

Đồng chí Lưu Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Hàng năm, sở xây dựng kế hoạch, chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê người mù chữ, tái mù chữ; huy động tối đa người mù chữ đi học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai, tổ chức các lớp XMC đảm bảo hiệu quả. Cập nhật dữ liệu phổ cập giáo dục, XMC trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, XMC của Bộ GD&ĐT…”.
Chung tay với ngành GD&ĐT, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; ban hành chính sách về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ đặc thù nhằm hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục XMC vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, học viên không phải đóng học phí, được hỗ trợ sách, bút trong suốt thời gian học. Riêng năm học 2022 - 2023, trong tổng số 5.146 người tham gia học các lớp XMC đã có 1.359 học viên được công nhận hoàn thành chương trình XMC.
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nùng Nàng (huyện Tam Đường) hướng dẫn học viên lớp xóa mù chữ kỳ 4 - 5 bản Phan Chu Hoa đọc đoạn văn.
Khi màn đêm buông xuống, những tiếng đọc chữ của học viên lớp XMC vang khắp các bản vùng cao trên địa bàn tỉnh. Điểm chung là tất cả học viên là lao động chính trong gia đình, buổi tối mới có thể đi “tìm con chữ”. Để có được số lượng học viên đó là nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ của các thầy, cô giáo. Tùy theo đặc thù từng dân tộc, vùng, miền, mỗi thầy, cô sử dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhờ vậy, học viên dễ tiếp thu bài và từng bước tiến bộ, duy trì việc đến lớp. Chị Ma Thị Sang (học viên lớp XMC kỳ 4, 5 ở bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn, không được đi học nên không biết chữ. Từ năm 2022 đến nay, tôi đăng ký tham gia các lớp XMC kỳ 1, 2, 3 và 4, 5 tại bản. Thầy, cô tận tình chỉ bảo, tôi đã biết đọc, biết viết, làm các phép tính nên tự tin trong cuộc sống, giao tiếp và phát triển kinh tế gia đình. Cảm ơn các thầy, cô nhiều lắm!”. Được biết, chị Sang chỉ là 1 trong số 356 học viên tham gia 17 lớp XMC do Phòng GD&ĐT huyện Tam Đường tổ chức trong năm học 2022 - 2023.
Huyện Mường Tè có 13 xã, thị trấn với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc La Hủ, Mảng có tỷ lệ người dân không biết chữ khá cao. Xác định tổ chức các lớp XMC có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng nghĩa, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước khi được truyền tải sẽ được người dân tiếp thu đầy đủ, chính xác nhất, góp phần quan trọng củng cố niềm tin với Đảng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT huyện đã mở 32 lớp XMC với 636 học viên tham gia.
Các lớp XMC đã và đang góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục xác định công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và còn khó khăn, rất cần các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tiếp tục vào cuộc, đồng hành và sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ giáo viên, học viên.
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









