Thứ bảy, 27/04/2024, 01:27 [GMT+7]

Xử lý dứt điểm rác thải khu vực Cửa khẩu Ma Lù Thàng

Thứ tư, 27/06/2018 - 10:22'
(BLC) - Thời gian gần đây, tình trạng phế phẩm nông sản, nhất là rác từ chuối bị hỏng, cùi chuối thừa của các hộ dân, doanh nghiệp thu mua tại Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) tiếp tục tái diễn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua chuối cho nông dân lại thu gom phế phẩm của chuối mang ra ngoài khu vực Khu kinh tế để đổ. Đặc biệt từ khu vực Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng đến trạm gác parie Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Có tiểu thương lại ngang nhiên tổ chức thu gom chuối ngay đầu cầu khu vực bản La Sa Phì, xã Huổi Luông rồi đổ phế phẩm xuống cạnh sông Nậm Na.  

Phế phẩm từ chuối được xả ngay xuống ven sông Nậm Na gây mất mĩ quan, ảnh hưởng môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bản Pa Nậm Cúm (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ), nhiều điểm đổ rác thải từ chuối không được xử lý ngay cạnh sông Nậm Na. Chị Lý Thị Hoa (bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho) chia sẻ: “Bãi rác này hình thành hơn 1 tháng, tôi thường ra đây để nhặt những quả chuối thải loại về nấu cho gia súc. Với người đi đường, mùi bốc lên rất khó chịu, khi trời mưa, nước bẩn từ bãi rác trực tiếp trôi xuống dòng Nậm Na”.  

Sinh sống gần bãi đổ chuối thải loại, bà Lò Thị Khún (bản Pa Nậm Cúm) bức xúc: “Rác thải từ chuối đổ ở đây đã hơn 1 tháng là của Hợp tác xã Phương Sinh (huyện Phong Thổ). Mỗi buổi chiều đều có 2 xe ôtô mang rác thải về đổ xuống ven sông. Cứ có gió là mùi chất thải bốc lên rất khó chịu”.

Cách đó không xa, dọc theo tuyến đường vào khu vực Trạm kiểm soát liên ngành Cửa khẩu, nhiều điểm đổ phế thải từ chuối cũng hình thành. Ngay tại đầu cầu (nối liền Khu kinh tế với xã Huổi Luông), một điểm tập kết chuối được dựng lên. Ông chủ không ai khác chính là các tư thương bên Trung Quốc sang thu mua. Điều đáng nói, rác thải từ chuối sau khi tiến hành cắt, đóng gói được xả ngay xuống cạnh sông Nậm Na thành từng lớp đen kịt, ảnh hưởng đến môi trường. Hoạt động đã lâu nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý hay giải quyết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động thu mua chuối diễn ra tại khu vực Cửa khẩu giữa doanh nghiệp Trung Quốc và người dân khá đông. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng trăm tấn chuối được mua - bán nên phế phẩm theo đó tăng lên. Do vậy, từ tháng 4/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã đồng ý chủ trương cho 3 Hợp tác xã: Phương Sinh, Hoan Hùng, Việt-Trung (huyện Phong Thổ) xin mượn mặt bằng để làm điểm mua bán chuối và sắp xếp phương tiện vận tải hàng hóa trong Cửa khẩu. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cam kết thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực Cửa khẩu, rác thải tại điểm thu mua chuối được dọn vệ sinh hàng ngày và đưa đi xử lý. Trong đơn xin mượn mặt bằng, các đơn vị cũng cam kết đưa ra phương án xử lý rác thải, phế phẩm từ chuối. Riêng Hợp tác xã Việt - Trung cam kết xử lý phụ phẩm từ chuối bằng phương pháp chế phẩm sinh học thành phân vi sinh.

Anh Vũ Văn Mạnh - Giám đốc Hợp tác xã Việt Trung chia sẻ: “Bãi tập kết của đơn vị mục đích để tập trung bà con cư dân biên giới trao đổi, mua bán chuối vào một khu vực để ổn định, tránh thu mua nhỏ lẻ tự phát, thương nhân Trung Quốc ép giá. Hợp tác xã cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực Cửa khẩu, rác thải dọn dẹp, xử lý theo quy định”.

Qua trao đổi với Hợp tác xã Phương Sinh, do không có bãi rác nên bất khả kháng đơn vị phải mua đất tại địa phận km2 (bản Pa Nậm Cúm) nằm sát bờ sông Nậm Na để đổ phế phẩm chuối. Cũng trong đơn xin mượn đất mặt bằng của Hợp tác xã, đơn vị cam kết sẽ xử lý, chôn lấp rác thải là phế phẩm chuối đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo đại diện Hợp tác xã, đơn vị đã được cấp sổ đỏ nên có thể đổ rác tại địa phận đất đã mua song không có phương án xử lý hay chôn lấp. Đối với Hợp tác xã Hoan Hùng cam kết đảm bảo môi trường từ bãi thu mua chuối nhưng phương án xử lý phế phẩm cũng không có.

Về vấn đề cấp sổ đỏ cho Hợp tác xã Phương Sinh, ông Tẩn Chỉn Hùng - Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tiến hành rà soát và đề nghị cấp sổ đỏ cho Hợp tác xã Phương Sinh. Hiện nay, chúng tôi phát hiện việc một số đơn vị đổ rác thải xuống cạnh sông và đang chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuyên truyền, xử lý”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: “Hiện nay, hoạt động kinh doanh chuối của người dân, doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, Ban cho các Hợp tác xã mượn đất tự tổ chức thu mua chuối và có cam kết giữ an ninh trật tự, đảm bảo môi trường, cạnh tranh lành mạnh. Do diện tích đất Khu kinh tế chật hẹp nên việc bố trí các bãi rác không đáp ứng về quy mô cũng như vệ sinh môi trường. Về việc Hợp tác xã vận chuyển ra khỏi Khu kinh tế nhưng đổ chưa đúng quy định, Ban sẽ mời các đơn vị lên làm việc cụ thể. Ban cũng đề nghị tỉnh quan tâm bố trí bổ sung kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường để Ban hợp đồng Hợp tác xã vận chuyển rác thải ra khu vực bãi rác huyện Phong Thổ”.

Chuyện rác thải, phế phẩm từ chuối không chỉ cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương mà hơn hết là quy hoạch được bãi rác, nâng cao ý thức chấp hành cho các hợp tác xã thu mua chuối đảm bảo vệ sinh môi trường và xử lý rác thải đúng quy định.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...