

Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung (huyện Than Uyên) có 579 học sinh ở 22 lớp. Làm nhiệm vụ "gieo chữ", "trồng người" trên địa bàn xã có phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống còn rất nhiều khó khăn lại vừa xảy ra trận mưa lũ làm thiệt hại lớn về người và tài sản, vì vậy, nhà trường xác định vận động học sinh đến lớp là việc không mấy dễ dàng.
Thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung vận động phụ huynh cho con đến lớp.
Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động phụ huynh quan tâm tới việc học của con em mình. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách, vở cho các em học sinh, nhu yếu phẩm cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Đến nay, tỷ lệ chuyên cần học sinh của trường đảm bảo kế hoạch đề ra.
Năm học này, xã Tà Mung có 1.412 học sinh (mầm non: 376 học sinh, tiểu học: 579 học sinh, THCS: 457 học sinh). Trong đó, có một số em sinh sống ở các bản bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai và giao thông đi lại rất khó khăn như: Nậm Mở, Tu San, Đán Tọ... Với phương châm "Không để học sinh bỏ học rồi mới đi vận động trở lại trường", các trường trên địa bàn xã chủ động xây dựng kế hoạch vận động, nhắc nhở học sinh đến trường. Các thầy, cô giáo đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp.
Một buổi học Tiếng Việt của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung.
Bên cạnh đó, nhằm tạo hứng thú cho học sinh, các trường chỉ đạo giáo viên thực hiện giảng dạy gắn với các hoạt động văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian. Qua đó, tạo môi trường thân thiện, thư giãn, gần gũi giữa thầy, cô và học trò. Đồng thời, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của học sinh, nhất là học sinh bị thiên tai để kịp thời động viên, giúp đỡ.
Hiện nay, huyện Than Uyên có 35 trường học, với gần 18.000 học sinh. Để đảm bảo sĩ số ngay từ những ngày đầu năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tăng cường vận động học sinh đến trường. Phân công cụ thể từng giáo viên rà soát, nắm bắt tư tưởng, hoàn cảnh của từng em học sinh. Phát huy và tạo các mối quan hệ mật thiết giữa phụ huynh với cán bộ, giáo viên, đặc biệt chú trọng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ bỏ học. Phát động các phong trào thi đua trong đội ngũ giáo viên bằng các việc làm thiết thực như: quyên góp, kêu gọi giúp học sinh khó khăn về quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu… để các em yên tâm học tập.
Cùng với đó, xây dựng môi trường trong, ngoài lớp học theo hướng mở và đảm bảo tính thẩm mỹ, an toàn, phù hợp với hình thức học và các hoạt động trải nghiệm của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với những nỗ lực của các thầy, cô giáo và sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến thời điểm này tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học trên địa bàn huyện Than Uyên đạt kết quả cao.
Những giải pháp huy động học sinh ra lớp phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể mà huyện Than Uyên đã và đang triển khai, có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Qua đó, góp phần đưa ngành Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm học mới 2023 - 2024, đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo tại địa phương.
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









