Chủ nhật, 19/05/2024, 06:38 [GMT+7]

Tư tưởng của Bác đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Thứ bảy, 16/12/2023 - 16:06'
“Thực hiện lời Bác dặn, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ở Đảng bộ Lai Châu trong giai đoạn hiện nay”

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết vào tháng 10 năm 1947, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra cách hiểu đầy đủ nhất các quan điểm về kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng ta phải thực hành đầy đủ những điều sau: “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”.

n

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: Một, phải kiên quyết mọi vấn đề, một cách cho đúng. Hai, phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Ba, phải tổ chức sự kiểm soát…”. Trong nội dung Báo Sự Thật số 103, ngày 30 tháng 11 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm chủ yếu của công tác kiểm tra. Bác Hồ đã chỉ rõ rằng: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” và “Có kiểm tra mới mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của Nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.

Tư tưởng của Bác đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, đây là một trong các chức năng lãnh đạo của đảng, một bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra gắn liền, tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì lãnh đạo không chỉ là xây dựng Cương lĩnh chính trị, chiến lược kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… mà lãnh đạo còn là công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác kiểm tra: “Hiện nay, nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã được thực hành đến đâu, có những khó khăn và trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”.

Về cách kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi có nghị quyết thì phải lập tức đôn đốc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc cán bộ và Nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn”. “Kiểm tra không nên chỉ bằng báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Công tác kiểm tra đạt được kết quả hay không tùy vào những cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác kiểm tra, “Không phải đi gặp ai cũng phải đi kiểm tra, người lãnh đạo phải tự mình làm nhiệm vụ kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và uy tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”.

Về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọc đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm”.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Và muốn như vậy thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho Nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở với nguy cơ của Đảng cầm quyền, vì mặt trái của quyền lực sẽ làm thoái hóa đạo đức của người cầm quyền. Vì vậy, khi Đảng lãnh đạo chính quyền, Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra để tự chỉnh đốn và đổi mới, để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi mọi tệ nạn do thoái hóa, biến chất gây ra. Kiểm tra giúp giúp chúng ta biết được “Ở cấp dưới, ở cơ sở, có những nơi cán bộ phụ trách không tốt, thiếu tinh thần phục vụ Nhân dân, làm những điều xấu xa”. Cũng chính nhờ có sự kiểm tra, đôn đốc của Đảng và Nhân dân thì những phần tử cơ hội vào Đảng “Sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý, phục vụ Nhân dân, cách mạng và tất cả đảng viên mới thành người kiểu mẫu, đoàn kết, giúp đỡ anh em ngoài đảng”. Kiểm tra đến nơi, đến chốn không những giúp cho lãnh đạo đi sát thực tế, nắm chắc tình hình, cảnh báo, nhắc nhở, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, kịp thời phát hiện và phổ biến những kinh nghiệm tốt và kịp thời uốn nắn những nhược điểm, khuyết điểm; đồng thời, củng cố uy tín, lòng tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng.

Như vậy, kiểm tra, giám sát là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, vừa là chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng của đảng đã được thực tiễn cách mạng chỉ ra. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng vào việc: Thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đổi mới và nâng cao phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức làm cho Đảng ta đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng mà Nhân dân, dân tộc tin cậy giao phó. Trong tình hình và bối cảnh hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng càng quan trọng hơn. Nhận thức rõ điều này, Đảng ta đã xác định giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là một trong 4 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của đảng bộ tỉnh Lai Châu trong thời gian vừa qua

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng luôn được Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên. Cấp ủy, UBKT các cấp đã kịp thời cụ thể hóa, ban hành các quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ sát với chỉ đạo của cấp trên; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị. Thực hiện phương châm “Giám sát phải mở rộng và kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, Tỉnh ủy, UBKT các cấp tập trung lãnh đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình dự án, công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách, đất đai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Từ năm 2011 đến nay Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, chi bộ đã kiểm tra 3.075 tổ chức đảng, trong đó: Tỉnh ủy kiểm tra 57; huyện ủy và tương đương kiểm tra 769; cấp ủy cơ sở kiểm tra 2.249 tổ chức đảng. Kiểm tra 7.545 đảng viên, trong đó: Tỉnh ủy kiểm tra 27; huyện ủy và tương đương kiểm tra 520; cấp ủy cơ sở, chi bộ kiểm tra 6.998 đảng viên. Giám sát chuyên đề 7.674 đảng viên, 2.711 tổ chức đảng, trong đó: Tỉnh ủy giám sát 65 tổ chức đảng, 30 đảng viên, huyện ủy và tương đương giám sát 664 tổ chức đảng, 570 đảng viên, cấp cơ sở giám sát 1.982 tổ chức đảng, 7.074 đảng viên; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 4 đảng viên (BTV huyện ủy và tương đương giải quyết 2, đảng ủy cơ sở giải quyết 02).

Các ban đảng và văn phòng cấp ủy các cấp đã kiểm tra 577 tổ chức đảng, 28 đảng viên; giám sát 201 tổ chức đảng, 21 đảng viên.

Ngoài việc tham mưu giúp cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao UBKT các cấp đã tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 212 tổ chức đảng, 587 đảng viên. Kiểm tra 1.874 tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; 649 tổ chức đảng về thi hành kỷ luật trong đảng; kiểm tra tài chính đảng đối với 586 tổ chức đảng; kiểm tra 2.391 tổ chức đảng về thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí. Giám sát chuyên đề 2.012 tổ chức đảng, 1.557 đảng viên, qua giám sát phát hiện, chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm 14 tổ chức đảng, 18 đảng viên. Giải quyết tố cáo 3 tổ chức đảng, 82 đảng viên.

Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp, chi bộ đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng, 1.330 đảng viên (trong đó: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 14 đảng viên; huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng, 140 đảng viên; cấp ủy cơ sở thi hành kỷ luật 616 đảng viên, chi bộ thi hành kỷ luật 560 đảng viên). Hình thức kỷ luật: Khiển trách 904, cảnh cáo 323, cách chức 49, khai trừ 54. UBKT Tỉnh ủy, UBKT huyện ủy, thành ủy, đảng ủy cơ sở đã thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng 714 đảng viên (trong đó: UBKT Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 01 TCĐ, 67 đảng viên; UBKT huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật 615 đảng viên; UBKT Đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 32 đảng viên). Hình thức kỷ luật: Khiển trách 260, cảnh cáo 198, cách chức 11, khai trừ 245.

Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Tuy nhiên, nội dung KTGS của một số cấp ủy, UBKT chưa toàn diện, chưa tập trung kiểm tra, giám sát những khâu, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực. Công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình ở một số nơi chưa kịp thời, tỷ lệ chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn thấp. Một số UBKT huyện ủy và đa số UBKT đảng ủy cơ sở chưa chủ động phát hiện và thiếu quyết liệt trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên ở chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở còn ít.

Thực hiện lời Bác dặn, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ở Đảng bộ Lai Châu trong giai đoạn hiện nay

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2026 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Bác đối với công tác kiểm tra, giám sát của đảng và lời dặn của Bác trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu ngày 12/12/1953. Phát huy truyền thống tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy, thời gian tới UBKT các cấp cần tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát. Từ tổng kết thực tiễn, Đảng ta khẳng định: “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”. Điều quan trọng là nhận thức đó phải biến thành hành động cụ thể, tự giác của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ và các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở tất cả các cấp. Tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy cần coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát để công khai, minh bạch, rõ ràng các nội dung, lĩnh vực, công việc của đơn vị mình làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng niềm tin, khối đoàn kết nội bộ, đoàn kết thân ái giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa đồng chí, đồng nghiệp trong từng cơ quan, đơn vị và toàn Đảng bộ như lời dặn của Bác.

Hai là, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, cấp ủy và UBKT các cấp cần tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đồng thời tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội...; các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản, tài chính, các hoạt động tư pháp. Phối hợp xem xét các vấn đề nổi cộm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo; những đơn thư tố cáo, khiếu nại kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội. Với phương châm: giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, trong đó lấy phòng ngừa, lấy xây là chính; kiểm tra, giám sát không chỉ làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và xử lý vi phạm mà còn tham gia phát hiện những nhân tố mới, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng và đảng viên góp phần tích cực thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Ba là, hằng năm và ngay từ đầu năm, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp phải xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Chương trình kiểm tra, giám sát cần thiết thực, vừa đảm bảo tính toàn diện, đồng thời tập trung vào một số vấn đề then chốt, đặc biệt những vấn đề xã hội quan tâm, những vấn đề bức xúc của xã hội tại địa phương, những cơ quan, đơn vị có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát; đối với tổ chức đảng ở những vị trí quan trọng, lĩnh vực nhạy cảm thì cần phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng; coi trọng kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; mọi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên đều phải được chỉ đạo xem xét, xử lý công khai, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong Đảng, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của UBKT Trung ương.

Bốn là, UBKT các cấp phải chủ động kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của mình. Phải tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc thông tin qua nhiều kênh (qua tự phê bình và phê bình trong nội bộ, qua đơn thư tố cáo, qua báo chí, qua nhận xét, đánh giá có căn cứ của cán bộ theo dõi...) để chủ động, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên mà tiến hành kiểm tra, không để dư luận phản ánh kéo dài, gây phức tạp tình hình. Thực hiện kiểm tra, giám sát với tinh thần kiên quyết, kiên trì, thực sự dân chủ, công khai, thận trọng, khách quan, công minh.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. Đồng thời, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; chú trọng phổ biến các kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả. Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng để kịp thời phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, rút ra những kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Sáu là, các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, gần gũi, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, tự giác rèn luyện, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh và trình độ để đủ sức thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt là thực hiện tốt công tác quy hoạch và chuẩn bị nhân sự UBKT các cấp trong nhiệm kỳ sắp tới, phát huy đầy đủ vai trò của UBKT trong tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; tạo điều kiện thuận lợi và làm chỗ dựa vững chắc để UBKT các cấp thực hiện có kết quả nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và do cấp ủy giao.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...