Chủ nhật, 19/05/2024, 07:31 [GMT+7]

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Lai Châu trong quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Bài học kinh nghiệm, yêu cầu đặt ra và giải pháp trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai, 18/12/2023 - 14:40'
Việt Nam là quốc gia nhiều dân tộc, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và dựng xây đất nước.   Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố khối đoàn kết các dân tộc. Ngay sau khi giành độc lập, tại Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ nhất tháng 12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật nhiệm vụ này: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa…". Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề nghị hiến định vai trò đại đoàn kết các dân tộc[1] 

                       v

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nêu cao vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện qua nhiều văn bản, bức điện thư, buổi gặp gỡ, nói chuyện khẳng định sự quan tâm ân cần, sâu sắc và bao trùm trong đó là tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Người. Đối với  Lai Châu, trong hai lần vinh dự được Bác căn dặn qua Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu năm 1953 và cuộc gặp gỡ Đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu tại Hà Nội năm 1967 thể hiện tình cảm, sự quan tâm và những lời căn dặn hết sức giản dị nhưng sâu sắc, trong đó tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu[2].

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng; tư tưởng, lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc đồng thời vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đóng góp sức người, sức của cùng Nhân dân cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại. Thời kỳ 1986 - 2003 Đảng bộ Lai Châu đã nhanh chóng nắm bắt chủ trương đúng đắn của Đảng về thực hiện đổi mới cùng sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của đồng bào, cán bộ Lai Châu tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định về quốc phòng, an ninh từng bước đưa Lai Châu sớm thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.

Năm 2024, tỉnh Lai Châu mới được chia tách, thành lập với muôn vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, biên giới nghèo nhất cả nước, có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống: kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tình hình an ninh, trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Lúc này, nhiệm vụ “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2005 – 2010.

Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục là chủ trương xuyên suốt trong 2 nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng bộ tỉnh. Cấp ủy các cấp đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc và tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhất là Đề án số 132-QĐ/TU, ngày 26/5/2016 của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Chính phủ, như: Chương trình 135, Chương trình 134, Nghị quyết 30a; Đề án “Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020” theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ...

Cùng với tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh không ngừng được nâng lên; tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày càng lớn mạnh, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng với trên 30.500 đảng viên và 100% số thôn, bản đều có chi bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chú trọng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức hội; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân kịp thời phản ánh với các cấp ủy đảng, chính quyền xem xét giải quyết. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực đối với đời sống Nhân dân như Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ tích cực học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo” đã được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.  

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn tin tưởng, đồng thuận và tích cực thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Tại các địa phương, hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện di dời đến nơi ở mới nhường đất xây dựng các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng-Bản Chát, Nậm Na…. Trong xây dựng nông thôn mới, Nhân dân chung sức đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình công cộng, đường liên bản, nội bản, nội đồng góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc đã tích cực giúp đỡ, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và mô hình hiểu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; động viên nhau tích cực thi đua lao động sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có chất lượng cao như mắc ca, chè, quế và 158 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên đại diện cho các địa phương, dân tộc... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên, đến nay, toàn tỉnh có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trung bình đạt 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; năm 2019, hai huyện Than Uyên, Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020[3].

Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái các dân tộc trong tỉnh đã tích cực giúp đỡ nhau vượt qua các khó khăn, thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh như nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì Người nghèo”,  phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Lai Châu đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Trong lĩnh vực văn hóa, đồng bào các dân tộc đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống; nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức nền nếp tạo không gian giao lưu văn hóa giữa các dân tộc như Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; Tuần lễ du lịch - văn hóa; Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc… Một số bản nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng[4] đạt hiệu quả thiết góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc và thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn; nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Đồng bào các dân tộc yên tâm định canh, định cư, bám đất, bám bản; hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang làm tốt công tác nắm tình hình, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương của Tổ quốc; tích cực tham gia xây dựng quan hệ láng giềng hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển giữa nhân dân hai bên biên giới, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết quốc tế.

Những kết quả nêu trên khẳng định sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các ngành, các cấp có lúc chưa được thường xuyên, từ đó việc nắm dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có việc chưa kịp thời; Việc đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân vào Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế; Một số nơi việc thực hiện các phong trào; công tác vận động nhân dân chưa sôi nổi, chưa phát huy được tính sáng tạo, tính tự quản của Nhân dân; một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước... gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, Quán triệt sâu sắc, quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết các dân tộc. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của tất cả các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Hai là, Thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết kịp thời nguyện vọng, bức xúc chính đáng của nhân dân.

Ba là, Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để các dân tộc phát triển toàn diện.

Bốn là, Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Các tổ chức này cần được thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm là, Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch.

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, việc củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa theo phương châm: Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của dân. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số yêu cầu và giải pháp cơ bản sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, Phát huy vai trò của Hệ thống chính trị trong củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa.

Ba là, Khẳng định và phát huy vai trò của Nhân dân trong khối đại đoàn kết các dân tộc. Trân trọng, tôn vinh những đóng góp, công hiến của nhân dân; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài. Tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xóa đói giảm nghèo.

Bốn là, Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số góp phần tạo nguồn cán bộ cho các địa phương và xây dựng hạt nhân trung tâm đoàn kết các dân tộc.

Năm là, Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thực hiện tốt các yêu cầu, giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo thế và lực xây dựng Lai Châu tiếp tục ổn định và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo./.

[1] Tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khoá I, ngày 18-12-1959, trong báo cáo do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo giải trình về việc xây dựng dự thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã khẳng định: "Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Đế quốc và phong kiến cố tình phá hoại tình đoàn kết và sự bình đẳng giữa các dân tộc, gây thù hằn giữa các dân tộc, thi hành chính sách "chia để trị". Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xoá bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi. Từ ngày hoà bình lập lại, Nhà nước ta đã giúp đỡ các dân tộc anh em tiến bộ thêm về mặt kinh tế, văn hoá và xã hội. Các dân tộc đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang hăng hái thi đua xây dựng nước nhà. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội…" Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 9, tr. 579 – 597
[2] Ngày 12/12/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Người căn dặn: “1. Đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau….” và “Cán bộ thì phải thật sự gần gũi để giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.

Ngày 08/3/1967, tại cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ Lai Châu. Người căn dặn: 1. Cán bộ từ trên xuống dưới phải đoàn kết với nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau. Phải nâng cao ý thức phục vụ nhân dân được tốt hơn nữa, không được bắt nhân dân phục vụ mình, hết sức tránh tham ô, lãng phí, liên hoan, chè chén….

[3] Số liệu theo Báo cáo số 403-BC/TU,ngày 25/8/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025
[4] Các bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); Sì Thâu Chải, Nà Khương (huyện Tam Đường; Gia Khâu, San Thàng (thành phố Lai Châu).

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...