Thứ sáu, 29/03/2024, 06:24 [GMT+7]

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh

Thứ ba, 10/11/2020 - 10:26'
(BLC) - UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công văn số 2555/UBND-KTN về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, từ tháng 6 năm 2020 đến nay, bệnh DTLCP đã tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 2/11/2020 dịch đã xuất hiện tại 349 hộ/82 bản/24 xã của 6 huyện, thành phố (Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Thành phố Lai Châu), số lợn đã tiêu hủy là 979 con, trọng lượng 47.567,5 kg. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản ổn định (28 ngày liên tiếp không phát sinh lợn ốm, chết, tiêu hủy do bệnh DTLCP). Tuy nhiên, bệnh DTLCP hiện chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển; nguy cơ bệnh DTLCP tái phát, lây lan trên diện rộng trong thời gian tới còn rất cao.

Hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả Châu Phi, đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Ảnh: Bình Minh

Để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh DTLCP trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, nguy cơ, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng hướng dẫn, phổ biến, khuyến khích việc áp dụng và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi của người dân.

Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là các khu vực đã từng có dịch, khu vực có nguy cơ cao, để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Duy trì hoạt động của các tổ, đội liên ngành; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y. Các huyện biên giới tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng, phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, chính quyền cơ sở tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới (đặc biệt là lợn và các sản phẩm của lợn).

Các huyện, thành phố chưa xây dựng Kế hoạch phòng chống DTLCP giai đoạn 2020-2025 yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch trước ngày 20/11/2020. Báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi theo quy định.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác rà soát các ổ dịch bệnh DTLCP cũ có nguy cơ tái phát; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, giám sát dịch bệnh.

Đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025; triển khai các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại các huyện, thành phố theo phân công tại Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 17/7/2019 của BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền tập trung về tình hình dịch bệnh, nguyên nhân lây nhiễm, nguy cơ tái phát, lây lan, tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn đến người chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác vệ sinh thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi.

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...