Thứ bảy, 27/04/2024, 16:08 [GMT+7]

Tư tưởng, tình cảm của Bác trong những dòng thư giản dị, mộc mạc - Động lực tinh thần to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lai Châu tự tin, hội nhập và phát triển

Thứ sáu, 26/01/2024 - 10:04'
Năm 1946, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Sang Đông - Xuân 1953 - 1954, cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta tiếp tục trên đà thắng lợi và có nhiều chuyển biến quan trọng. Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược, chủ trương đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Khu Tây Bắc.

Ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Người chỉ thị: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà còn đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân phải tập trung đánh cho kỳ được. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đối với cả ta và địch thì Lai Châu là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng không thể để mất.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 10/12/1953 quân ta tiến công địch ở Lai Châu, mở màn cuộc tấn công Đông xuân 1953-1954. Bộ đội chủ lực được sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, du kích và đồng bào các dân tộc đã thành công giải phóng thị trấn Lai Châu vào ngày 12/12/1953. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên chiến trường máu lửa đã đánh dấu thời khắc hòa bình, độc lập của quần chúng lao khổ nơi đây sau gần tám thập niên đằng đẵng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp.

 

Ngay trong ngày 12/12 lịch sử đó, từ An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa bộn bề công việc cách mạng đã viết thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư ngắn gọn, chỉ 14 dòng, 11 câu, 233 chữ nhưng chứa đựng, gói gọn tình cảm bao la và mong đợi, kỳ vọng, niềm tin của Người đối với sự nỗ lực gây dựng cuộc sống, xây đắp tương lai của đồng bào, cán bộ Lai Châu.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.

Những dòng thư đầu Bác dành sự thương yêu, ân cần, lo lắng cho đồng bào ta chịu cảnh áp bức đô hộ của thực dân Pháp trong suốt hơn 80 năm mà chưa có ngày được hưởng tự do, độc lập như những đồng bào nơi khác:

“Thân ái gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu,

Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào.

Ngày nay đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ.”

Những dòng thư sau, Bác dành để dặn dò đồng bào Lai Châu 4 nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện ngay để giữ gìn và giữ vững thành quả chiến thắng của địa phương mình, góp phần từng bước xây dựng cuộc sống mới, tương lai mới cho tất cả mọi người, kể cả cán bộ, nhân dân hay người trót lầm đường, lạc lối:

“Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng:

1- Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.

2- Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.

3- Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.

4- Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng.

Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Chúc đồng bào và cán bộ mạnh khoẻ và cố gắng.”

Bức thư tuy ngắn, nhưng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác, đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền cách mạng mới và đồng bào nhân dân.  Lời căn dặn của Bác đã trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn, vô giá để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu tin tưởng vào Đảng vào Chính phủ, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới và góp sức người, sức của, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam đi đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân, thống nhất nước nhà năm 1975. Đã 70 năm trôi qua kể từ khi nhận thư Bác, cùng với những đổi thay của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Lai Châu đã có những bước chuyển mình quan trọng. Nhưng trên mỗi bước đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu vẫn luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác, lấy đó làm động lực tinh thần, điểm tựa và kim chỉ nam để hành động, phấn đấu, không phụ lại tình cảm và niềm tin tưởng, kỳ vọng của Người.

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài, lại là vùng rừng núi tiếp nối với dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, tạo thành một bức tường thiên nhiên liên hoàn, hiểm trở, tỉnh Lai Châu từ xưa đã được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt về quân sự, quốc phòng và được xem là “phên giậu”, “cửa ngõ” quan trọng của vùng Tây Bắc Tổ quốc. Lai Châu còn là địa bàn sinh sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số (19 dân tộc thiểu số, chiếm trên 84% dân số của tỉnh), trong đó có những cộng đồng tộc người thiểu số rất ít người  như Lự, Cống, Mảng, Si La, trước đây còn có dân tộc La Hủ cũng là dân tộc rất ít người; dân tộc Si La còn là dân tộc đặc biệt ít người với dân chưa đến 1.000 người. Vì thế, trong nhiều năm qua, Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước về đảm bảo mọi mặt đời sống cho Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc.

Khắc ghi lời Bác, trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu luôn chú trọng lãnh đạo, tổ chức thực hiện, đoàn kết phấn đấu để không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân. Đồng thời, góp phần xây dựng nền văn hoá mới, trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong đa dạng nền văn hoá đất nước, tạo ra đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ và ngày càng tiến bộ cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Năm 2004, sau chia tách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt rất thấp khoảng 3,1 triệu đồng/người/năm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhất là các dân tộc đặc biệt ít người như Lự, Mảng, Cống, Si La. Tổ chức bộ máy và cán bộ đang được kiện toàn, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa XI - XIV, Đảng bộ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, lãnh đạo Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 3,91%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 47,45 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 2.100 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,4%/năm. Toàn tỉnh có 41,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác tư tưởng có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng, 3 đảng bộ bộ phận, 1.902 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận; 30.693 đảng viên. Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát, nội chính và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đến nay, 22/55 chỉ tiêu thành phần Nghị quyết đề ra đã đạt và vượt. Từng là một địa phương nghèo nhất cả nước vào những năm 2004 -2006, với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm đến 99%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo Lai Châu chỉ còn dưới 29% theo tiêu chí nghèo đa chiều, hai huyện Tân Uyên và Than Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2018.

Từ một xuất phát điểm rất thấp, từ những rào cản, khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình phát triển, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, đồng lòng, phát huy tinh thần, trí tuệ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, ngày hôm nay, trải qua 74 năm thành lập tỉnh, 70 năm đồng bào và cán bộ Lai Châu nhận được thư Bác và quyết tâm làm theo lời Người dặn dò, 19 năm chia tách và thành lập tỉnh, khiêm tốn mà nói rằng chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào để báo công dâng Bác. Song, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế, thiếu sót nhất định mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cần nghiêm túc nhìn nhận lại, rút kinh nghiệm và nhận khuyết điểm trước Người. Mặc dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng cho đến nay Lai Châu vẫn là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Quy mô phát triển kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng nông thôn. Chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, phát triển chưa đều, chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp. Đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo, cận nghèo còn cao, giảm nghèo một số nơi chưa bền vững. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Kỷ cương, kỷ luật ở một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền một số nơi chưa toàn diện. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội một số mặt còn hạn chế.

Sinh thời, Bác của chúng ta nhiều lần nói về khát vọng, về mục tiêu của mình khi tận hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông Việt Nam, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó chính là ham muốn tột bậc của Người, mà theo cách lý giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi chỉ có một ham muốn là Tổ quốc tôi được độc lập, đồng bào được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Nhưng, khát vọng của Bác chưa dừng lại ở đó, Người còn muốn Tổ quốc mình, non sông gấm vóc, con người Việt Nam phải tự tin, hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu. Trước khi trở về đất mẹ yêu thương, Người dặn dò Đảng ta “Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Bởi vậy, thực hiện những lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu chưa thể bằng lòng với những gì mình đạt được, cần phải đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm phấn đấu đến cùng để đưa Lai Châu ngày càng tự tin hội nhập và phát triển. Mà trước mắt là hiện thực hóa những mục tiêu đã đề tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 và quyết tâm “xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.

Để đạt được mục tiêu đó, và thỏa lòng mong đợi, niềm tin của Bác Hồ kính yêu, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục kịp thời tổ chức quán triệt, học tập và quyết liệt triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát, xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực, tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Hai là, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu, kỷ cương, hiệu quả; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Ba là, xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, hằng năm. Tập trung nguồn lực cao nhất, cơ chế, chính sách tạo động lực tốt nhất cho phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong khu vực, các tỉnh biên giới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bốn là, chú trọng khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biên mậu cửa khẩu, nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy phát triển hàng hóa có lợi thế ổn định, bền vững; đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị, ổn định với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên các mặt kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Năm là, thực hiện đồng bộ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua rộng khắp trên các lĩnh vực, chú trọng phong trào thi đua trong lao động sản xuất của Nhân dân, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết đại hội các cấp và các nghị quyết chuyên đề, đề án, kết luận của Tỉnh ủy. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chúng ta tin tưởng rằng, với những thành quả đã có được, với nguồn động lực vô giá là tình cảm, những cống hiến, hi sinh mà vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã dành cho dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Lai Châu nói riêng, với tất cả tinh thần đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, phát huy trí tuệ tập thể của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu, những sức mạnh nội sinh, ngoại sinh... cùng với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Lai Châu sẽ không ngừng hội nhập và phát triển. Xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng và ân tình của Bác đã dành cho Lai Châu./.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...