Thứ bảy, 20/04/2024, 03:32 [GMT+7]

Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Thứ sáu, 11/09/2020 - 17:04'
(BLC) - Nhân dân khu vực Nà Phạ thuộc bản Mường 1 (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) hiện đang sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bởi mưa kéo dài, những khối đất đá từ trên núi có nguy cơ sạt lở cao. Do đó, hơn lúc nào hết, bà con mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục để người dân yên tâm sinh sống.

Trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Than Uyên xảy ra mưa lớn nhiều ngày, tại một số điểm bị sạt lở, đặc biệt tại km170+820 khu vực Nà Phạ thuộc bản Mường 1, xã Mường Kim xảy ra sạt lở đất đá từ tàluy dương xuống quốc lộ 279. Điều đáng nói là phía trên núi xuất hiện nhiều vết nứt và phía dưới đường có khoảng 10 hộ tiềm ẩn nguy cơ bị đất đá sạt lở vào nhà. Thời điểm phóng viên có mặt tại khu vực sạt lở, mưa vẫn nặng hạt và đất đá đang trôi xuống mặt đường rất nhiều.

Ông Lò Văn Phanh - bản Mường 1, hộ có diện tích đất bị sạt lở đang lúi húi ra thu dọn một số cây màu của gia đình bị đất đá cuốn trôi hư hỏng. Ông Phanh phân trần: “Tôi có gần 2.000m2 đất thuộc khu vực Nà Phạ trồng một số cây màu, chè và cỏ voi. Thời gian qua, tôi thấy xuất hiện vết nứt chạy dài, mấy hôm nay mưa lớn, đất ngấm đủ nước đã sạt một phần. Lo nhất là mấy hộ sinh sống phía dưới đường, nếu đất đá trên này mà sạt vào thì không biết thế nào”.

Do ở sát đường nên khi sạt lở, đất đá lẫn nước đang tràn gần đến cửa nhà, ông Lường Văn Hịa - bản Mường 1 tâm sự: “Gia đình tôi ở đây từ năm 2002. Chiều 9/9, toàn bộ đất phía trên taluy dương đổ xuống mặt đường rầm rầm ngay sát cửa nhà, may mà chạy kịp. Nguy cơ sạt lở mấy năm rồi, mỗi năm một nghiêm trọng hơn, gia đình có 4 nhân khẩu thuộc diện khó khăn muốn chuyển đến nơi khác an toàn mà không có đất, đành ở lại. Mỗi khi mưa to, gia đình tôi hoang mang không làm được gì, mong muốn ngành chức năng di giãn dân đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống”.

Cán bộ xã Mường Kim theo dõi khối lượng đất đá đang sạt trượt xuống tiềm ẩn nguy hiểm khu vực Nà Phạ, bản Mường 1.

Cán bộ xã Mường Kim kiểm tra, theo dõi khối lượng đất đá đang sạt trượt, tiềm ẩn nguy hiểm tại khu vực Nà Phạ, bản Mường 1.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lường Văn Thanh có nhà phía dưới khu vực sạt lở khi anh đang cùng bố đi kiểm tra vết sạt trượt, nứt phía đầu bản. Được biết, 2 năm trước, đất ở khu vực này có hiện tượng sạt lở, nứt nẻ, sụt lún ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân. Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, 3 hộ được huyện bố trí sang địa điểm mới an toàn do nền nhà bị sụt lún, nứt quanh. Anh Thanh chia sẻ: “Tôi lo nhất là khối lượng đất đá khổng lồ lại nằm ngay phía trên đầu bản đang nứt và trượt xuống bất thình lình. Hiện nay, đất bùn vẫn chảy xuống, mặc dù ở nhà xây kiên cố nhưng gia đình tôi luôn sống trong cảnh lo sợ nguy hiểm rình rập. Mong cấp ủy, chính quyền có phương án xử lý để chúng tôi yên tâm sinh sống”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có khoảng 10 hộ đang trực tiếp trong vùng có nguy cơ sạt lở và 35 hộ thuộc diện theo dõi sát sao. Các vết nứt này do nền địa chất yếu chạy dọc theo phía trên ta luy dương quốc lộ 279 mà người dân khu vực Nà Phạ đang sinh sống, sản xuất. Trước tình hình mưa to liên tục, huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, tổ chức dân quân giúp đỡ các hộ di chuyển tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Có phương án tạm thời mượn Đồn công an Bản Chát để bà con ở tạm nhằm khắc phục sạt lở trong suốt mùa mưa lũ.

Anh Lê Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: “Xã đã chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng dân quân tổ chức di dời tạm 4 hộ đến nơi an toàn. Phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Hạt Quản lý giao thông đường bộ tiến hành hót sụt sạt đảm bảo an toàn giao thông và cắm biển báo. Cùng cơ quan chức năng xử lý điểm sạt này nhưng khối lượng đất rất lớn nên cần nhiều thời gian, công sức khắc phục. Cử người thường xuyên theo dõi diễn biến điểm sạt, lún, cảnh báo cho bà con chủ động phòng chống thiên tai”.

Hiện nay, 35 hộ dân đang phải sống, lao động sản xuất tại khu vực Nà Phạ tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt rất cao. Hiện tượng sụt lún xảy ra vài năm trở lại đây, riêng năm nay mưa nhiều đã làm nứt ngang phía trên núi rất nguy hiểm. Về lâu dài, bà con muốn bố trí một khu đất mới an toàn, ưng ý, gần với vị trí bản cũ để ổn định cuộc sống. Nhân dân đã họp xin di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn nhưng xã không có quỹ đất, kinh phí nên chưa thể thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho rằng: “Chúng tôi phối hợp với xã thường xuyên theo dõi diễn biến điểm sạt lún, cảnh báo cho Nhân dân chủ động phòng chống thiên tai. Đồng thời, đưa ra phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo quy định Nhà nước, còn về lâu dài cùng với địa phương tìm vị trí an toàn hơn bố trí chỗ ở người dân ổn định”.

Trước tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra, về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương sớm xem xét tìm quỹ đất, bố trí sắp xếp dân cư khu vực Nà Phạ, bản Mường 1 đến nơi ở mới an toàn. Có như vậy, người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...