Thứ sáu, 19/04/2024, 21:55 [GMT+7]

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, mùa khô năm 2020 - 2021

Thứ bảy, 24/10/2020 - 10:28'
(BLC) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, mùa khô năm 2020 - 2021.

q

Cán bộ xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường hướng dẫn Nhân dân cách phát đường băng cản lửa để phòng, chống cháy rừng.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có trên 453.000 ha rừng, trong đó có gần 162.000 ha thuộc vùng trọng điểm cháy, nguy cơ cháy cao và rất cao. Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; ý thức trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được nâng lên; số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại ngày càng giảm. Tuy nhiên tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, xâm lấn đất rừng, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép và cháy rừng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa các tháng mùa khô 2020-2021 của khu vực Bắc Bộ xấp xỉ bằng hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm (riêng tháng 11, khu vực Tây Bắc có lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%), nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao.

Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phổ biến, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5256/VPCP-NN ngày 30 tháng 6 năm 2020 về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý bảo vệ rừng theo quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; gắn trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Kiện toàn và tăng cường hoạt động của BCĐ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương; chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở và hỗ trợ các chủ rừng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, mua bán lâm sản trái pháp luật.

Rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm "4 tại chỗ". Thiết lập và duy trì thông tin liên lạc các cấp để phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy rừng. Lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô hanh và ở những nơi có nguy cơ cháy cao.

Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên phải trực chỉ huy PCCCR tại cấp huyện, cấp xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng khác tổ chức lực lượng tuần tra, trực 24/24 giờ để canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng như: Đốt ong, đốt bãi rác, đốt nương... Chủ động phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử kiemlam.org.vn; kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng trên Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, hệ thống loa phát thanh của xã, bản, tuyên truyền lưu động… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tăng cường sự chủ động của chủ rừng, nhân dân đối vối công tác phòng, chống cháy rừng; khi xảy ra cháy rừng phải triển khai ngay lực lượng chữa cháy và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư.

Xây dựng kế hoạch tổ chức đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các Ban Quản lý rừng phòng hộ, cộng đồng dân cư và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về PCCCR.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tối đa lực lượng, bám sát địa bàn trực PCCCR và tham mưu tích cực, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR. Thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, đảm bảo cập nhật thông tin chính xác, kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm và sẵn sàng tham gia chữa cháy cùng các địa phương khi có cháy rừng xảy ra.

Theo dõi, tổng hợp định kỳ hàng tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm tra, đôn đốc địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân, truy tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; tổ chức huấn luyện, thực hành diễn tập tình huống giả định cháy rừng; chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện, hậu cần, dụng cụ chữa cháy sẵn sàng hỗ trợ địa phương, cơ sở  khi có cháy rừng xảy ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở và chủ rừng tăng cường công tác tuần tra rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác gỗ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tổ chức tuần tra trinh sát, phát hiện sớm các đám cháy tại khu vực biên giới (thuộc địa phận Trung Quốc có nguy cơ cháy lan sang các huyện biên giới của tỉnh Lai Châu), chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ và tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng nhiệm vụ của Sở, chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; nêu gương các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phản ánh những hạn chế để khắc phục ở địa phương, đơn vị; tăng cường thời lượng phát sóng, chuyên mục, đăng tin bài… và cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các cấp Hội, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn; phát động thi đua, ký cam kết làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại địa phương, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...