Thứ sáu, 03/05/2024, 15:22 [GMT+7]

Căn phòng trong góc

Thứ tư, 30/08/2023 - 15:11'
Để đạt được mục tiêu 100% hệ thống trường học phải có văn phòng tham vấn học đường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là việc không hề đơn giản. Mở ra một văn phòng không khó, nhưng vận hành và chất lượng hoạt động thế nào mới là thử thách lớn.

Buổi tham vấn giữa Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam với bác sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi Trung ương.

Buổi tham vấn giữa Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam với bác sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi Trung ương.

Phải cố gắng thôi!

Nằm khiêm tốn ở góc trong cùng của tầng ba, tòa nhà văn phòng, thư viện là phòng tư vấn tâm lý nơi cô Phạm Thị Bích Hồng thường xuyên túc trực để lắng nghe tâm sự của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Giải thích về vị trí khuất và xa xôi của phòng tư vấn, cô Hồng nói: "Vì một trẻ có vấn đề cần tâm sự sẽ không thích bị quá nhiều người chú ý, nơi này có thể xem như một căn cứ bí mật để các em giải tỏa những vấn đề khó nói".

Phòng tư vấn tâm lý trường Amsterdam được đưa vào hoạt động từ năm 2019, tức là hai năm sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, Ban Giám hiệu nhà trường cùng cô Hồng hiểu rằng với đề bài mới, chưa có chủ trương cụ thể, tìm kiếm mọi nguồn lực hỗ trợ là cần thiết.

Kể về những ngày đầu chuẩn bị và xây dựng phòng tư vấn tâm lý, cô Hồng khẳng định, tất cả giáo viên cùng Ban Giám hiệu đều đã nỗ lực rất nhiều. Không có ngân sách dành cho phòng tư vấn, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm thật sự rất khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhiều kiến thức chuyên sâu về công tác xã hội các thầy cô phải tự mày mò, học hỏi.

"Nhờ một vài cựu học sinh chúng tôi có thể liên hệ với TS Trần Thị Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để được chị tập huấn nhanh 10 buổi và hỗ trợ xây dựng quy trình vận hành phòng tư vấn. Sau đó, khi đã hình dung được một căn buồng tư vấn tâm lý cần được trang trí bày biện như thế nào, chúng tôi lại đi khắp trường để gom đồ về cho đủ", cô Hồng bồi hồi nhớ lại hành trình các thầy cô tâm huyết tạo dựng nên căn phòng hôm nay.

Chung nỗi trăn trở của những ngày mày mò mở văn phòng tâm lý, cô Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đình kể lại: "Ban Giám hiệu nhà trường hoàn toàn hiểu được phòng tư vấn tâm lý cho học sinh là hết sức cần thiết, nên ngay khi mới được bàn giao cơ sở vật chất, đã dành ra không gian cho phòng tham vấn. Tuy vậy, khi cựu học sinh của tôi, đang là chuyên gia tư vấn cho một trường dân lập đồng ý đến giúp đỡ trường, đã phải thốt lên, thế này thì còn quá nhiều thứ cần thay đổi! Thí dụ như, tủ sách phải là gỗ không nên là sắt, và căn phòng cần thêm nhiều nội thất để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp hơn cho học sinh,… Nhưng với điều kiện hiện nay, nhà trường khó mà đầu tư bài bản được như thế".

Phần lớn các trường công lập đang triển khai xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường đều gặp phải những khó khăn như vậy.

Những bối rối

Theo báo cáo hoạt động Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, sáu tháng đầu năm 2023, tỷ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở các nội dung liên quan đến quan hệ ứng xử (giữa cha mẹ và con cái, học sinh với thầy cô), tăng 11,7% so 10% trong sáu tháng năm 2022; sức khỏe tâm lý tăng 3,5% so 2,3% cùng kỳ năm trước.


Khảo sát một số học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, các bạn rất quan tâm và mong muốn được chia sẻ nhưng không tìm đến văn phòng tư vấn tâm lý của nhà trường vì nhiều nguyên nhân. Em Tống Khánh Linh, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Văn Hiến, chia sẻ: "Trường em có phòng tư vấn nhưng chẳng học sinh nào đến đó nhờ tư vấn cả. Nơi đó, phần lớn cũng luôn đóng cửa, do giáo viên bộ môn phải kiêm nhiệm nên các cô rất bận".

Để giải quyết vấn đề chưa có biên chế chính thức dành cho vị trí phụ trách tham vấn tâm lý, các trường theo hướng bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Thế nhưng, chưa nói đến việc tập huấn, đào tạo kỹ năng cho giáo viên kiêm nhiệm, bản thân các giáo viên cũng phải chịu sức ép quá lớn với lịch giảng dạy môn chính của mình. Cô Nguyễn Thu Hà cho biết, "Hiện giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý là giáo viên dạy môn Sinh học. Do tình trạng thiếu giáo viên nên một tuần cô đã phải dạy đến hai mươi mấy tiết, rất khó để dành thời gian cho phòng tư vấn".

Cũng gặp phải khó khăn tương tự trong việc cân đối công việc, cô Phạm Thị Bích Hồng bày tỏ: "Lịch trực của mình tại phòng tư vấn là chiều thứ tư hằng tuần, nhưng tư vấn tâm lý mà, đâu thể biết trước lúc nào các em cần đến mình. Có những ngày, nửa đêm rồi vẫn có học sinh gọi cho mình, không thể bỏ rơi các con, nhưng những lúc như vậy thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống của mình rất nhiều!".

Trên thực tế, nhu cầu chia sẻ vào tối muộn của các em là điều không mới. Trong báo cáo của Tổng đài 111 cũng nhấn mạnh "Các em ở độ tuổi từ 10 đến 16 tuổi thường gọi đến tổng đài vào khung giờ từ 22-24 giờ khi các thành viên khác trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong các mối quan hệ ứng xử".

Em Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 9A Trường THCS Lê Lợi lại nêu lên một vấn đề khác, nhưng cũng là băn khoăn của nhiều học sinh: "Dù biết là nhà trường mời chuyên gia thứ năm hằng tuần về tư vấn cho học sinh, nhưng em chưa từng đến tư vấn tại văn phòng. Phần lớn các bạn đến đó là theo lịch hẹn khi giáo viên chủ nhiệm nhận thấy các bạn có vấn đề".

Các em có nhu cầu, song vì sao vẫn không chọn giải pháp đến phòng tư vấn? Sau bốn năm đồng hành cùng các bạn học sinh, cô Hồng phân tích: "Giáo viên chủ nhiệm gửi các con tới phòng tư vấn tâm lý cũng là cách làm hay. Nhưng để giúp được các con, chất lượng hoạt động của phòng tư vấn là điều quyết định. Nếu tư vấn hiệu quả, tự các con sẽ quay lại, thậm chí là rỉ tai nhau để các bạn khác tìm đến… Cách thức đó hiệu quả hơn bất cứ phương pháp truyền thông nào!".

Về phía phụ huynh, nhiều gia đình cho biết gặp khó khăn trong việc giao tiếp với con cái, và thường kỳ vọng giáo viên chủ nhiệm có thể là một kênh để giúp chia sẻ và hiểu con hơn. Nhưng không phải lúc nào nhà trường và gia đình cũng thiết lập được kênh thông tin hiệu quả và sự hợp tác tốt trong việc giúp các em vượt qua những rối nhiễu tâm lý. Về vấn đề này, cô Hồng chia sẻ thêm: "Thời gian đầu khi nhà trường phát các bảng phiếu sàng lọc tâm lý cho các con, nhiều gia đình không đồng ý và còn băn khoăn, nhưng sau này khi phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, nhiều ca tư vấn cần có sự phối hợp của bố mẹ thì phần lớn phụ huynh đều rất hợp tác. Với cương vị là giáo viên, cũng là người tham vấn, mình luôn chia sẻ với phụ huynh vì một đứa trẻ có rối nhiễu tâm lý thì gia đình luôn vất vả nhất".

Văn phòng tư vấn tâm lý học đường không chỉ đơn thuần là dành cho đối tượng học sinh mà rộng hơn, đây cũng là địa chỉ để giúp giáo viên và các bậc cha mẹ có thể giải tỏa áp lực của chính mình, từ đó có cách tiếp xúc đúng hơn với diễn biến tâm lý khác nhau của các em ở nhiều độ tuổi. "Chạm" được vào thế giới của các em cần đến một sự thấu hiểu và đầu tư xứng đáng từ phía nhà trường, gia đình. Điều đó khó lòng có được khi mà người làm công tác tâm lý không được đào tạo đúng, chuẩn và có điều kiện toàn tâm cho công việc đặc thù ấy.

Theo https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...