Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa
Theo số liệu thống kê của Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện), bắt đầu vào mùa mưa, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhập 60 - 65 bệnh nhân điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân điều trị tại khoa liên quan đến các bệnh do mùa mưa như: sốt mò, cúm, viêm da mủ, tiêu chảy, viêm đường hô hấp... Trong đó, có bệnh đặc biệt nguy hiểm là sốt mò, viêm da mủ.
Điển hình như trường hợp của anh Vừ A Dong (bản Noong Quang, xã Khoen On) cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện vào ngày 23/6 trong tình trạng sốt cao từ 39 - 400C, cơ thể mệt mỏi, huyết áp tụt, mạch nhanh. Sau khi xét nghiệm, anh được chẩn đoán bị bệnh sốt mò. Do đó, bác sỹ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu và truyền dịch hạ sốt nhằm nâng cao sức đề kháng. Sau 10 ngày, sức khỏe của anh Dong đã ổn định.
Anh Dong chia sẻ: “Sau khi làm nương về, tôi thấy cơ thể mệt mỏi và sốt, cứ nghĩ là bị cảm, sốt thông thường nên chủ quan không đi khám. 2 hôm sau cơ thể sốt cao liên tục, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người, không ăn uống được gì gia đình mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện khám, được chẩn đoán nhiễm bệnh sốt mò, bệnh này để lâu rất nguy hiểm, may mà tôi vào viện kịp thời”.
Theo bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, những trường hợp bị bệnh sốt mò nếu để lâu vết đốt sẽ loét ngoài da, phát ban, sưng hạch, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh này rất nguy hiểm và thường gặp vào mùa mưa. Để phòng bệnh người dân cần thường xuyên phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt mò xung quang nhà. Khi đi làm nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay, đi ủng hoặc tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc bôi kem diệt mò vào vùng cẳng chân, bàn chân.
Ngoài bệnh sốt mò, vào mùa mưa, nhiều người thường mắc một số bệnh nguy hiểm như: viêm da mủ, tiêu chảy… ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tiêu biểu như cháu Phùng Đăng Khoa (8 tuổi ở bản Xuân Phương, xã Mường Than) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Mới đầu chân, tay cháu chỉ mọc vài mụn nước, bố mẹ nghĩ con bị mụn ngứa bình thường nên chỉ mua thuốc về uống. Nhưng uống thuốc được mấy hôm không thấy khỏi, các mụn nước mọc nhiều hơn, có mủ và chảy dịch. Lo sợ con mắc bệnh nguy hiểm, gia đình đưa cháu Khoa vào Trung tâm Y tế huyện khám thì được biết cháu Khoa mắc bệnh viêm da mủ phải nhập viện điều trị.
Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Than Uyên) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Vừ A Dong.
Từ đầu tháng 5 đến nay số bệnh nhân đến điều trị các bệnh liên quan đến mùa mưa tại Trung tâm Y tế huyện tăng khoảng 10 - 15%, chủ yếu là các bệnh: sốt mò, tiêu chảy, viêm da mủ, viêm đường hô hấp… Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhất là trong đợt mưa, lũ, bác sỹ chuyên khoa I Vũ Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Ngay từ đầu tháng 6, trung tâm đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân cách vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân… khi xảy ra thiên tai, bão, lũ. Đồng thời, tổ chức 40 buổi giám sát dịch bệnh tại các bản, khu dân cư trên địa bàn huyện. Cung cấp 25kg cloramin B, 1.000 viên Aquatabs 67mg cho các trạm y tế xã để sẵn sàng xử lý môi trường và nước sinh hoạt nếu xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân để phòng bệnh vào mùa mưa nên lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; ăn thức ăn nấu chín, nước đun sôi, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng nhằm tạo sức đề kháng. Rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô khi tiếp xúc với nước bị nhiễm bẩn. Thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước; loại bỏ các phế thải như: chai, lọ, chum… để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ cả ban ngày. Mang khẩu trang mỗi khi ra đường, nơi đông người. Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi, mắt khi ra ngoài đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, chất gây ô nhiễm. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh và tự ý mua thuốc về dùng khi mắc phải một số bệnh thường gặp trong mùa mưa, điều đó khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Khi có biểu hiện sức khỏe không tốt cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Ánh Hồng
Bình luận