Thứ hai, 06/05/2024, 03:08 [GMT+7]

Siết chặt quản lý gia súc phá hoại cây trồng

Thứ hai, 01/01/2024 - 13:57'
Tân Uyên là địa bàn có tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hằng năm tương đối lớn, đây là điều đáng mừng song thời gian vừa qua, trên địa bàn xuất hiện tình trạng gia súc thả rông phá hoại cây trồng, ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, việc quản lý chăn thả gia súc để đảm bảo an toàn cho cây trồng cần phải được siết chặt hơn nữa.

Hiện, Tân Uyên đang là một trong những địa phương có diện tích rừng, chè, mắc-ca, cây ăn quả tương đối lớn. Vui hơn nữa, huyện đã chủ động kết nối, tạo cơ chế tốt nhất thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết, bao tiêu, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu mới nhất, tổng đàn gia súc của huyện trên 48.000 con và tốc độ tăng đàn năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, một bộ phận người dân không thực hiện nuôi nhốt, đưa vào bãi chăn thả tập trung đã quy hoạch mà thả rông. Điều này xảy ra tình trạng gia súc phá hoại cây trồng; gây thiệt hại về kinh tế và gây bức xúc cho các hộ, đơn vị sản xuất. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân do tập quán và thói quen chăn nuôi của người dân; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm. Khu vực giáp ranh rừng trồng giữa các xã có địa hình phức tạp, dốc, khó khăn quản lý gia súc phá hoại. Việc xử lý các trường hợp thả rông gia súc phá hoại cây trồng chưa được các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm, nên còn tái diễn.

Siết chặt quản lý gia súc tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. 

Đã có một số mâu thuẫn nảy sinh do chủ nuôi thả rông gia súc ảnh hưởng tới nương chè, khu vực trồng rừng. Cuối tháng 9 vừa qua, 413 cây mít ruột đỏ Indo vừa được Công ty Cổ phần Trà Than Uyên trồng trên diện tích 10.131m2 bị kẻ gian phá hoại. Hiện nay, cơ quan công an đang trong quá trình điều tra, song theo anh Phùng Ngọc Huy (cán bộ công ty), mối nghi lớn nhất chính là trước đây gia súc của người dân thường được thả vào đồi chè để tìm kiếm thức ăn, sau khi đơn vị chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm hàng rào bảo vệ. Sự việc xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mở rộng diện tích cây ăn quả của công ty cũng như của huyện.
Còn tại khu vực trồng rừng cây gỗ lớn thuộc khe Nậm Sắt, xã Nậm Cần cũng xảy ra tình trạng gia súc phá hoại cây trồng. Anh Nguyễn Quang Thành ở bản Nà Phát (một trong những chủ rừng ở khu vực này) rất bức xúc khi diện tích cây giổi đã bén rễ, lên xanh tốt nhưng bị trâu, bò ở nhiều nơi thả rông phá rào cắn ngọn và giẫm đạp cây trồng. Anh Thành cũng đã ý kiến với các đoàn công tác của tỉnh, huyện khi đến làm việc tại xã có biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời để công tác trồng rừng đạt kết quả như mong muốn.
Trước thực tế trên, tháng 10 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Uyên đã ra ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý gia súc trên địa bàn huyện. UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng; nghiêm cấm thả rông gia súc phá hoại rừng mới trồng trên địa bàn huyện; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện; thực hiện công tác chăm sóc, phát triển rừng trên địa bàn huyện; trồng dặm, bổ sung những diện tích rừng trồng chưa đảm bảo mật độ theo quy định.
Đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cũng đã phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăn nuôi theo hướng tập trung; thực hiện trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho gia súc và chế biến các loại thức ăn (thức ăn thô, thức ăn xanh, thức ăn tinh). Chuyển từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi, chăn dắt, gắn với phòng, chống dịch bệnh. Anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tuyên truyền, thông báo tới các hộ gia đình chăn nuôi theo hình thức thả rông trong khu vực rừng trồng mới đưa đàn trâu, bò, dê... đến khu vực chăn nuôi tập trung hoặc nuôi nhốt tại nhà. Tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa bàn quản lý không thả rông gia súc để ảnh hưởng tới sản xuất của địa phương và các địa bàn lân cận. Các hộ chăn nuôi nếu tiếp tục thả rông gia súc, phá hoại diện tích rừng trồng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Huyện Tân Uyên cũng yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện về công tác quản lý chăn nuôi gia súc, nếu để xảy ra tình trạng thả rông gia súc phá hoại sản xuất.
Với sự can thiệp kịp thời và các biện pháp cứng rắn của huyện, tin rằng, tình trạng cây trồng bị ảnh hưởng do gia súc phá hoại sẽ sớm được xử lý triệt để.

T.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...