, chiến thắng trở về vào ngày 30 tết, Nàng Han cùng quân lính nghỉ ngơi, tắm gội bên dòng Nậm Bó để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới.

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của Nàng Han, người dân nơi đây đã lập miếu thờ cúng nàng vào dịp lễ, tết và tổ chức nghi lễ gội đầu vào chiều 30 tết hàng năm để cầu mong nàng che chở, ban cho người dân sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và bản làng yên vui, mùa màng bội thu.

Đến với Lễ hội Nàng Han du khách sẽ được hòa mình vào phần lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của nàng. Còn tại phần hội du khách sẽ tham gia vào trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tung còn, tó má lẹ, én cáy, đi cà kheo; xem thi văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống và thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn, độc lạ của dân tộc Thái…

Còn rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Lai Châu như: Lễ hội Hạn Khuống của dân tộc Thái, Tết quả trứng của dân tộc Hà Nhì, Gầu Tào Cha của dân tộc Mông, Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú, Tú Tỉ của dân tộc Giáy, cúng bản của dân tộc Si La… được tỉnh Lai Châu quan tâm bảo tồn, phát huy và được cử tri trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu còn quan tâm tổ chức các hội thảo khoa học nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết 59, đồng thời thảo luận, rút ra bài học kinh nghiệm, thống nhất về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đạt chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Lựa chọn, xác định những giá trị văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ) có số lượng dân số đông, sinh sống thành cộng đồng để bảo tồn và phát huy; tổ chức 22 lớp truyền dạy về nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo hình trang phục - Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết.

Qua các hoạt động đó đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân địa phương và góp phần đưa việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đi vào cuộc sống một cách thiết thực, ý nghĩa, có tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của cử tri trên địa bàn tỉnh.

Than Uyên là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện hiệu quả Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh. Ông Lò Văn Hương, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Huyện Than Uyên đã ban hành Nghị quyết phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế…

Đó là một trong những kết quả nổi bật của việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu kết hợp với việc thực hiện các chính sách khác của tỉnh đã đạt được trong thời gian. Kết quả này là nền tảng để tỉnh Lai Châu thực hiện tốt hơn Nghị quyết 59 trong thời gian tiếp theo.

Cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học. Do vậy, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển mạnh mẽ, người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Hiện nay, toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn bản (tăng 20 đội so với năm 2020), trong đó có 864 đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ cấp xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Khi có các sự kiện ở địa phương, các đội văn nghệ tham gia tích cực đưa lời ca, tiếng hát, điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc đến với quần chúng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân miền biên viễn. Trong các hoạt động biểu diễn đã tiến hành trình diễn, bảo tồn 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đại diện của nhân loại, qua đó góp phần phát triển dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc, từ đó bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay trong đời sống cộng đồng.

Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan và các tỉnh khác để lập hồ sơ khoa học đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó là Nghệ thuật múa Xòe và Then dân tộc Thái.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, phục vụ giáo dục truyền thống, phát huy giá trị di sản được UNESCO công nhận. Hiện toàn tỉnh có 32 di tích, 27 di tích cấp tỉnh, 05 di tích cấp quốc gia.

Thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người” cộng với quan điểm thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, thực hiện Nghị quyết 59, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học. Khi được đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như các hoạt động thực tế, các học sinh dân tộc đã tự tin và rất tự hào khi mặc những bộ trang phục truyền thống đến trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Đến nay, 100% các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trường học, xây dựng được không gian văn hóa (hoặc góc trưng bày các sản phẩm văn hóa) các dân tộc tiêu biểu; 45 trường học (20% trường phổ thông toàn tỉnh) thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc đã mang lại hiệu quả, thiết thực.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Huyện Than Uyên chỉ đạo 100% trường học tổ chức 1 buổi sinh hoạt chung giữa giờ với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc cho học sinh, tổ chức trình diễn trang phục dân tộc tại phố đi bộ nhân dịp 2/9 và Tết dương lịch, tạo mã quét QR để giới thiệu thông tin về các sản phẩm trưng bày trong không gian văn hóa của nhà trường.

Đối với các trường học trên địa bàn huyện Mường Tè, huyện xa nhất của tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả hoạt động biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc thiểu số và từ tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng phổ thông với một số loại hình văn hóa dân gian và sáng tạo trong hoạt động của câu lạc bộ như: Lập sổ tay tiếng Si La ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Can Hồ, sổ tay từ điển Anh - Việt - Hà Nhì ở Trường THCS thị trấn Mường Tè; kịch hóa các tác phẩm văn học dân gian dân tộc qua những buổi sinh hoạt chuyên môn cụm Trường PTDTBT TH&THCS Tá Bạ; sưu tầm, dịch, biểu diễn các bài dân ca Hà Nhì sang tiếng phổ thông ở Trường PTDTBT THCS Mù Cả; chuyển thể truyện dân gian dân tộc Hà Nhì sang video, truyện tranh ở Trường PTDTBT TH&THCS Can Hồ...

Còn Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Lai Châu đã phục dựng lễ hội truyền thống của một số dân tộc (Lễ cướicủa dân tộc Dao, tết của dân tộc Hà Nhì...), tổ chức hội thi ẩm thực giới thiệu về món ăn truyền thống của các dân tộc ông, Thái, Hà Nhì, Giáy, Dao và tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thêu các họa tiết đặc trưng của dân tộc trên các sản phẩm khăn, túi, áo...

Các hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền, hướng dẫn và giáo dục học sinh về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc thuận lợi hơn; học sinh có không gian để học tập và trải nghiệm về văn hóa truyền thống các dân tộc.

Với các hoạt động cụ thể, thiết thực, Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã đưa dòng chảy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng đi sâu hơn vào cuộc sống, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy và đưa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vào trong cuộc sống một cách linh hoạt, tinh tế hơn, góp phần đưa văn hóa Lai Châu nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung hòa nhập, phát triển cùng văn hóa thế giới.

(1) Đại học Quốc gia Hà Nội: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr. 161 - 162

(còn nữa)

Kim Anh - Văn phòng UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...