

Địa hình của Tả Phìn không bằng phẳng, khí hậu khắc nghiệt, trình độ canh tác lạc hậu… khiến cái đói, cái nghèo đeo bám nhiều hộ dân. Đói nghèo thường gắn liền với biết bao hệ lụy trong đời sống vật chất, tinh thần, an ninh trật tự địa phương. Đổi thay điều đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã trăn trở, tìm lời giải cho “bài toán khó”. Tăng cường truyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc” là giải pháp đầu tiên cả hệ thống chính trị của xã nỗ lực vào cuộc.
Theo đó, cán bộ, công chức xã tăng cường về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu phát triển mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả, rau vụ đông. Quy hoạch bãi chăn thả, đầu tư con giống, thay đổi phương thức chăn nuôi. Để bà con tin, làm theo, cán bộ, đảng viên tiên phong nói trước, làm trước; chú trọng biểu dương điển hình tiên tiến trong đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế hiệu quả của địa phương.
Anh Tẩn A Khé - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thời gian đầu, công tác dân vận của địa phương khá khó, bởi bà con có tư tưởng nếu thoát nghèo sẽ không còn được Nhà nước hỗ trợ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi tích cực bám cơ sở, cùng làm, cùng ở với bà con, từ đó vừa vận động vừa hướng dẫn, động viên, nhất là khơi dậy tinh thần xung kích của tuổi trẻ xã nhà. Từ đó, nghèo đói dần đẩy lùi, bản làng đổi thay.
Người dân xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ) đầu tư phát triển chăn nuôi.
Xây dựng cuộc sống mới, người dân ở 9 bản của xã tích cực thi đua sản xuất. Ruộng, nương dưới bàn tay của người nông dân và máy móc đã tạo ra những giống lúa, ngô chất lượng, diện tích gieo trồng ngày càng nâng lên, đưa năng suất cây trồng đạt từ 33-47 tạ/ha, sản lượng gần 2.000 tấn/năm, không chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình còn bán ra thị trường và có giống cho mùa vụ sau. Bà con cải tạo đất trồng cây có giá trị kinh tế cao như: sâm đương quy, atisô, cây ăn quả ôn đới. Nhiều bản còn hình thành vùng chăn nuôi tập trung đại gia súc, mô hình gia trại với số lượng lớn. Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, số lượng vật nuôi của xã tăng nhanh, với 2.515 con gia súc, gần 12.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn đạt 5%/năm.
Chị Phùng Mỹ Quai (bản Bành Phán) chia sẻ: Được cán bộ xã tuyên truyền, tôi và dân bản thay đổi nhận thức, mạnh dạn đầu tư làm kinh tế. Đặc biệt, được tiếp cận các nguồn vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi mới, máy móc hiện đại giúp sản xuất thêm hiệu quả. Gia đình tôi đầu tư nuôi lợn, bán hàng tạp hóa, mỗi năm thu nhập gần 150 triệu đồng.
Đồng hành trong sự đổi thay về tư duy sản xuất của nhân dân, ngoài chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể xã tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn huyện cho hội viên, đoàn viên vay vốn ưu đãi; xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát nhu cầu và mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện mô hình sản xuất điểm. Đồng thời, khuyến khích lao động nông thôn tham gia xuất khẩu lao động, làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Phát huy ưu thế có các điểm du lịch nổi tiếng như: núi Đá Ô, động Ông Tiên và nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Mông, Dao, xã vận động nhân dân thành lập các đội văn nghệ, khôi phục và duy trì tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian, nghề truyền thống... gắn với phát triển du lịch. Ước hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 35%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng (lần lượt giảm 5,6% hộ nghèo, tăng 3 triệu đồng so với năm 2022).
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









