Chủ nhật, 19/05/2024, 07:14 [GMT+7]

Cán bộ, đảng viên Lai Châu thực hiện phong cách nêu gương về nói đi đôi với làm theo lời dặn của Bác “… đồng bào cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng”

Thứ bảy, 16/12/2023 - 16:06'
Ngày 12 tháng 12 năm 1953, nhân dịp thị trấn Lai Châu được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu.

Bức thư cô đọng, ngắn gọn, hàm súc chỉ với 233 chữ, nhưng toát lên tinh thần nhân văn, chứa đựng muôn vàn sự thấu hiểu, sẻ chia và tình yêu thương vô bờ của Bác dành cho đồng bào và cán bộ tỉnh nhà. Bức thư vừa là tình cảm của Bác, vừa là lời căn dặn của Người đối với đồng bào và cán bộ Lai Châu trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Cho đến nay, lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị, đó là chỉ dẫn thiết thực để Lai Châu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong điều kiện của 1 tỉnh miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn, nhiều dân tộc và có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Trong thư Người căn dặn “…đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng…”. Chỉ vẻn vẹn 11 chữ trong toàn bức thư nhưng cô đúc cả một quan điểm lớn thể hiện phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm trong tư tưởng của Người.

Lãnh đạo thành phố Lai Châu trao Giấy khen cho các tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Đại diện lãnh đạo thành phố Lai Châu trao Giấy khen cho các tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.

Theo Hồ Chí Minh, gương mẫu thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, được thể hiện thường xuyên, về mọi mặt. Thứ hai, gương mẫu là nói phải đi đôi với làm. Người chỉ dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được… Trước hết, mình phải làm gương,… gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa”. Thứ ba, để giáo dục bằng phương pháp nêu gương đạt kết quả cao. Nói đi đôi với làm – đây không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Theo Bác Hồ, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng: nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Nói đi đôi với làm chính là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hành đạo đức: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không xuyên tạc, nói sai. Không được “nói một đàng làm một nẻo”. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Không được hứa mà không làm “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Trong cuộc sống, Người luôn luôn nêu gương, làm trước mọi lúc, mọi nơi và đã có biết bao câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm. Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa….”. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Đông Dương trước đây mà chỉ ở ngôi nhà của người thợ điện; thường đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng chiếc ô tô cũ, coi đó là “cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Người nói: Ai chẳng muốn cơm no, ấm áo. Nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau. Người còn nói: Ở đời ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp. Điều đó là bình thường. Nhưng ăn ngon mặc đẹp một mình liệu coi có được không!

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, học tập tấm gương sáng ngời của Bác, 70 năm qua, đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã luôn chú trọng thực hiện có hiệu quả phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của Đảng.

Sau khi thị trấn Lai Châu được giải phóng, Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bám địa bàn, bám nhân dân, đồng cam, cộng khổ với nhân dân thực hiện “ba cùng” để tổ chức, vận động nên đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, giác ngộ đồng bào theo cách mạng, xây dựng được lực lượng của ta trong vùng địch. Nhiều cán bộ đã bám sát cơ sở, giúp cán bộ cơ sở tổ chức, huy động nhân lực, vật lực để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời đập tan âm mưu phỉ hoá toàn dân của địch; bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng ban đầu của tỉnh; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khôi phục kinh tế, cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ năm 1955 - 1975, cùng nhân dân cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, thực hiện lời căn dặn của Người, đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiễu phỉ, trừ gian, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết nạn đói, bệnh dịch, mù chữ, tạo điều kiện tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố chính quyền và đoàn thể quần chúng. Nhiều cán bộ cốt cán tốt ở các xã, bản hăng hái xung phong thực hiện nhiệm vụ, gần dân, giúp dân, trải qua thử thách được lựa chọn để xem xét, kết nạp vào Đảng. Số đảng viên là người dân tộc tăng nhanh, làm nòng cốt cho đội ngũ cán bộ các dân tộc, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, cùng với cả nước vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho cách mạng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Lai Châu luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, vượt qua khó khăn gian khổ, luôn sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đóng góp sức lực và trí tuệ, mồ hôi và xương máu, viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ quê hương.

Sau hơn 19 năm chia tách thành lập, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm, Lai Châu từ một tỉnh khó khăn nhất cả nước, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu; tỷ lệ đói nghèo cao; điều kiện làm việc của các cơ quan tỉnh, huyện còn nhiều thiếu thốn; tổ chức bộ máy, cán bộ đang từng bước được kiện toàn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; địa hình chia cắt, xa các trung tâm kinh tế lớn; khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, Lai Châu đã vượt khó vươn lên, chủ động phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn, với sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành đến nay, Lai Châu – mảnh đất cuối trời Tây Bắc như một bức tranh được điểm tô bằng những gam màu sáng, 1 hình ảnh khang trang về mọi mặt:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, động viên đồng bào các dân tộc thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2005, Lai Châu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến năm 2015, tỉnh đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh nhà còn tăng cường đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”…; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng lắng nghe ý kiến  và phát huy quyền làm chủ của dân trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt đối với vấn đề tôn giáo, các cấp chính quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật Nhà nước.

Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị đến nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan toả trong Đảng và toàn xã hội. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về nêu gương đã từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ việc học tập và làm theo Bác, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình, tiên tiến, việc làm tốt, có sức lan tỏa trong cuộc sống. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh đã có 7.182 tập thể, cá nhân được các cấp biểu dương, khen thưởng. Những kết quả nêu trên là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ tỉnh luôn xác định khâu đột phá: “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, địa phương”, từ đó đã nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, luôn đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới phong cách làm việc, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, tận tụy, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm,  dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành; tăng cường tiếp xúc, đối thoại nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục, giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ sở.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhằm định hướng triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12/10/2011 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020 với mục tiêu cơ bản là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nông thôn Lai Châu tiến bộ, nông nghiệp phát triển, nông dân cơ bản hết nghèo”. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, bố trí các nguồn vốn, huy động nguồn lực của Nhân dân để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí. Đến nay có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 72,1% so với kế hoạch Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh đề ra (57,5%), bình quân 13,9 tiêu chí/xã; đời sống vật chất và tinh thần, môi trường sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể.  

Trong tình hình hiện nay, cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của Đảng và nhân dân ta đang diễn ra trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học công nghệ, tình hình chính trị, quân sự trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay kẻ thù đang triệt để lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc ngày càng trở thành nhân tố gây mất ổn định, chúng đã triệt để lợi dụng đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu, tập trung dùng nhiều thủ đoạn để tuyên truyền học đạo trái pháp luật. Đây cũng chính là những nguyên nhân chính dẫn đến một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu theo đạo Tin Lành, đạo Liên Hữu Cơ Đốc giáo và một số đạo khác… Một số tên phản động cũ đã ngóc đầu dậy, tập hợp lực lượng, hoạt động phá hoại, nhiều loại tội phạm mới nảy sinh, TTATXH diễn biến phức tạp. Thực tiễn của tình hình đòi hỏi cần phải tăng cường nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong thời kỳ mới. Phòng trào nhân dân tự quản về ANTT ra đời, phát triển nhanh chóng. Nhiều mặt công tác bảo vệ an ninh, trật tự đước xã hội hóa như việc thực hiện “Chương trình quốc gia PCTP”; “Chương trình hành động PCMT”; các cuộc vận động bài trừ ma túy học đường, bài trừ tệ nạn xã hội, xóa bỏ việc trồng cây anh túc, bảo vệ TTATGT… đã thu hút, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, tự giác có hiệu quả. Thực hiện lời căn dặn của Người,  Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và LLVT Lai Châu đã chủ động củng cố, tăng cường QPAN, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới, góp phần duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh được xây dựng vững chắc. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt  47,5 triệu đồng/năm, tăng 44,2 triệu đồng so với năm 2005 (3,3 triệu đồng). Chất lượng và hiệu quả của giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên, tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, các trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng và củng cố, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, mạng lưới thông tin, truyền thông, truyền hình được phổ cập đến từng hộ dân (năm 2023, toàn tỉnh có 90,7% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh), diện phủ sóng dịch vụ mạng di động, viễn thông, internet được mở rộng đến hầu hết các thôn, bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, từng bước nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy ( múa xòe, múa sạp, múa ô, múa khèn, múa chuông, múa trống…); các tệ nạn tiêu cực, hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ. An sinh xã hội được bảo đảm, mạng lưới y tế thôn, bản được đầu tư, nâng cấp, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo và trẻ em người dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả (tiêm chủng mở rộng, chống bướu cổ, sốt rét…), năm 2023 tỷ lệ bác sỹ/1 vạn dân là 13 bác sỹ tăng 10,47 bác sỹ so với năm 2003 (2,53 bác sỹ/1 vạn dân). Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, nhiều xã thoát nghèo, nhiều gia đình nghèo vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc được nâng lên. Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và đạt chất lượng tốt, nhiều hộ gia đình, làng, bản dân tộc thiểu số đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong thực tế vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục: một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần tự giác trong học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; ý thức tự phê bình và phê bình chưa cao, chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả, trách nhiệm trong công tác. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, thậm chí còn có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng. Phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chậm được đổi mới, còn biểu hiện quan liêu, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở; chưa quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để kịp thời tham mưu giải quyết dứt điểm, hiệu quả. Một bộ phận nhân dân còn mang tâm lý ỷ lại, không chịu vươn lên thoát nghèo...

Trong giai đoạn hiện nay, khắc ghi và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác “… đồng bào cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố, phát huy truyền thống đoàn kết. Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Bác; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, từ đó tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tự học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng tích luỹ kinh nghiệm trong thực tiễn, nói đi đôi với làm, luôn tự tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách, xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Cán bộ phải luôn liên hệ chặt chẽ với nhân dân, hướng hoạt động về cơ sở, đi sâu, đi sát vào nhân dân để nắm vững tình hình đồng bào các dân tộc, hiểu dân, trọng dân, tin dân, động viên nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó tập trung thực hiện tốt giải pháp tự phê bình và phê bình.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc Nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường tuyên truyền những tấm gương “người tốt việc tốt”, những “công bộc” hết lòng đối với dân, vì Nhân dân phục vụ. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, nhanh và bền vững; tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phát huy thành tựu đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác dặn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khai thác và phát huy tốt mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Lai Châu ổn định và ngày càng phát triển. Lời căn dặn của Bác mãi mãi là chỉ dẫn quý báu, thiết thực, là kim chỉ nam định hướng, soi đường để cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đến năm 2023 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...