Thứ sáu, 03/05/2024, 13:19 [GMT+7]

Mong sớm được xây dựng Bia tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong

Thứ năm, 14/09/2023 - 18:18'
Đầu tháng 8/1954, gần 8.000 thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đội TNXP 34 và 40 nhận lệnh tiếp tục ở lại Tây Bắc nhận nhiệm vụ mới. Sau hơn 600 ngày đêm dốc sức, dốc lòng với vô vàn khó khăn, các chiến sỹ TNXP đã hoàn thành con đường chiến lược 111 nối từ thị xã Lai Châu (cũ) đến biên giới Việt - Trung. Trong quá trình mở đường, hơn 100 TNXP đã “nằm lại” cùng còn đường ấy, mãi mãi ở lứa tuổi đôi mươi.

Chứng nhân lịch sử
Ngày 2/7/2022, ông Nguyễn Tiến Năng (96 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội), nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu TNXP tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ và là người phụ trách mở tuyến đường này đã thay mặt cho Ban liên lạc TNXP Đội 34 và 40 (tham gia thực hiện nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu cũ, nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) gửi lại bài ký ức viết bằng tay cho Hội Cựu TNXP tỉnh Lai Châu. Trước khi sự minh mẫn, trí nhớ “già đi” theo năm tháng, ông viết những dòng này như một ký ức lịch sử để thế hệ sau biết rằng, những con đường hôm nay đã được hình thành như thế nào. Và cũng để có căn cứ giúp các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn có thêm minh chứng cụ thể xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP ở Lai Châu.
Trong bài ký ức đó, ông Năng nêu rõ quá trình hình thành tuyến đường chiến lược; thành phần tham gia làm đường cũng như công sức, ý chí vượt gian lao thử thách của các cựu TNXP để làm nên tuyến đường quan trọng này. Trong đó có đoạn: “…Với tinh thần xung phong của TNXP, phong trào thi đua được phát động liên tục, hơn 600 ngày lao động khẩn trương… cán bộ, đội viên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách về khí hậu, công việc, cuộc sống, bệnh tật... lao động dũng cảm, sáng tạo, không ngại hy sinh. Con đường chiến lược mang tên 111 dài gần 100km xuyên rừng sâu, vực thẳm, núi cao qua các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Lay với 2 bến phà, hàng trăm cầu cống, hàng triệu tấn đất đá, mặt đường được rải cấp phối, cầu được lát bằng thân cây… Nhiệm vụ vẻ vang của TNXP đội 34 và 40 trên con đường chiến lược Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu đã hoàn thành về cơ bản”.
Quá trình mở đường, thông tuyến có hơn 100 TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Mất mát đó được đền đáp bằng việc lần đầu tiên trên bản đồ tỉnh Lai Châu có con đường 111 được lưu thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đồng bào các dân tộc đi lại thuận lợi.

Lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, huyện Phong Thổ đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cường (người trực tiếp tham gia làm con đường 111).

Ngày 4/3/2019, UBND tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của Hội Cựu TNXP Việt Nam (trong đó có ông Năng). Tại đây, Hội Cựu TNXP Việt Nam đề nghị tỉnh Lai Châu đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm TNXP hy sinh khi tham gia mở đường chiến lược, tuyến đường Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu (giai đoạn 1954-1956) tại thị trấn Phong Thổ để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của lực lượng TNXP Việt Nam. Đây cũng là công trình ý nghĩa nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay, mai sau về sự tham gia đóng góp, hy sinh của cha ông.
Qua thông tin kết nối từ Hội Cựu TNXP tỉnh, chúng tôi liên hệ với gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ (trực tiếp tham gia mở đường 111), được con gái ông cho biết, ông Cường đã mất vào đầu năm 2023 và gửi lại tờ lý lịch công tác của bố mình. Mặc dù, tờ lý lịch đã cũ theo năm tháng nhưng vẫn rõ thông tin: từ tháng 4/1953-9/1956 (tương đương 3 năm, 5 tháng liên tục), ông Cường là quân số của đơn vị TNXP Công trường 111.
Từ khi công trình Thủy điện Lai Châu được xây dựng, nhiều phần của con đường 111 đã chìm sâu dưới lòng hồ. Dù con đường không còn nguyên vẹn nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn mãi...
Cần giải pháp phù hợp
Trong các trường hợp TNXP hy sinh do quá trình mở tuyến đường trên, các đơn vị TNXP đã quy tập được 67 hài cốt về Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) và nay được chuyển về Nghĩa trang Liệt sỹ xã Chăn Nưa. Trong số này có 11 người được xác nhận là liệt sỹ, còn lại 56 người đến nay vẫn chưa được xác nhận liệt sỹ. Hơn 60 năm qua, gia đình và đồng đội đã, đang đề nghị giải quyết chế độ, chính sách liệt sỹ.
Tại báo cáo số 102/BC-UBND ngày 12/4/2019 về tuyến đường chiến lược Ma Lù Thàng - thị xã Lai Châu (1954-1956) và công tác quản lý mộ liệt sỹ, Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP xã Chăn Nưa, UBND tỉnh khẳng định và ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP cũng như nêu bật ý nghĩa của tuyến đường trong phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. UBND tỉnh nhất trí đề nghị các bộ, ngành Trung ương công nhận 56 trường hợp (là cựu TNXP từ trần khi tham gia mở đường giai đoạn 1954 - 1956 sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã an táng tại Nghĩa trang TNXP xã Chăn Nưa) là liệt sỹ theo quy định.
Dù một phần con đường đã bị chìm dưới lòng hồ thủy điện và có sự thay đổi nhỏ, song hiện nay vẫn xác định được vị trí trên tuyến quốc lộ 12 đi từ thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) qua 2 xã: Lê Lợi, Nậm Ban của huyện Nậm Nhùn và các xã: Chăn Nưa, Pa Tần (huyện Sìn Hồ). Ngoài ra, tuyến còn lại từ bản Cầu Phà (xã Pa Tần) lên đến xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) và nối đến Cửa khẩu Ma Lù Thàng hiện vẫn còn sử dụng phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của các xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.
Ngày 3/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa công trình ghi công liệt sỹ năm 2022. Theo đó, công trình nhà bia tưởng niệm sẽ được xây dựng ở thị trấn Phong Thổ và UBND huyện Phong Thổ giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện làm chủ đầu tư với quy mô xây mới, có tổng mức đầu tư 5,8 tỷ đồng. Nguồn đầu tư từ vốn sự nghiệp thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng về công tác mộ - nghĩa trang liệt sỹ năm 2022, vốn sự nghiệp cấp Bộ LĐ,TB&XH phân bổ hỗ trợ tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, tại Điều 11 không có nội dung hỗ trợ xây mới mộ liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ mà chỉ hỗ trợ việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì… Vì vậy, công trình bia tưởng niệm không có căn cứ để Bộ LĐ,TB&XH hỗ trợ đầu tư xây dựng.
Với những trăn trở, nguyện vọng của Hội Cựu TNXP, đồng thời đây cũng là nghĩa cử tốt đẹp, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, thiết nghĩ việc xây dựng Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ TNXP là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Do đó, rất mong các cấp, các ngành trong tỉnh cần linh hoạt trong bố trí nguồn vốn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hoặc có thể huy động công tác xã hội hoá để công trình sớm được thi công thực hiện, thể hiện sự tri ân đối với người có công với đất nước, quê hương.

Trang - Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...