

Cụ thể, tối ngày 6/9, cháu Nguyễn Tấn Phát (hơn 3 tuổi) con trai của anh Nguyễn Việt Dũng ở bản Thành Công chơi gần nhà thì bị một con chó vô chủ cắn ở chân. Sau khi phát hiện con trai bị chó lạ cắn, gia đình anh Dũng đã nhanh chóng xử lý vết thương như: rửa bằng xà phòng đặc, rửa vết cắn dưới vòi nước chảy và sát khuẩn bằng cồn. Đồng thời, gia đình anh Dũng đã tìm, nhốt giữ chó để tiện theo dõi. Sáng ngày 7/9, con chó có hiện tượng chán ăn, mệt mỏi và chết ngay sau đó. Anh Dũng cho biết: Sau khi con chó bị chết, gia đình tôi đã báo với UBND xã để có phương án xử lý kịp thời; đồng thời đưa con đi khám, tiêm vắc-xin phòng dại. Qua đây tôi cũng mong muốn các gia đình nuôi chó cần quản lý chặt chẽ, hãy nghĩ đến tính mạng và sự an toàn của người khác.
Sau khi nhận tin báo từ gia đình anh Nguyễn Việt Dũng, UBND xã San Thàng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) thành phố đến gia đình anh Dũng xác nhận và lấy dịch tễ gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm. Đến ngày 12/9, đơn vị đã nhận được kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với virus dại.
Thú y viên xã San Thàng tiêm vắc-xin phòng dại cho chó nuôi tại gia đình ở bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu).
Anh Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu hủy chó theo quy định và tổ chức khoanh vùng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt mầm bệnh tại gia đình anh Dũng và các hộ lân cận. Chỉ đạo thú y viên tập trung rà soát, tiến hành tiêm vắc-xin phòng dại bổ sung đối với đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng dại năm 2023. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh dại chó, mèo trên địa bàn xã, đặc biệt đối với đàn chó tại bản Thành Công. Cùng với đó, UBND xã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai lập sổ theo dõi, quản lý đàn chó, mèo và xử lý nghiêm các trường hợp thả rông chó, mèo theo quy định. Trạm Y tế xã đã tiến hành điều tra các trường hợp người bị chó cắn để tuyên truyền, vận động người dân bị phơi nhiễm đi tiêm vắc-xin phòng dại; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng trong việc tham gia các biện pháp phòng, chống bệnh dại; chủ động, thông báo tình hình bệnh đến từng hộ dân và cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Hiện nay, bệnh dại là một trong những bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị nếu như phát bệnh. Tuy nhiên, một trong những tình trạng vẫn xảy ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố Lai Châu đó là việc thả rông chó, mèo. Mặc dù các phòng chuyên môn thành phố và UBND các xã, phường nhiều lần tuyên truyền, ra quân vây bắt, xử lý nhưng tình trạng thả rông chó, mèo vẫn không triệt để, một số hộ dân nuôi chó, mèo chưa thực hiện nghiêm theo quy định. Nếu dạo quanh thành phố Lai Châu ở bất kỳ thời điểm nào, đều không khó bắt gặp hình ảnh chó, mèo thả rông trên các tuyến đường. Không chỉ cắn người, nhiều con chó còn chạy nhảy, nô đuổi nhau gây tai nạn cho nhiều người khi tham gia giao thông.
Đầu tháng 2 vừa qua, trên địa bàn phường Tân Phong cũng ghi nhận một trường hợp chó vô chủ cắn và chết không rõ nguyên nhân. Sau đó, UBND phường cũng phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu và phát hiện chó bị nhiễm virus dại. Nếu không phát hiện kịp thời, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với những trường hợp bị chó dại cắn.
Anh Mai Hoàng Nghị - Phó Giám đốc Trung tâm DVNN thành phố Lai Châu cho biết: Hiện, trên địa bàn thành phố có 5.520 con chó, mèo. Hằng năm tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại đạt trên 97%. Đầu năm dịch dại xuất hiện trên địa bàn 3 phường: Quyết Tiến, Đoàn Kết, Tân Phong và đã được khống chế. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện dịch bệnh dại trên địa bàn xã San Thàng. Dịch dại vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó trung tâm đã phối hợp với các xã, phường tổ chức tuyên truyền tới bà con về các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại; yêu cầu các chủ vật nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Đặc biệt, khi bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp, tránh gây hậu quả đáng tiếc.
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









