Thứ tư, 24/04/2024, 13:19 [GMT+7]

Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh

Thứ ba, 16/08/2022 - 21:42'
(BLC) - Tỉnh ủy Lai Châu vừa ban hành Kế hoạch Số 111-KH/TU về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự thống nhất trong nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay; đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh và tính tự giác, gương mẫu của mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo; triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ “Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản” trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

- Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện quyết liệt, kiên trì, nghiêm túc, thực chất, không hình thức; định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong thực hiện từng nội dung công việc giữa các cơ quan, đơn vị.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ trọng tâm

1.1. Quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đúng nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

1.2. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí địa phương, đảm bảo báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cấp ủy; khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng trong đội ngũ những người làm báo.

1.3. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí, chấp hành theo đúng chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

1.4. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có sai phạm, vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí.

1.5. Tăng cường quản lý, theo dõi, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; không để báo chí trong tỉnh hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” báo chí; “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đưa thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, phiến diện.

1.6. Hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý; nâng cao trách nhiệm của Hội Nhà báo tỉnh trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh việc theo dõi, kiểm tra, kết luận và xử lý đối với người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua và hoạt động báo chí. Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả, động viên, khuyến khích những người làm báo trong tỉnh tích cực tham gia Giải báo chí tỉnh Lai Châu, Giải báo chí tỉnh Lai Châu về xây dựng Đảng và các giải báo chí của Trung ương phát động.

2. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

2.1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển, quản lý hoạt động báo chí gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 224- KL/TU, ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh” và Kế hoạch số 61-KH/TU, ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 224-KL/TU; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước rà soát, thực hiện đúng quy trình cấp phép xuất bản.

- Kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí của tỉnh khi để xảy ra vi phạm, sai phạm; thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm, khắc phục tình trạng buông lỏng lãn đạo, quản lý để cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; việc duy trì nền nếp, đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển Đảng; công tác phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong lãnh đạo, quản lý báo chí.

- Kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về tổ chức, cán bộ đối với cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí của tỉnh để xảy ra vi phạm nghiệm trọng, kéo dài hoặc không có chuyển biến, thay đổi sau khi cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhắc nhở, cảnh báo.

- Chỉ đạo, định hướng thông tin nhanh chóng, kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần được dự báo, phát hiện sớm, xử lý nhanh, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực; thực hiện tốt Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm; các chương trình phối hợp đã ký kết giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị đảmbảo thiết thực, hiệu quả.

- Phối hợp tham mưu, cho ý kiến vào việc xây dựng quy hoạch cán bộ; cử cán bộ các cơ quan báo chí đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

- Duy trì và nâng cao chất lượng công tác giao ban báo chí định kỳ; tổ chức gặp gỡ, làm việc với các cơ quan báo chí của tỉnh để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động báo chí.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa X) về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Tham mưu chỉ đạo tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

2.2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh

Triển khai kịp thời các quy định mới của Đảng và Nhà nước về báo chí, truyền thông nhằm đảm bảo báo chí, truyền thông phát triển lành mạnh, đúng định hướng; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn. Xây dựng Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

- Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm và kịp thời tình trạng thông tin sai sự thật; tình trạng “thương mại hóa”, “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tình trạng “tư nhân hóa” hoạt động báo chí; khắc phục triệt để tình trạng báo chí hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; kiên quyết xử lý những cơ quan báo chí, người làm báo có hành vi vi phạm pháp luật, công bố kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Rà soát việc cấp giấy phép xuất bản, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, xuất bản các tài liệu đảm bảo đúng quy định; đánh giá tổng thể tình hình hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, có giải pháp khắc phục, xử lý ngay những bất cập, tồn tại, hạn chế; dừng hoạt động, thu hồi giấy phép khi phát hiện có vi phạm.

- Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật; định kỳ tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa bàn; kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm, dừng hoạt động văn phòng đại diện không đủ điều kiện.

2.3. Hội Nhà báo tỉnh

- Thực hiện tốt vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Hội Nhà báo tỉnh, quan tâm, chăm lo quyền và lợi ích của người làm báo; đẩy mạnh theo dõi, giám sát, kiểm tra việc hoạt động, hành nghề báo chí đối với các thành viên; kịp thời phát hiện, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh đối với người làm báo hoạt động trên địa bàn tỉnh vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

- Chủ động nhận xét, đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động tác nghiệp và nội dung thông tin trên báo chí tại các hội nghị giao ban báo chí và khi xuất hiện vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm; nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động thông tin thiếu khách quan, trung thực, thiếu tính định hướng, giáo dục, thẩm mỹ nhất là việc thực hiện chức năng tư tưởng, văn hóa và nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng; thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về sứ mệnh nghề nghiệp, trách nhiệm đối với xã hội của hội viên, người làm báo.

- Tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại; chủ động nghiên cứu phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục phối hợp thẩm định và tuyển chọn các tác phẩm báo chí tham dự giải Báo chí Quốc gia, Hội Báo toàn quốc, Giải Búa liềm vàng, Giải báo chí tỉnh Lai Châu về xây dựng Đảng, Giải báo chí tỉnh Lai Châu, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các giải báo chí do các cấp, các ngành phát động.

- Phát động, triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

2.4. Các cơ quan báo chí của tỉnh

- Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý; thực hiện chủ trương người đứng đầu cơ quan báo chí trực tiếp làm bí thư cấp ủy. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan báo chí. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực.

- Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao;,chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ thông tin trước khi đăng tải, phát hành không để xảy ra tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng; thông tin nặng về phê phán mặt tiêu cực, thổi phồng, khoét sâu yếu kém, khuyết điểm mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo, điển hình tiên tiến.

- Đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thành tựu phát triển của đất nước, của tỉnh; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin, thực hiện đúng Quy định số 234-QĐ/TW, ngày 08/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện  Quy định số 234-QĐ/TW của Ban Bí thư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, tiêu cực.

- Rà soát, tránh tình trạng “thương mại hóa”, “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội của cơ quan báo chí; thực hiện đúng các quy định trong liên kết báo chí.

- Rà soát ban hành các quy định, quy chế của tòa soạn về quy trình tổ chức đề tài tác nghiệp, thẩm định, biên tập, phê duyệt xuất bản; sửa chữa, gỡ, hạ, đính chính tin, bài.

- Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua và ký cam kết xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa hướng tới mục tiêu cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

- Quán triệt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo thực hiện nghiêm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về việc không đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có xu hướng kích động, thông tin có yếu tố nhạy cảm có thể gây hoang mang dư luận xã hội. Tăng cường quản lý, nhắc nhở, xử lý nghiêm những cán bộ, phóng viên, người làm báo của cơ quan có sai phạm; không để lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật.

2.5. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ tỉnh đoàn; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa phương đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về cung cấp thông tin cho báo chí. Phối hợp theo dõi, giám sát, kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm những hiện tượng lợi dụng hoạt động báo chí để tiêu cực, vi phạm các quy định, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy đảng, các cơ quan báo chí của tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quán triệt, theo dõi, đôn đốc triển khai và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...