Chủ nhật, 28/04/2024, 20:21 [GMT+7]

Thực hiện tiêu chí thu nhập ở Thu Lũm: Cần quyết tâm cao

Thứ hai, 29/01/2024 - 09:53'
Với đặc thù xã vùng cao biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình đồi núi chia cắt mạnh, đất đai canh tác không thuận lợi, bởi vậy xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đến thăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh Lỳ Xì Giá ở bản Ló Na - một trong những hộ có mức thu nhập khá của xã. Hiện, với việc nuôi 5 con trâu với hình thức bán chăn thả, gần 100 con gia cầm; trồng sả, ớt trung đoàn và cây sa nhân với tổng diện tích gần 5ha, gia đình anh có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Anh Giá chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo vì chỉ trông chờ vào sản xuất độc canh lúa, ngô, sắn. Từ khi được cán bộ xã, bản thường xuyên đến tuyên truyền, vận động và Nhà nước hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, tôi cùng gia đình cố gắng thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo; chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới”.
Chung suy nghĩ với anh Giá, nhân dân trong xã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiến đất, góp công cùng Nhà nước hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy, năm 2021, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, cùng với tiêu chí hộ nghèo thì tiêu chí thu nhập còn nhiều khó khăn. Bởi, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 33,75 triệu đồng/người/năm, trong khi theo quy định mới Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Được biết, thời gian qua, xã đã tranh thủ, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của trung ương, của tỉnh tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại giống mới chất lượng cao vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; mở rộng diện tích gieo cấy lúa, tăng đàn gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, sả, rau màu các loại và trồng rừng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện triển khai thí điểm mô hình kinh tế, tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con có kiến thức áp dụng hiệu quả vào thực tế. Các tổ chức hội, đoàn thể xã tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng thông qua tín chấp đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm.

Người dân bản Ló Na (xã Thu Lũm) chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập.

Mặc dù vậy, thực tế những mô hình kinh tế được hỗ trợ đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả; sản phẩm nông nghiệp còn manh mún, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong xã và một số địa phương lân cận, chưa trở thành hàng hóa có số lượng lớn. Vì vậy, nguồn thu cho các hộ dân chưa cao, chỉ cải thiện phần nào cuộc sống.
Đặc biệt, với đặc thù là xã thuần nông, nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, ngô, nuôi gia súc… Trong khi đó, hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại chậm phát triển; trình độ tay nghề và năng suất lao động của người dân nông thôn còn thấp cho nên tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề chưa cao. Vì vậy, xã xác định việc hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM là chặng đường dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Lòng Cà - Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: “Với đặc thù xã vùng cao, đất đai rộng, có bãi chăn thả, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa phù hợp trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển rừng và cây dược liệu. Khai thác tiềm năng lợi thế trên, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; khuyến khích, “cầm tay chỉ việc” để các hộ dân chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.
Cùng với đó, chính quyền địa phương tập trung xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với từng bản; đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu của địa phương gắn với thị trường. Đồng thời, tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.

Gió Pư

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...